QĐND - Những năm trước đây, khi đi thực tế ở quần đảo Trường Sa, đến đảo Song Tử Tây, tôi được gặp gỡ nhiều cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên đảo. Điều dễ nhận thấy là ai cũng có nhận thức tốt và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là có nhiều cán bộ, nhân viên đã nhiều lần ra công tác ở đảo. Có thể kể đến Thiếu tá Nguyễn Văn Khả, quê ở Thanh Hóa đã bốn lần ra đảo làm nhiệm vụ ở các đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết và hai “tăng” ở đảo Song Tử Tây. Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Ninh Văn Trường, quê ở huyện Ý Yên (Nam Định) tuổi còn trẻ, nhưng đã ba lần nhận nhiệm vụ ra Trường Sa công tác, ở các đảo An Bang, Nam Yết, Song Tử Tây.
 |
Hệ thống điện sử dụng năng lượng gió ở Trường Sa.
|
Mang những câu chuyện, con người tôi đã gặp kể với Chuẩn đô đốc Phạm Thanh Hóa, Chính ủy Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân tại Hội nghị tổng kết 25 năm luân, thay phiên cán bộ làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, tổ chức vào đầu tháng 10-2014, anh cho biết: Đảng ủy, Bộ tư lệnh Vùng đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bảo đảm cán bộ, chiến sĩ xác định tốt nhiệm vụ, không ngại khó khăn gian khổ, yên tâm công tác, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
Cán bộ là lực lượng nòng cốt, quyết định trong tổ chức thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các đơn vị đảo. Để Trường Sa luôn vững vàng nơi đầu sóng, tuyến đầu Tổ quốc, công tác cán bộ luôn được các cấp ủy đảng, chỉ huy đơn vị quan tâm đặc biệt. Theo Chuẩn đô đốc Phạm Thanh Hóa, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Vùng đã khảo sát, lập quy hoạch, kế hoạch, tham mưu với Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân về tổ chức, điều động và bố trí cán bộ công tác tại các đảo ở Trường Sa. Từ đó, quân chủng chủ động làm tốt việc xây dựng và điều hành thực hiện kế hoạch luân, thay phiên, có phương án chuẩn bị nguồn trước mắt cũng như lâu dài cho khối đảo. Cùng với số cán bộ hiện có của quân chủng, số lượng học viên tốt nghiệp các học viện và trường sĩ quan do Bộ điều động về Quân chủng hằng năm cơ bản đáp ứng được nhu cầu, có chất lượng tốt, được đào tạo cơ bản, đúng cương vị, đúng chuyên ngành quân sự để sắp xếp về các đơn vị tạo nguồn cán bộ cho Trường Sa.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đã được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm, lãnh đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng trước khi ra đảo duy trì thành nền nếp, chặt chẽ, chất lượng tốt hơn. 100% cán bộ các đơn vị điều về Lữ đoàn 146 (Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân) trước khi ra đảo đều được tập huấn, học tập chính trị, kiến thức cần thiết về chiến thuật, kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ binh chủng, phương pháp tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị... Nội dung, chương trình huấn luyện được xây dựng chuẩn hóa, thống nhất theo chỉ đạo của Quân chủng; hằng năm có bổ sung bảo đảm sát với tình hình, nhiệm vụ thực tiễn của đơn vị đảo. Sau thời gian huấn luyện, Bộ tư lệnh Vùng 4 tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả. Những đồng chí không đạt yêu cầu không sắp xếp làm nhiệm vụ ở đảo. Trong thời hạn công tác ở đảo, cán bộ, nhân viên năng lực yếu, Bộ tư lệnh Vùng kiên quyết đưa vào bờ để bố trí làm nhiệm vụ khác.
Cùng với sự quan tâm của cả nước, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân, các chế độ chính sách và đời sống của bộ đội trên quần đảo Trường Sa ngày càng được cải thiện hơn. Hiện nay, trên các đảo ở Trường Sa đều có điện thắp sáng từ Dự án năng lượng sạch và chiếu sáng quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Quân chủng Hải quân thực hiện. Những nỗ lực cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm đời sống cho bộ đội và xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng, trình độ cao, đã giúp Trường Sa ngày càng vững vàng hơn, góp phần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bài và ảnh: HƯƠNG HỒNG THU