Các biện pháp ngụy trang cho xe tăng-thiết giáp nhằm bảo đảm bí mật, bất ngờ trong tác chiến đã được đưa vào sử dụng từ lâu và ngày càng sáng tạo. Từ chỗ dùng cây lá, che phủ bằng lưới ngụy trang, đến việc dùng sơn phủ có tính biến màu theo địa hình, thời tiết…
 |
Xe tăng Con Báo Leopard 1 được ngụy trang khi đi trong tuyết trắng. Ảnh minh hoạ: Internet |
Các biện pháp ngụy trang cho xe tăng-thiết giáp nhằm bảo đảm bí mật, bất ngờ trong tác chiến đã được đưa vào sử dụng từ lâu và ngày càng sáng tạo. Từ chỗ dùng cây lá, che phủ bằng lưới ngụy trang, đến việc dùng sơn phủ có tính biến màu theo địa hình, thời tiết… tạo cho xe tăng-thiết giáp tránh được sự phát hiện bằng mắt thường và các phương tiện trinh sát quang học của đối phương. Sự phát triển của các khí tài trinh sát hiện đại khiến các phương pháp ngụy trang truyền thống khó có thể che giấu xe tăng-thiết giáp một cách hữu hiệu, đòi hỏi các nhà khoa học quân sự nghiên cứu các biện pháp công nghệ mới để bảo vệ xe tăng-thiết giáp tốt hơn. Công nghệ tàng hình ứng dụng cho xe tăng-thiết giáp đang trở thành một trong những hướng ưu tiên của quân đội các nước hiện nay.
Công nghệ tàng hình xuất hiện từ giữa thế kỷ trước nhằm ứng dụng cho máy bay, tên lửa hành trình, sau đó sử dụng trên tàu chiến đấu của hải quân. Để nâng cao hiệu quả chiến đấu, tạo sự bất ngờ bằng những đòn hỏa lực mạnh trên mặt đất, đầu thế kỷ 21, công nghệ tàng hình được quân đội Mỹ và các nước phương Tây ứng dụng cho xe tăng-thiết giáp. Xe tăng tàng hình AMX-30DFC của Pháp xuất hiện năm 2003 áp dụng triệt để công nghệ tàng hình của máy bay chiến đấu, sử dụng phương pháp tạo dáng hình học bên ngoài và sơn phủ vật liệu hấp thụ sóng điện từ trên bề mặt xe tăng, giảm nhỏ tiết diện phản xạ điện từ của các phương tiện trinh sát hồng ngoại, ra-đa… Qua thử nghiệm, loại xe tăng này vẫn dễ dàng bị phát hiện bằng mắt người và thiết bị quang học đơn giản. Gần đây, Lục quân Hoàng gia Anh đã thử nghiệm thành công mẫu xe tăng “tàng hình trong suốt” nhờ áp dụng công nghệ tàng hình QGD, làm thay đổi tỉ suất chiết xạ đối với tia sáng chiếu lên vật thể, khiến cho mắt người và thiết bị trinh sát không thể thu ảnh vật thể bình thường hoặc chỉ thấy hình ảnh môi trường xung quanh. Xe tăng ứng dụng QGD là bước đột phá mang tính nhảy vọt của công nghệ tàng hình.
Công nghệ tàng hình cho xe tăng hiện nay dựa trên các dạng chính là: Giảm thiểu bức xạ hồng ngoại, giảm thiểu tiếng ồn, nhất là tiếng ồn động cơ; giảm bức xạ điện từ, sử dụng vật liệu hấp thụ và tạo màn khói. Mỹ đã áp dụng công nghệ tàng hình cho xe tăng M1A1, động cơ không chỉ có tiếng ồn thấp mà nhiệt độ còn giảm xuống chỉ còn từ 180C đến 500C. Các loại xe tăng tàng hình phần lớn sử dụng công nghệ vật liệu composite để giảm bức xạ điện từ, bức xạ nhiệt và giảm tiếng ồn. Quân đội Anh, ngoài việc sử dụng công nghệ QGD cho xe tăng, đã phát triển xe tăng sử dụng vật liệu hấp thụ sóng điện từ của ra-đa, khiến chúng trở nên “trong suốt” trước các phương tiện trinh sát quang học và sóng điện từ.
ĐỨC GIANG