QĐND - Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, cùng với các nhiệm vụ cấp bách chống thù trong giặc ngoài và nạn đói, “giặc dốt”, Chính phủ lâm thời, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm xây dựng tiềm lực, củng cố quốc phòng, chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thành công trong tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang bảo vệ chính quyền, chế độ mới và chuẩn bị kháng chiến toàn dân, toàn diện, đã đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật quân sự, chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta.
Để xây dựng tiềm lực quốc phòng, cùng với các biện pháp tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi tiêu, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34/SL ngày 4-9-1945 xây dựng "Quỹ độc lập" và "Quỹ đảm phụ quốc phòng"; sau đó tổ chức "Tuần lễ vàng" trên cả nước. Chỉ trong thời gian ngắn, nhân dân ta đã đóng góp được hàng chục triệu đồng và 370kg vàng; góp phần giải quyết những khó khăn gay gắt trước mắt, nhất là việc xây dựng, nuôi dưỡng và trang bị vũ khí cho các đơn vị Vệ quốc quân. Tiếp đó, ngày 25-11-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra “Chỉ thị kháng chiến, kiến quốc”, nêu rõ tình hình, nhiệm vụ trước mắt là bảo vệ chính quyền cách mạng và thực hiện đồng thời kháng chiến, kiến quốc. Chỉ thị “Kháng chiến, kiến quốc” nêu rõ các biện pháp toàn diện và cơ bản về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế-tài chính, văn hóa. Thắng lợi về chính trị nổi bật là tổ chức thành công Tổng tuyển cử, lập Chính phủ, củng cố chính quyền và tăng cường khối đoàn kết toàn dân. Ta đã đập tan âm mưu chống phá của các thế lực thù địch phản động trong nước; ngoại giao khôn khéo để hơn 20 vạn quân Tưởng về nước. Bên cạnh đó, thắng lợi của việc chống “giặc đói”, “giặc dốt” đã góp phần xây dựng tiềm lực, củng cố quốc phòng của nước ta, trước khi bước vào toàn quốc kháng chiến.
 |
Du kích xã Bắc Ái, huyện Yên Lãng (Vĩnh Phúc) huấn luyện, trao đổi kinh nghiệm đánh chông chống quân Pháp. Ảnh chụp lại tại Bảo tàng Quân khu 2.
|
Khi thực dân Pháp nổ súng trở lại xâm lược nước ta ngày 23-9-1945, Đảng ta chủ trương lãnh đạo, động viên toàn dân kiên trì kháng chiến, xác định lâu dài, gian khổ; dùng lối đánh du kích cùng với phương pháp bất hợp tác triệt để của nhân dân ở vùng địch chiếm đóng; mở rộng chiến tranh du kích và tuyên truyền vũ trang trên đất bạn. Các tỉnh Nam Bộ khẩn trương xây dựng, phát triển và củng cố lực lượng vũ trang, xây dựng các chi đội cộng hòa vệ binh, du kích, bộ đội địa phương, công an, phối hợp với các đội quân “Nam tiến” từ miền Bắc vào chiến đấu.
Để đối phó với thù trong giặc ngoài, bảo vệ thành quả của cách mạng, ngay sau khi giành được chính quyền, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng và củng cố quốc phòng. Tháng 1-1946, Trung ương Quân ủy được thành lập. Những đơn vị tự vệ cứu quốc và tự vệ chiến đấu được tổ chức ở tất cả các khu phố, thôn xã. Trên cơ sở đó, các đơn vị bộ đội tập trung được xây dựng và phát triển nhanh chóng để bảo vệ chính quyền cách mạng từ Trung ương đến cơ sở. Đến cuối năm 1946, riêng Vệ quốc đoàn (Bộ đội chủ lực) đã có 82.000 cán bộ, chiến sĩ. Để trấn áp bọn phản cách mạng, ngày 5-9-1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh giải tán "Đại Việt quốc dân xã hội đảng" và "Đại Việt quốc dân đảng" là những đảng phái phản động tay sai của phát xít Nhật. Chính phủ còn ra Sắc lệnh lập Tòa án quân sự trừng trị bọn phản cách mạng.
Nhận rõ âm mưu và hành động phá hoại nền độc lập non trẻ của ta, nên ngay sau khi Trung ương chuyển về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân công đồng chí Phạm Văn Đồng ở lại Việt Bắc chuẩn bị xây dựng căn cứ địa phòng khi chiến tranh tái diễn. Tiếp đó, Trung ương thành lập Ban xây dựng căn cứ địa; các khu, tỉnh, huyện trong cả nước cũng khẩn trương chuẩn bị căn cứ của địa phương mình. Quân và dân thủ đô Hà Nội được giao nhiệm vụ chuẩn bị sẵn sàng, khi chiến tranh nổ ra phải chiến đấu giam chân địch một thời gian, tạo điều kiện cho hậu phương và cả nước chuyển vào thời chiến. Ngày 19-10-1946, Đảng triệu tập Hội nghị quân sự toàn quốc. Tại hội nghị này, Đảng ta khẳng định: "Không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp". Theo đó, các phương án tác chiến được đề ra. Kế hoạch tiêu thổ kháng chiến, phá hoại đường sá, cầu cống, làm vườn không, nhà trống được chuẩn bị để ngăn địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã chủ động chuẩn bị sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu. Đầu tháng 11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết văn kiện: "Công việc khẩn cấp bây giờ", nêu những phương hướng và nhiệm vụ chủ yếu của kháng chiến và vạch rõ "ta sẽ kháng chiến lâu dài, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, tổ chức du kích khắp nơi, tăng gia sản xuất khắp nơi". Đảng ta khẳng định: Cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi.
Trong những ngày đầu mới giành được độc lập, vận mệnh đất nước ta ở thế ngàn cân treo sợi tóc, đứng trước muôn vàn khó khăn, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư duy sắc sảo và tầm nhìn chiến lược, với những chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp đã lãnh đạo quân và dân ta chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến. Những kinh nghiệm trong xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần; quân sự, quốc phòng, xây dựng hậu phương, căn cứ địa kháng chiến, tiếp tục được nghiên cứu, phát triển trong điều kiện mới để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trong khu vực phòng thủ ở các địa phương cả nước.
HOÀNG HỒNG PHƯƠNG