Chúng tôi cùng Trung tá Đỗ Văn Tráng, Chính ủy Trung đoàn 726 đến thăm điểm trường chính của Trường Mầm non Sao Mai tại bon Bu Lum, xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức đúng lúc các cô giáo đang tất bật thu hoạch rau xanh. Khi mặt trời gần đứng bóng, hơn 100kg cải cúc, cải xanh, cải bẹ, mùng tơi, rau muống, rau ngót... đã được các cô loại bỏ lá già, lá sâu, rửa sạch, buộc thành từng bó nhỏ và chất lên xe máy chở xuống các thôn, bon gửi tặng đồng bào nghèo.

Bộ đội Đại đội 3 và cô trò Trường Mầm non Sao Mai bên “vườn rau xanh đoàn kết”. 

Theo Trung tá Đỗ Văn Tráng, kể từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đón trẻ phải tạm dừng, bếp ăn tập thể chưa hoạt động nên mỗi lần thu hoạch, phần lớn rau xanh, bầu, bí được nhà trường đóng gói, nhờ bộ đội gửi tặng các khu cách ly tập trung và những hộ dân trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn. Của ít lòng nhiều, tấm lòng thơm thảo của các cô giáo và cán bộ, chiến sĩ “Xê 3” như sợi chỉ hồng, thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó quân-dân nơi biên giới.

Trường Mầm non Sao Mai hiện có một điểm trường chính và 4 điểm trường nhỏ, nằm rải rác tại xã Quảng Trực và Quảng Tâm gắn với các đội sản xuất của Trung đoàn 726. Năm nào cũng vậy, cứ vào cao điểm mùa mưa, nhu cầu về rau xanh cho gần 200 cháu nhỏ là con em cán bộ, nhân viên đơn vị và bà con quanh vùng luôn trong tình trạng thiếu hụt. Trước thực tế đó, dịp hè vừa qua, Ban chỉ huy Đại đội 3 huy động gần 40 cán bộ, chiến sĩ đến giúp nhà trường cải tạo, quy hoạch vườn, xuống giống được gần 200m2 rau xanh, dựng hơn 100m2 vườn, giàn các loại. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật theo hướng dẫn của bộ đội, chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều loại rau đã bắt đầu cho thu hoạch.

Bên “vườn rau xanh đoàn kết”, cô Roãn Thị Ngọc Hảo, Hiệu trưởng nhà trường giới thiệu: “Trung bình mỗi tháng, chúng tôi thu được 200-250kg rau, củ, quả các loại. Theo kế hoạch, tuần này dành 70kg rau xanh gửi tặng những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo ở các thôn, bon, còn tuần sau sẽ gửi tặng các khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Từ kết quả tăng gia sản xuất, chúng tôi dự tính khoản tiền mua rau sẽ được cân đối, chuyển sang mua thêm thịt, cá cho các cháu trong bữa ăn hằng ngày”.

Đại úy Đậu Văn Giáp, Đại đội trưởng Đại đội 3 cho biết: “Trước khi xuống giống, chúng tôi phải bóc tách toàn bộ lớp đất mặt bị nhiễm quặng chuyển đi nơi khác rồi đưa đất bùn từ dưới lòng hồ về phủ lên. Để đất màu không bị rửa trôi, hệ thống thoát nước được bộ đội nghiên cứu, xây dựng rất khoa học, hợp lý. Ngoài diện tích vườn, giàn đã làm, từ những chiếc lốp ô tô, xe máy cũ, bộ đội còn làm tặng cô trò nhà trường một số mô hình máy bay, xe tăng, con thú khá sinh động, bắt mắt, giúp trẻ có thêm sân chơi mới khi trở lại trường.

Hiện nay, đơn vị đã và đang triển khai ươm mới hàng nghìn cây su hào, bắp cải, hoa hướng dương, cúc vạn thọ vụ Tết. Khi cây cứng cáp, đơn vị sẽ cắt cử lực lượng chuyển một phần sang khuôn viên trồng tặng nhà trường”. Đang lúi húi xới đất quanh giàn su su, thấy chúng tôi bắt chuyện, cô giáo Lê Thị Châu vui vẻ chia sẻ: “Tôi nghe các anh bộ đội nói đây là giống su su siêu trái, “dày cơm”, ít nhựa, xào với thịt bò rất ngon.

Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, trẻ nhỏ nơi đây vốn chẳng lạ gì với vườn rau, ao cá, con gà, con vịt, song “vườn rau xanh đoàn kết” sẽ giúp các cháu được trải nghiệm, phân biệt, tìm hiểu đầy đủ hơn về quy trình làm đất, xuống giống, sinh trưởng, phát triển của nhiều loại cây, rau, qua đó thêm trân quý thành quả lao động mà ông bà, bố mẹ vẫn ngày ngày vất vả trên nương, trên rẫy mới có được. Chỉ mong dịch bệnh được kiểm soát để các con sớm trở lại trường”.

Sau chuyến công tác, chúng tôi ấn tượng và nhớ mãi về vườn rau xanh của Đại đội 3 dành cho nhà trường. Ngày 20-11 năm nay, ngoài những lời chúc chân thành, ý nghĩa, mỗi giáo viên Trường Mầm non Sao Mai còn có thêm một phần quà là những bó rau xanh thắm tình đoàn kết quân-dân do chính các cô và bộ đội tự tay vun trồng, chăm sóc. Nơi biên giới xa xôi, những điều giản dị, mộc mạc thế thôi cũng đủ để các cô hạnh phúc, ấm lòng.

Bài và ảnh: VIỆT HÙNG