Vũ khí xung điện từ công suất cao được nghiên cứu, ứng dụng hơn 30 năm qua, nhưng được các nhà quân sự đánh giá là một trong những loại vũ khí then chốt trong tác chiến điện tử, chế áp các mạng chỉ huy, điều khiển, truyền tin và hệ thống máy tính đối phương. Phương thức tiến công của vũ khí xung điện từ là dùng sóng siêu cao tần công suất cao để chế áp các thiết bị vô tuyến điện, đốt cháy các linh kiện điện tử, vi mạch trong hệ thống khí tài chỉ huy, điều khiển, dẫn đường, làm cho các loại vũ khí công nghệ cao không hoạt động được hoặc đi chệch hướng mục tiêu cần tiêu diệt...
Những tiến bộ khoa học-công nghệ trong lĩnh vực điện tử, kỹ thuật phát sóng siêu cao tần nhanh chóng đưa vào ứng dụng khiến cho vũ khí xung điện từ phát triển đa dạng, phát huy hiệu quả thực tế ngày càng cao. Ngay đầu thế kỷ 21, LB Nga đã nghiên cứu thành công và giới thiệu hai loại vũ khí xung điện từ Ranest-E và Rosa-E tại Triển lãm hàng không-vũ trụ và hàng hải Li-ma (Ma-lai-xi-a)-2001. Những vũ khí này gây sự chú ý mạnh mẽ của giới quân sự và thúc đẩy cuộc chạy đua phát triển vũ khí xung điện từ thế hệ mới của Mỹ, các nước trong khối NATO và các quốc gia trên thế giới. Dự án vũ khí Ranest-E nhằm tạo ra hệ thống phòng thủ vô tuyến cơ động chống các loại vũ khí chính xác cao của đối phương trong phạm vi bán kính 10km. Một hệ thống vũ khí Ranest-E bao gồm an-ten, máy phát công suất cao, thiết bị đo và điều khiển và nguồn cấp năng lượng. Vũ khí Ranest-E làm việc ở dải sóng xăng-ti-mét, tạo ra xung điện từ 10 đến 20 na-nô giây, công suất ra đạt 500MW (mê-ga-oát); toàn bộ hệ thống được lắp trên bệ cố định hoặc xe cơ động. Với công suất lớn, vũ khí Ranest-E hoàn toàn làm mất khả năng làm việc của thiết bị định hướng, dẫn đường của tên lửa. Hệ thống vũ khí Rosa-E làm việc trên dải sóng xăng-ti-mét, công suất từ 50 kW đến 100kW, tầm hoạt động 500km, do đó có khả năng vô hiệu hóa hiệu quả các hệ thống ra-đa của đối phương. Hệ thống vũ khí Rosa-E lắp đặt linh hoạt ở các trạm trên mặt đất, xe cơ động và máy bay.
Đối với Mỹ, vũ khí xung điện từ công suất cao đã phát triển và trang bị đến các đơn vị lục quân, không quân và phòng không. Hai hãng chế tạo thiết bị quân sự Di-en BGT và Lốc-hít Mác-tin đã phát triển hệ thống vũ khí xung điện từ công suất cao lắp đặt trên xe việt dã Humvee dùng để kích nổ các thiết bị điều khiển nổ trong phạm vi từ 50m đến 100m với hiệu suất kích nổ đạt từ 75% đến 80%. Các loại vũ khí này còn được cải tiến, lắp đặt lên máy bay không người lái, bay ở độ cao từ 20m đến 200m để kích nổ và phá hủy các phương tiện điều khiển trên mặt đất. Gần đây, Mỹ phát triển hệ thống vũ khí xung điện từ Vigilant Eagle (VE) dùng chống các loại tên lửa phòng không vác vai để bảo vệ máy bay trực thăng và máy bay dân dụng. Hệ thống VE có tính tự động hóa cao, sử dụng mạng gồm bốn xen-xơ cảnh báo tên lửa hồng ngoại chồng phủ lên nhau, có khả năng diệt tất cả các loại tên lửa phòng không tầm thấp như Stinger (Mỹ), Blowpipe (Anh) và họ tên lửa phòng không hiện đại của Nga như SA-7, SA-16, SA-18... Hệ thống VE bố trí để bảo vệ sân bay, các công trình, mục tiêu chiến lược và chống khủng bố. Các công ty chế tạo vũ khí lớn của Mỹ đang hợp tác với nước ngoài triển khai các dự án phát triển vũ khí công nghệ cao như tên lửa, bom, đạn pháo mang đầu đạn xung điện từ công suất cao. Hiện nay, Mỹ đã ứng dụng đầu đạn xung điện từ cho tên lửa không đối đất tầm xa liên quân chủng JASSM, tên lửa Tô-ma-hốc phóng từ chiến hạm và tên lửa hành trình phóng từ trên không CALCM...
Vũ khí xung điện từ công suất cao có nhiều ưu điểm nổi bật trong tác chiến hiện đại, nhưng chúng đang vấp phải hàng loạt vấn đề cần phải giải quyết nhất là công nghệ chế tạo phức tạp, chi phí cao. Vũ khí xung điện từ đòi hỏi trình độ của người sử dụng rất cao, nếu thiếu thận trọng, chúng sẽ gây tổn hại cho hệ thống thông tin, điều khiển và thiết bị điện tử của các loại vũ khí của chính bên sử dụng.
Hoàng Hồng Phương