Cấp ủy, chỉ huy các cấp sớm nhận diện và kiên quyết khắc phục những biểu hiện của bệnh thành tích, hình thức...; xây dựng, nhân ĐHTT thực chất và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Kiên quyết khắc phục tình trạng chọn “gà nòi”

Những năm trước, thường khi cơ quan cấp trên kiểm tra hoạt động, kết quả TĐQT thì hầu như các đơn vị đều lựa chọn một vài phân đội trực thuộc có nhiều thành tích phục vụ cấp trên kiểm tra, theo kiểu “tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”. Đây là tình trạng đối phó và cũng là biểu hiện của việc chọn "gà nòi”. Thực trạng nêu trên không phản ánh đúng thực chất Phong trào TĐQT ở đơn vị.

Cùng với đó, quan niệm về ĐHTT ở một số đơn vị cũng chưa đúng, còn đồng nhất giữa ĐHTT với người có thành tích; giữa xây dựng điển hình với xây dựng đơn vị điểm. Cấp ủy, chỉ huy dồn sức lãnh đạo, chỉ đạo, nhân lực, vật lực cho đơn vị được chọn, cho những cá nhân có điều kiện thuận lợi để xây dựng điển hình... Quan niệm và cách làm đó khiến các tập thể và cá nhân khác không thể học tập và làm theo được điển hình, đồng thời, việc tuyên dương, tuyên truyền về ĐHTT cũng giảm tác dụng. Thậm chí có tình trạng một số đơn vị lựa chọn điển hình không thực chất, nhưng lại cố tôn lên, tô vẽ thêm cho thành điển hình nên thiếu sức thuyết phục.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cùng các đại biểu tham quan trưng bày sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tại Đại hội TĐQT Tổng cục Kỹ thuật giai đoạn 2014-2019. Ảnh: Trần Minh.

Mục đích của Phong trào TĐQT là nhằm phát huy cao độ tính tự giác của mọi cán bộ, chiến sĩ phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc xây dựng, nhân rộng ĐHTT là biện pháp thực tiễn, lấy quần chúng để động viên quần chúng, lấy phong trào để nuôi dưỡng, thúc đẩy phong trào. Nhận thức sâu sắc quan điểm này, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cơ sở từng bước khắc phục căn bản những biểu hiện của bệnh thành tích, hình thức trong xây dựng và nhân rộng ĐHTT; loại bỏ được tư duy tập trung mọi nguồn lực cho đơn vị, cá nhân có điều kiện thuận lợi để xây dựng điển hình; bảo đảm xây dựng điển hình thực chất, chú trọng xây dựng điển hình toàn diện và điển hình từng mặt công tác.

Qua khảo sát ở các đơn vị cơ sở của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Quân khu 3, Quân đoàn 1... cho thấy, nhiều đơn vị đã mạnh dạn, quyết liệt chọn nơi yếu, chỗ khó để xây dựng ĐHTT, giúp các đơn vị yếu bắt kịp đơn vị khá; giúp chỗ khó có thêm nguồn lực và sự hỗ trợ, tạo xung lực vươn lên, đua, đuổi, vượt các cơ quan, đơn vị vốn có nhiều lợi thế. Qua đó cũng làm thay đổi nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về việc học tập và làm theo ĐHTT là điều không phải quá xa vời; từ đó tạo phong trào thi đua, đuổi kịp và vượt ĐHTT ở các đơn vị. Các tập thể, cá nhân vốn có khả năng thực chất có thêm động lực phấn đấu trở thành ĐHTT.

Mặc dù là đơn vị khung thường trực, quân số ít, cán bộ hầu hết đều luống tuổi và khó tránh khỏi tâm lý, tư tưởng cầm chừng, nhưng với Trung tá Nguyễn Kim Hùng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 36 (Sư đoàn 308, Quân đoàn 1) thì ngược lại. Nhiều năm qua, anh liên tục là ĐHTT tiêu biểu của Sư đoàn 308. 5 năm liền, anh cùng tập thể lãnh đạo, chỉ huy xây dựng đơn vị VMTD; hai năm Tiểu đoàn 2 được công nhận đạt Đơn vị Quyết thắng... Lý giải điều này, Thượng tá Nguyễn Thế Mạnh, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 308 khẳng định: “Đơn vị, cá nhân nào cũng có ưu điểm, khuyết điểm, thuận lợi và khó khăn; điều quan trọng là biết lựa chọn, phát huy đúng chỗ mạnh; khắc phục triệt để khâu yếu, điểm yếu”.

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng BQP, những năm qua, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong toàn quân đã đổi mới mạnh mẽ phương thức tiến hành công tác kiểm tra; tăng cường kiểm tra đột xuất... Các đơn vị cơ sở tích cực đổi mới tư duy, khắc phục tình trạng chuẩn bị đối phó, hoặc thành lập các bộ phận chuyên phục vụ kiểm tra. Ở các đơn vị của Tổng cục Kỹ thuật, công tác kiểm tra, giám sát kết quả TĐQT được thực hiện thường xuyên và phần lớn là kiểm tra theo chuyên đề, đột xuất. Từng cơ quan, đơn vị xác định rõ kế hoạch xây dựng tập thể, cá nhân ĐHTT toàn diện, hoặc từng mặt công tác; khuyến khích các phong trào thi đua đuổi và vượt điển hình, kết hợp chặt chẽ nhân ĐHTT với xây dựng các mô hình thi đua, lấy điển hình toàn diện làm trung tâm, điển hình từng mặt để thúc đẩy. 

Không “bỏ quên” điển hình sau tôn vinh

 Thực tế những năm trước đây, có đơn vị xây dựng, tôn vinh điển hình chưa thực chất nên khó nhân rộng, học tập và làm theo; không ít đơn vị xây dựng ĐHTT chủ yếu để tuyên dương; việc nhân rộng ĐHTT còn chung chung, chưa có kế hoạch cụ thể, cách làm bài bản... Theo Đại tá Nguyễn Văn Trị, Phó chính ủy Binh chủng Thông tin liên lạc, mỗi điển hình đều có những nguyên nhân thành công chung và riêng nên phải chú trọng công tác tổng kết để các tập thể, cá nhân vận dụng được cái chung, học tập, làm theo; cái riêng thì tham khảo.

Việc tôn vinh và nhân rộng ĐHTT sau tôn vinh luôn được QUTƯ, BQP, TCCT và cấp ủy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, khen thưởng kịp thời, tạo điều kiện để từng cá nhân, tập thể phát triển; đồng thời yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng ĐHTT trong nội bộ đơn vị, chia sẻ kinh nghiệm với đơn vị bạn, rồi tạo sự lan tỏa ra toàn xã hội. Nhiều đơn vị thuộc Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Kỹ thuật, Binh chủng Thông tin liên lạc... thường xuyên tổ chức cho các ĐHTT đi tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm và sơ kết, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua. Các đơn vị thường xuyên theo dõi, giúp đỡ để các ĐHTT tiếp tục lập thêm nhiều thành tích mới, xứng đáng là điển hình tiêu biểu để mọi người học tập, làm theo; kiên quyết khắc phục tình trạng gò ép, “chạy” thành tích trong xây dựng, nhân rộng ĐHTT.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”, theo đó, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân thường xuyên quan tâm đến công tác khen thưởng để tạo động lực thi đua. Hằng năm, QUTƯ, BQP, TCCT tổ chức tuyên dương, tôn vinh các gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân. Sau tôn vinh, các điển hình tiêu biểu được đề nghị và thăng quân hàm trước niên hạn; được các đồng chí lãnh đạo, thủ trưởng đơn vị quan tâm đưa vào diện quy hoạch, bổ nhiệm giữ các vị trí xứng đáng với thành tích, năng lực...

Ở các đơn vị cơ sở của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), nhiều cá nhân ĐHTT sau thời gian nỗ lực phấn đấu, khẳng định năng lực, đạt thành tích cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị đều được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đề bạt, bổ nhiệm giữ chức vụ trưởng, phó các phòng, ban khi tuổi đời còn rất trẻ. Cũng với quan điểm và cách làm trên, tại các đơn vị, nhà máy của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, không khí thi đua luôn sôi nổi, rộng khắp bởi lãnh đạo, chỉ huy đơn vị luôn tạo mọi điều kiện để cán bộ, công nhân viên, người lao động phát huy hết năng lực, sức sáng tạo. Từ thực tế thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo đơn vị đã phát hiện nhiều nhân tố mới để bồi dưỡng, xây dựng ĐHTT, tạo động lực để cán bộ, công nhân viên, người lao động toàn nhà máy thi đua, noi theo.

TRẦN MINH MẠNH