 |
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo CEPPP-2023 chủ trì buổi quan sát. Ảnh: Việt Trung |
 |
Các khách mời quốc tế vỗ tay tán thưởng trước màn thực hành tình huống huấn luyện tích hợp giữa 3 thành phần quan sát viên quân sự, công binh và quân y. |
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo CEPPP-2023 tham dự và chủ trì buổi quan sát. Cùng tham dự có thành viên Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Tùy viên Quốc phòng cùng Trưởng đoàn 18 nước thành viên ADMM+, đội ngũ các giảng viên, học viên và quan sát viên quốc tế tham dự Chương trình CEPPP-2023.
 |
Thực hành kỹ năng sơ cứu thương. Ảnh: Việt Trung |
 |
Vận chuyển nạn nhân mức độ nhẹ lên xe cứu thương về chữa trị tại Bệnh viện dã chiến cấp 1. Ảnh: Việt Trung |
Các lực lượng tham gia huấn luyện đã có buổi trình diễn báo cáo tình huống nổi bật là các nhân viên Liên hợp quốc thuộc phân đội công binh đang thi công không may tiếp xúc vật nổ còn sót lại sau chiến tranh và bị thương. Trong đó có 1 nạn nhân bị sốc chấn thương nặng phải thực hiện vận chuyển cấp cứu đường không lên tuyến trên bằng trực thăng. Để xử lý tình huống phức tạp này cần tiến hành một quy trình tích hợp giữa 3 thành phần quan sát viên quân sự-công binh-quân y.
Hiện trường thực hành tình huống tích hợp diễn ra bên cạnh một trại tị nạn mô phỏng trại tị nạn ở một quốc gia xung đột, nhằm tạo hiện trường mô phỏng giống môi trường phái bộ; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của việc các quốc gia cùng chung tay đóng góp cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở các nước xung đột, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
 |
Các học viên trong vai quan sát viên quân sự thu thập thông tin, nắm bắt tình hình hiện trường để làm công tác báo cáo. Ảnh: Việt Trung |
 |
Cảnh giới tại hiện trường. Ảnh: Việt Trung |
Liên tục tiếng hú còi của xe cứu thương, tiếng ồn của động cơ trực thăng, tiếng bộ đàm liên lạc rèn rẹt đã tạo không khí căng thẳng, khẩn trương. Các nhân viên y tế cấp cứu các nạn nhân, các bộ phận quan sát viên quân sự, công binh liên tục quan sát, ghi chép, báo cáo qua bộ đàm và làm nhiệm vụ cảnh giới… Theo Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Quang Chiến, Trưởng nhóm Giảng viên y tế CEPPP-2023, các trang thiết bị phục vụ sơ cứu thương và cấp cứu được sử dụng trong lần thực hành đều đạt chuẩn Liên hợp quốc.
 |
Gần thao trường thực hành huấn luyện tình huống là khu trại tị nạn mô phỏng giống địa bàn phái bộ. Ảnh: Việt Trung |
Bối cảnh giả định là tại Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Carana thực thi nhiệm vụ giữ gìn hòa bình và bảo đảm an ninh sau khi chiến tranh kết thúc. Một phân đội công binh đang thi công mở rộng trại tị nạn giúp cải thiện cuộc sống của người dân, cách Sở chỉ huy phân khu 2 khoảng 120km, không may máy xúc chạm phải mìn chống tăng còn sót lại sau cuộc nội chiến, khiến một người bị thương nặng, 2 người bị thương nhẹ.
 |
Vận chuyển cấp cứu nạn nhân bằng đường không. Ảnh: Việt Trung |
 |
Kỹ năng nâng hạ nạn nhân trên cáng lên máy bay được thực hành thành thục. Ảnh: Việt Trung |
 |
Thực hành kỹ năng theo dõi và chăm sóc bệnh nhân trên trực thăng nhằm bảo đảm sự an toàn và sức khỏe cho nạn nhân khi được tuyển lên tuyến trên. Ảnh: Việt Trung |
Sau khi sự cố nổ mìn xảy ra, nhóm quan sát viên quân sự đang tuần tra gần đó tiếp cận hiện trường cùng với phân đội công binh xác định và đánh dấu các vị trí nguy hiểm, đồng thời thông báo cho Cơ quan hành động mìn Liên hợp quốc (UNMAS). Phân đội công binh thực hiện báo cáo với chỉ huy tình hình vụ việc và lệnh cho các nhân viên y tế tiếp cận hiện trường sơ cứu thương ban đầu người bị thương, cấp cứu nạn nhân nặng và phân loại mức độ thương tích. Đối với nạn nhân mức độ nhẹ sẽ vận chuyển về Bệnh viện dã chiến cấp 1 để chữa trị. Còn với nạn nhân nặng sẽ vận chuyển cấp cứu bằng đường không lên tuyến trên. Để xử lý sự cố này, các lực lượng từ quan sát viên quân sự, công binh, quân y đều phải tuân thủ theo các quy định chuẩn Liên hợp quốc về xử lý hiện trường, sơ cứu thương y tế, phân loại thương tích, vận chuyển nạn nhân, báo cáo cơ quan cấp trên cũng như cơ quan phái bộ…
 |
|
 |
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn và bà Masuzawa Tomoko, Trưởng nhóm chuyên gia Gìn giữ hòa bình Nhật Bản, đồng chủ trì Nhóm chuyên gia Chu kỳ 4 tặng hoa động viên các lực lượng tham gia trình diễn tình huống huấn luyện tích hợp. Ảnh: Việt Trung
|
Như trong trường hợp bị thương nặng, cần báo cáo đề xuất Sở chỉ huy phái bộ chấp thuận việc vận chuyển y tế đường không lên tuyến trên, điều máy bay trực thăng cứu hộ trên không tới hiện trường. Quy trình vận chuyển y tế đường không phải tuân thủ các tiêu chuẩn về y tế hết sức nghiêm ngặt nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho nạn nhân, như kỹ thuật nâng cao nạn nhân trên máy bay hay các quy định chuyên môn khi theo dõi và chăm sóc bệnh nhân trên máy bay trong quá trình vận chuyển, theo đúng các tiêu chuẩn y tế Liên hợp quốc. Trong tình huống trình diễn quan sát, các nhân viên y tế cùng lúc thực hành nhiều kỹ năng sơ cứu thương ban đầu, cấp cứu, vận chuyển y tế đường không… đã được học ở giai đoạn huấn luyện chuyên ngành như băng bó vết thương, nẹp chân gãy, truyền dịch giảm đau…
Yêu cầu của bài tập tình huống này đối với các học viên đó là phải báo cáo chính xác thông qua chuỗi mệnh lệnh nếu xảy ra sự cố an ninh trong khu vực được giao phụ trách. Thực hiện đúng hướng dẫn về xử lý tình huống thương vong do bom mìn cũng như cách thức phối hợp giữa 3 thành phần.
Tình huống thực hành chỉ diễn ra trong khoảng 1 giờ nhưng đã giúp người quan sát có thể hình dung được phần nào quy trình tích hợp và phối hợp hiệp đồng thực hiện nhiệm vụ trong tình huống thử thách giữa 3 bộ phận quan sát viên quân sự, công binh và quân y ở địa bàn phái bộ.
Đánh giá kết quả sau buổi quan sát, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn khẳng định: “Kết quả đạt được đến nay có thể nói là rất ấn tượng, tiêu biểu là tình huống tích hợp vừa trình diễn tại thực địa đã minh chứng sinh động cho những nỗ lực tuyệt vời của các chuyên gia, giảng viên và học viên từ các nước ADMM+ trong khung tập bài. Không những thế, tất cả tình huống huấn luyện được triển khai ở các cấp độ, với nhiều địa điểm, khung thời gian khác nhau trong suốt những ngày qua đạt trình độ chuyên môn cao”.
Theo Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, kịch bản nội dung huấn luyện được xây dựng sát với thực tiễn, cùng hệ thống thao trường, bãi tập, các trang thiết bị, vật chất phù hợp sẽ bổ sung rất tốt cho công tác chuẩn bị các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình sắp tới của Việt Nam. Kịch bản đã phản ánh rõ nét những kinh nghiệm về huấn luyện và chuẩn bị lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam cũng như các kinh nghiệm tốt từ các nước ADMM+.
MỸ HẠNH-ĐỨC TÍNH-VIỆT TRUNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Đối ngoại quốc phòng xem các tin, bài liên quan.