Do chính sách khai thác triệt để nguồn tài nguyên sẵn có ở các nước thuộc địa, nên mặc dù tư bản Pháp đã thực hiện một số biện pháp canh tân kinh tế (áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, nhập một số giống mới...) nhưng kinh tế Thủ Dầu Một cho đến năm 1945 vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém, manh mún. Sau Cách mạng tháng Tám, nhân dân Thủ Dầu Một phải gánh chịu một nền kinh tế kiệt quệ do chế độ cũ để lại. Ngân khố của tỉnh hầu như trống rỗng, sản xuất nông nghiệp tiêu điều vì ruộng đất trước đây phần lớn nằm trong tay giới địa chủ, nay trở nên hoang hóa (trung bình mỗi địa chủ chiếm khoảng 530 mẫu, làm cho 2/3 hộ nông dân thiếu hoặc không có ruộng cày). Cơ sở vật chất của các nhà máy, xí nghiệp, đồn điền quá lạc hậu. Hoạt động thương nghiệp ngừng trệ, bế tắc do sự chèn ép của giới tư bản Pháp và Hoa kiều, mặt khác do ảnh hưởng của cuộc chiến khốc liệt làm cho hàng hóa trở nên khan hiếm. Một số địa chủ bỏ trốn, số còn lại đem cất giấu của cải rồi nằm yên chờ thời. Nông dân Thủ Dầu Một phần lớn thiếu hoặc không có ruộng cày, một phần do sự bao chiếm ruộng đất của địa chủ, quan lại; một phần do chiến tranh kéo dài nên của cải khánh kiệt, đói kém. Hàng vạn công nhân đồn điền cao su Dầu Tiếng, nhà Đèn, Nhà máy xe lửa Dĩ An... thất nghiệp, không có việc làm, đời sống vô cùng bấp bênh, cùng quẫn. Thợ thủ công các xưởng chế biến đường, các xưởng mộc, lò gốm... lâm vào khủng hoảng vì sản phẩm làm ra không thể tiêu thụ được.
Cuối tháng 8-1945, trên địa bàn Thủ Dầu Một, ủy ban nhân dân cách mạng các cấp (tỉnh, huyện, xã) được thành lập. Thực hiện chủ trương của Tỉnh Đảng bộ, chính quyền cách mạng tập trung giải quyết các nhiệm vụ cấp bách trước mắt, trong đó có việc khôi phục kinh tế, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh tiến hành tịch thu ruộng đất của chủ tư bản, thực dân, địa chủ, ác ôn, chủ đồn điền, chia cấp cho nông dân và công nhân canh tác; đồng thời ban hành chỉ thị xoá bỏ thuế thân, giảm 25% tô thuế nông nghiệp để khuyến khích nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất... Phấn khởi trước thành quả cách mạng vừa đạt được, nhân dân Thủ Dầu Một nô nức hưởng ứng các phong trào “Tuần lễ vàng”, xây dựng quỹ “Độc lập”, “Bánh ổ cho kháng chiến”, “ổ bánh cho tiền tuyến”, “Hũ gạo nuôi quân”, quyên góp đồ đồng, mua “Vé kháng chiến”... Mặc dù đời sống còn rất khó khăn, nhưng nhân dân Thủ Dầu Một-hầu hết là nông dân nghèo và công nhân lao động-vẫn dốc lòng ủng hộ cách mạng. |
Kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược bùng nổ trên chiến trường Nam Bộ. Các cơ quan Đảng và chính quyền Thủ Dầu Một nhanh chóng rút vào rừng, xây dựng căn cứ kháng chiến. Hệ thống chiến khu trên địa bàn Thủ Dầu Một hình thành, điển hình là các căn cứ Mỹ Bình (thị xã), An Sơn (Lái Thiêu), An Phú (Bến Cát)... Công tác xây dựng nền kinh tế kháng chiến trở thành nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trước mắt, tỉnh thiếu hụt khoảng 230.000 giạ lúa cung cấp cho lực lượng kháng chiến vừa rút vào vùng căn cứ. Để giải quyết yêu cầu cấp thiết này, đầu năm 1946, Tỉnh Đảng bộ Thủ Dầu Một thành lập bộ phận phụ trách kinh tế-tài chánh chuyên trách (gọi tắt là Ban Kinh-Tài tỉnh, gồm nhiều cán bộ có trình độ chuyên môn), tiến hành vận động nhân dân quyên góp lương thực, thực phẩm cho kháng chiến. Lúc này, trên địa bàn Thủ Dầu Một, ngoài Ban Kinh-Tài còn có Ban Liên lạc Tiếp tế của ủy ban Hành chánh Kháng chiến và Ban Liên lạc Tiếp tế miền Đông. Hầu như mọi đơn vị, cơ quan dân-chính-đảng đều có bộ phận kinh tế-tài chính chuyên chăm lo đời sống cho cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị với tên gọi là Ban Quân nhu. Nhiệm vụ của Ban Kinh-Tài tỉnh và của các ban quân nhu không chỉ dừng lại ở việc vận động quyên góp lương thực, thực phẩm trong nhân dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế kháng chiến phát triển toàn diện, đủ sức cung cấp tài lực, vật lực cho quân dân Thủ Dầu Một tại các chiến khu, vùng độc lập.
Ngày 12-12-1946, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”, xác định các phương châm kháng chiến: toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh. Liền sau đó, chính quyền kháng chiến Thủ Dầu Một ra chỉ thị đẩy mạnh sản xuất, tự túc lương thực, thực phẩm, tiếp tục mở rộng cuộc vận động thi đua sản xuất tiết kiệm với khẩu hiệu: “Giữ người giữ của, xây dựng người, xây dựng của, lấy của địch bồi dưỡng cho ta, không để một tấc đất bỏ hoang…”.
Thực hiện chỉ thị của ủy ban kháng chiến tỉnh, các ủy ban tự quản sản xuất vừa mới được thành lập đã tiến hành vận động nhân dân ở vùng căn cứ, vùng độc lập đẩy mạnh phát hoang, mở rẫy, trồng cây lương thực, cây hoa màu, khắc phục nạn đói. ở Bến Cát, Tân Uyên, Lái Thiêu, Châu Thành, nhân dân hăng hái thực hiện khẩu hiệu “Tấc đất, tấc vàng”, ra sức phục hồi sản xuất. Diện tích sản xuất nông nghiệp tăng lên nhanh chóng, sản lượng lúa và màu thu hoạch được trong năm 1948 tăng 20 lần so với năm 1947. Đến tháng 9-1948, tổng diện tích ruộng lúa và màu lên đến 7.820 mẫu (ha), số lúa sản xuất được còn lại là 31.723 giạ, chăn nuôi được 2.718 trâu, bò, heo. Nhiều nơi, nhân dân lập ra “Bồ lúa kháng chiến”, “Sở mì kháng chiến” để thu mua thóc, mì làm nguồn lương thực dự trữ. Đông đảo bà con nông dân Tân Uyên còn bán chịu lương thực, thực phẩm cho chính quyền kháng chiến, chờ ngày độc lập mới nhận lại.
Bước sang năm 1949, mặc dù bị địch liên tục càn quét, bắn phá, nhưng tình hình sản xuất nông nghiệp ở vùng chiến khu, vùng độc lập vẫn đạt kết quả khả quan. Theo số liệu quản thu của Ban Kinh-Tài, tính đến tháng 4-1950, tỉnh đã thu được thuế nông nghiệp với 17.378, 57 đồng tiền mặt và 152 giạ lúa (trong đó có 5.514,91 đồng từ hoa lợi quốc gia, 11.863,66 đồng và 152 giạ lúa từ hoa lợi quản thu).
Từ sau tháng 2-1951, Trung ương Cục miền Nam được thành lập thay thế cho Xứ uỷ Nam Bộ; ba quân khu 7, 8, 9 giải thể. Nam Bộ được chia thành hai phân liên khu: Phân liên khu miền Đông và Phân liên khu miền Tây, nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn cho việc chỉ đạo, lãnh đạo quân dân tham gia kháng chiến, tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Tỉnh Thủ Dầu Một và tỉnh Biên Hoà lúc này sáp nhập thành tỉnh Thủ Biên trực thuộc Phân liên khu miền Đông. Từ năm 1951 trở đi, theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Ban Kinh-Tài tỉnh giúp vốn cho đồng bào thu mua nông sản, mở các cơ sở buôn bán, lập các cơ sở tín dụng như Quỹ nguồn thương, Bình dân ngân hàng, Tập đoàn sản xuất. Tính riêng 6 tháng đầu năm 1952, nhân dân Thủ Biên đã bán cho Chính phủ gần 10.000 giạ thóc, nộp 1.919.00 đồng tiền thuế, thu sản xuất được 3.359.00 đồng.
Tuy nhiên, vào cuối năm 1952, trận lụt Nhâm Thìn đã phá hủy đến 80% diện tích lúa và hoa màu ở Thủ Biên. Bằng nỗ lực tối đa khôi phục sản xuất, khôi phục kinh tế, tính đến tháng 9-1953, nhân dân Thủ Biên đã tổ chức canh tác được 17.200 mẫu ruộng, trồng 11.300.000 gốc mì, thu được 1.919 đồng thuế các loại, thu sản xuất được 3.359 đồng; trong đó khối cơ quan và đơn vị bộ đội sản xuất được gần 10.000 giạ lúa. Ở thời điểm khó khăn này, Ban Kinh-Tài tỉnh đã đề xuất và tích cực thực hiện chủ trương cho nhân dân vay tiền, giống, phân bón để mở rộng sản xuất.
Bước sang năm 1954, tình hình sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Thủ Biên có bước phát triển khả quan. Nhân dân canh tác thêm 1.703 mẫu ruộng, trong đó có 300 mẫu mới khai hoang ven sông Đồng Nai; các cơ quan dân-chính-đảng làm thêm được 163 mẫu rẫy. Để chủ động chống đói và tăng tích luỹ cho kháng chiến, Tỉnh ủy phát động phong trào sản xuất mùa nghịch. Hàng trăm mẫu lúa và hoa màu đã được nhân dân và các cơ quan dân chính, các đơn vị bộ đội canh tác mùa nghịch, góp thêm sản lượng lương thực đáng kể (nhân dân làm được 404 mẫu lúa, 316 mẫu khoai lang và mì; các cơ quan dân chính và bộ đội làm được 21 mẫu lúa, 55 mẫu khoai mì, 33 mẫu khoai lang, trồng được 10.000 bụi môn, 19 mẫu bắp).
Cùng với nông nghiệp, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống cũng chính là thế mạnh của cư dân Thủ Dầu Một. Do vậy, ngay từ những ngày đầu kháng chiến, hệ thống công binh xưởng đã hình thành ở các chiến khu. Đến năm 1947, hàng loạt cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp xuất hiện khắp vùng căn cứ. Đáng kể là nhà may quần áo bằng các loại vải thô mua từ Chợ Lớn, xưởng làm mật mía với máy quay ly tâm thô sơ, xưởng thuộc da may xắc-cốt cho cán bộ, chiến sĩ mang theo khi công tác, xưởng gốm làm đồ gốm dân dụng phục vụ cuộc sống hàng ngày và sản xuất cả vỏ đạn, vỏ mìn, mìn sành cho các xưởng quân giới chế tạo vũ khí... Tại công trường Gò Môn, nhân dân và du kích An Tây còn sử dụng khuôn đúc thành công một số loại đầu đạn.
Như vậy, dù còn mang tính phân tán, nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu trực tiếp của nhân dân và chiến sĩ vùng căn cứ, nhưng sự hình thành các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp ở Thủ Dầu Một đã đáp ứng được yêu cầu bức thiết cho kháng chiến và mang tính cơ động cao, tránh được sự càn quét phá hoại của địch. Để khuyến khích phát triển các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở vùng chiến khu, vùng độc lập, chính quyền kháng chiến quyết định giảm 60% thuế đối với các lò đường, 40% đối với các lò gốm, 60% đối với các cơ sở chế biến công nghệ thực phẩm; đồng thời hỗ trợ vốn để nhân dân trồng mía, làm đường, sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp…
Mặt khác, trong điều kiện khó khăn thiếu thốn của chiến khu, vùng độc lập (ruộng ít, rừng nhiều, giao thông liên lạc khó khăn, hàng hóa khan hiếm), Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã chỉ đạo lực lượng vũ trang và các ban ngành “tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân đi lại, buôn bán giữa vùng tạm chiến và vùng căn cứ”. Chấp hành chỉ thị của Tỉnh ủy, lực lượng quân-dân-chính-đảng của tỉnh cùng nhân dân vùng chiến khu lập ra nhiều chợ làm nơi buôn bán trao đổi hàng hóa, nối liền các chiến khu đến các vùng độc lập như Tân Tịch, Bình Chánh, Tân Khánh... Do vậy, ngay từ năm 1946, “việc đi lại buôn bán trong vùng dễ dàng hơn” và làm “tăng thêm lượng hàng hóa cho khu vực”. Việc phát hành “Giấy bạc Cụ Hồ” từ năm 1947 ở Nam Bộ và việc Trung ương cấp cho Thủ Dầu Một loại giấy bạc mệnh giá 100 đồng dùng để trao đổi, lưu thông trong vùng căn cứ, đã kích thích sự buôn bán lưu thông hàng hóa ở vùng căn cứ, vùng độc lập ngày một trở nên nhộn nhịp hơn. Điều này vừa góp phần phá thế bao vây kinh tế của địch, vừa đảm bảo lương thực, thực phẩm và hàng hóa cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng căn cứ kháng chiến. Trong những năm 1948-1949, dù tình hình chiến sự ác liệt, nhưng hoạt động buôn bán, lưu thông hàng hóa vẫn diễn ra sôi nổi, nhất là tại các địa phương như Châu Thành, Bến Cát, Lái Thiêu, Tân Tịch, Bình Chánh, An Hòa, Tân Khánh, Bến Chang Chang, Bàu ông Yểng, Sình Bà Đã…
Bước sang những năm 1951, 1952, 1953, hoạt động trao đổi mua bán ở vùng căn cứ, vùng độc lập trở nên nhộn nhịp hơn. Các cơ sở thu mua nông sản, tiệm tạp hóa, tiệm chụp hình, tiệm may, tiệm sửa đồng hồ, quán ăn… xuất hiện nhiều thêm. Năm 1954, ủy ban Hành chánh Kháng chiến tỉnh cho phép “nhập khẩu” một số mặt hàng từ ngoài vào vùng căn cứ kháng chiến. Đặc biệt, Tỉnh uỷ và ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh còn chỉ đạo Ban Kinh-Tài “xuất khẩu” ra vùng tạm chiếm khoai mì và các loại chế phẩm từ khoai mì; đồng thời qui định thuế đối với một số mặt hàng thiết yếu như phấn thoa sài, kẹp tóc: 3%, lạp xường: 20%, men rượu, thuốc lào: 10%, cá hộp, rượu bổ: 50%. Mặt khác, ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh còn quyết định miễn thuế nhập khẩu cho các loại mặt hàng như dép, xe kéo, vải kaki, sữa... để phục vụ cho đời sống của anh em chiến sĩ và nhân dân sống trong vùng căn cứ, vùng độc lập.
Sự náo nhiệt của chợ búa, cảnh buôn bán, trao đổi hàng hóa luôn diễn ra sau những trận chống càn khốc liệt, sự sầm uất của chợ đêm, chợ tạm; cảnh vui vẻ, rộn rã tiếng cười nói của người mua, kẻ bán là những minh chứng hùng hồn cho sức sống mãnh liệt và tinh thần bất khuất của người dân Thủ Dầu Một trong những ngày tháng ác liệt, khó khăn của cuộc kháng chiến tại địa phương.
Do chính sách bao vây và phá hoại kinh tế của địch; do những thiếu thốn, gian nan trong hoàn cảnh chiến tranh, những hoạt động kinh tế tại vùng căn cứ của Thủ Dầu Một chưa thể vượt khỏi khuôn khổ của một nền kinh tế đóng, mang tính tự cấp tự túc đậm nét. Nhưng việc hình thành các hình thức tổ chức nông nghiệp như hợp tác xã, tiểu nông đoàn, tổ vần công, đổi công; sự xuất hiện các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ… (dù ở trình độ thô sơ, đơn giản) đã khẳng định tiềm năng mạnh mẽ và sức sáng tạo của người dân Thủ Dầu Một trong hoạt động kinh tế. Có lẽ đó cũng chính là truyền thống sản xuất kinh doanh của nhân dân địa phương luôn thể hiện trong mọi hoàn cảnh để hôm nay Bình Dương tiếp tục phát huy và trở thành một trong số các tỉnh, thành đứng đầu cả nước trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
NGUYỄN VĂN HIỆP