 |
Xe tác chiến điện tử MEWSS của lục quân Mỹ. |
Các phương tiện cơ giới mang khí tài gây nhiễu là một trong những thành phần cơ bản của hệ thống tác chiến điện tử trên mặt đất. Ưu điểm nổi bật của khí tài gây nhiễu lắp trên xe cơ giới là khả năng cơ động cao, tác chiến trên các địa hình khác nhau, gây nhiễu linh hoạt và hiệu quả. Khí tài gây nhiễu lắp trên xe cơ giới ngày càng giữ vai trò quan trọng trong các cuộc chiến tranh công nghệ cao, bảo vệ các mục tiêu có tính chiến lược, trọng điểm về chính trị, quân sự và kinh tế… Tính phổ biến và sử dụng hiệu quả của khí tài tác chiến điện tử khiến quân đội các nước ngày càng quan tâm đầu tư, phát triển khí tài gây nhiễu hiện đại, trong đó có khí tài gây nhiễu lắp đặt trên xe cơ giới.
Khí tài gây nhiễu lắp trên xe cơ giới đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau như gây nhiễu truyền tin, ra-đa, máy bay, hệ thống điều khiển vũ khí dẫn chính xác và các phương tiện gây nổ vô tuyến… Những tiến bộ khoa học-công nghệ nhanh chóng đưa vào ứng dụng để chế tạo các khí tài gây nhiễu mới, làm cho chúng đa năng hơn, có thể tích hợp, kết nối với các hệ thống bảo vệ điện tử, đánh chặn và phối hợp gây nhiễu ở nhiều tầng, nhiều cự ly khác nhau. Công nghệ mới cũng cho phép các nhà thiết kế, chế tạo các loại khí tài gây nhiễu lắp trên xe cơ giới ngày càng nhỏ, gọn, phạm vi tác chiến rộng và độ tin cậy cao hơn. Đặc biệt, các công nghệ chế tạo và kỹ thuật gây nhiễu sử dụng cho các hệ thống khí tài tác chiến điện tử lắp trên máy bay, tên lửa, tàu hải quân cũng được nghiên cứu ứng dụng cho các khí tài tác chiến điện tử mặt đất, trong đó có khí tài gây nhiễu, giúp các hệ thống không chỉ hoạt động tác chiến độc lập, mà còn trở thành khí tài dùng chung cho các quân-binh chủng.
Khí tài gây nhiễu truyền tin cơ động trên mặt đất đang phát triển mạnh mẽ và được áp dụng những thành tựu công nghệ mới nhất. Máy gây nhiễu AN/USQ-146 Rubicon trong hệ thống khí tài gây nhiễu truyền tin chiến trường của Mỹ được lắp đặt trên các xe cơ giới Humvee, làm việc trên dải tần từ 2 đến 2,5GHz. Đây là hệ thống gây nhiễu hiện đại, có kết cấu mô-đun, công suất phát đạt tới 300W, chế áp hiệu quả trên các dải tần khác nhau như CW, AM, FM, WBFM. Hải quân đánh bộ Mỹ đã trang bị khí tài gây nhiễu MEWSS lắp trên xe thiết giáp hạng nhẹ LAV có tính năng tương đương máy gây nhiễu AN/USQ-146 Rubicon. Các hãng chế tạo thiết bị tác chiến điện tử Tây Âu cũng đã phát triển nhiều loại khí tài gây nhiễu truyền tin hiện đại như máy gây nhiễu TRC-274NG của Pháp, SGS-2300 của Đức dùng để đối phó với các hệ thống truyền tin nhảy tần và di động. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phát triển hệ thống máy gây nhiễu truyền tin chiến thuật JAMINT thế hệ thứ tư, có dải tần công tác từ 1 đến 30MHz lắp trên xe cơ giới Unimog. I-xra-en đã phát triển hệ thống gây nhiễu truyền tin chiến thuật tự động TACJS, công suất phát nhiễu rất mạnh tới 2kW, hoạt động trên dải tần từ 2MHz đến 1GHz. Hệ thống TACJS được lắp trên các loại xe thiết giáp hoặc xe cơ giới Humvee.
Nga là nước đi đầu về phát triển các hệ thống khí tài gây nhiễu lắp trên xe cơ giới tạo được hiệu quả cao trong gây nhiễu các ra-đa điều khiển hỏa lực trên máy bay dùng để dẫn vũ khí chính xác không đối đất. Các hệ máy gây nhiễu SPN-2 và SPN-4 lắp trên xe cơ giới có khả năng ngăn chặn hoạt động giám sát mục tiêu bức xạ và hoạt động dẫn tên lửa hay bom có điều khiển của ra-đa. Các khí tài gây nhiễu trên còn được sử dụng làm phương tiện chế áp điện tử hiệu quả cao đối với các ra-đa chức năng và ra-đa chuyên dụng lắp đặt trên các máy bay tiên tiến. Gây nhiễu hệ thống định vị toàn cầu (GPS) là bước phát triển mới trong kỹ thuật gây nhiễu hiện đại. Phần lớn vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao, tiến công chính xác đề lắp đặt hệ thống dẫn đường, chỉ thị mục tiêu và điều khiển, định vị thông qua GPS. Quân đội Nga đưa vào trang bị khí tài gây nhiễu máy thu-dẫn đường GPS/GLONASS với tầm hoạt động hiệu quả gây nhiễu từ 150km đến 200km. Khí tài gây nhiễu này đang được Mỹ rất quan tâm vì tính hiệu quả của chúng.
Gây nhiễu điện thoại di động và các phương tiện điều khiển nổ từ xa đang là hướng quan tâm của nhiều nước, nhất là quân đội các nước Nga, I-xra-en, Mỹ, khối NATO và các nước có nguy cơ bị tiến công khủng bố cao. Nga phát triển hệ máy gây nhiễu MMPS đặt trên xe UAZ, có khả năng trinh sát tự động và gây nhiễu tín hiệu vô tuyến dải tần VHF và HF trong cự ly 5km. Một hệ thống khí tài gây nhiễu khác đặt trên xe UAZ là PRV Moshkara bao gồm các máy gây nhiễu băng rộng , công suất 10W, gây nhiễu trên các băng tần của máy truyền tin vô tuyến nhảy tần. Quân đội Mỹ trang bị loạt máy gây nhiễu PCJ-X-1, công suất trên mỗi băng tần 15W; máy gây nhiễu EA-X-1A công suất mỗi băng tần lên tới 200W lắp trên các xe cơ động Ranger-330A/330B dùng để gây nhiễu bảo vệ các mục tiêu chiến lược, quan trọng và các đoàn xe bảo vệ chính khách quan trong (VIP). I-xra-en phát triển máy gây nhiễu điện thoại di động công suất cao C-Guard với các mức công suất 15-30-50-100-120W, hoạt động trên dải tần từ 850kHz đến 2179MHz. Phát triển khí tài gây nhiễu các thiết bị thông tin liên lạc cầm tay và thiết bị kích nổ từ xa trang bị trên xe cơ giới hoặc xách tay tạo bước phát triển mới về công nghệ và góp phần làm thay đổi phương thức tác chiến điện tử hiện đại.
TUẤN MINH