QĐND - Các hợp chất clo vòng thơm, điển hình là các loại hóa chất bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ clo là hoạt chất gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sức khỏe của con người. Hiện ở nước ta có nhiều nguồn nước bị ô nhiễm hợp chất clo vòng thơm, gây ảnh hưởng tới môi trường, cần được xử lý. Trên thế giới đã có nhiều phương pháp xử lý hợp chất clo vòng thơm như vật lý, hóa lý, phương pháp sinh học... Một hướng mới để xử lý hợp chất clo vòng thơm đang được nhiều nước áp dụng là dùng sắt hóa trị không. Đây là phương pháp xử lý thân thiện với môi trường vì sản phẩm của quá trình phân hủy ít độc hại.

Với mục đích nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng sắt hóa trị không trong xử lý nguồn nước nhiễm các hợp chất clo vòng thơm, qua thực nghiệm với hợp chất clobenzen, các nhà khoa học thuộc Viện Hóa học-Vật liệu (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự) đã tiến hành nghiên cứu xác định các yếu tố ảnh hưởng đến phản ứng loại bỏ clo từ phân tử hợp chất clo vòng thơm; nghiên cứu lựa chọn các phụ gia nhằm tăng tốc độ phản ứng; xác định khả năng hấp phụ của hợp chất clo vòng thơm và sản phẩm phản ứng loại clo lên hợp chất FeOOH; xác định khả năng tăng hiệu suất của phản ứng...

Kết quả, các tác giả đã tìm ra điều kiện xử lý hợp chất clobenzen đạt hiệu suất lớn nhất khi dùng hệ phản ứng Fe/H2O/O2 có sử dụng phụ gia EDTA; xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ phản ứng phân hủy hợp chất clobenzen như độ hòa tan của sắt kim loại, kích thước và hàm lượng của bột sắt, độ pH của dung dịch... Từ kết quả nghiên cứu, các tác giả đã xây dựng quy trình xử lý clobenzen đạt hiệu suất cao nhất. Kết quả nghiên cứu cũng có thể áp dụng cho các hợp chất tương tự. Phương pháp xử lý bằng sắt hóa trị không, có thể ứng dụng để xử lý các nguồn nước bị nhiễm hợp chất hữu cơ clo vòng thơm với chi phí thấp hơn nhưng hiệu quả cao hơn các phương pháp khác.

Trung Phương