QĐND Online - Trong thế chiến thứ 2, mặt trận phía Đông châu Âu được coi là chiến trường ác liệt và đẫm máu nhất khi đây là trận đối đầu sinh tử giữa một bên là phát xít Đức và các đồng minh phe trục, còn một bên là Liên bang Xô viết – nhà nước công nông non trẻ. Quy mô của các trận đánh tại mặt trận phía Đông đã lên tới mức các phương diện quân và tập đoàn quân. Với ưu thế về sự bất ngờ, quân đội thiện chiến và trang bị tốt, phát xít Đức từ năm 1939 đã giành nhiều thắng lợi trước Hồng quân, nhưng chính lúc tổ quốc lâm nguy ấy, tinh thần Nga, xô viết đã trỗi dậy chắn đứng bước chân của phát xít ngay ở ngoại vi Thủ đô Moscow, Leningrad, Stalingrad…
Trong đó, đáng kể nhất là trận chiến xoay chuyển hoàn toàn tình thế mặt trận phía Đông tại vòng cung Kursk. Đây cũng là trận chiến xe tăng lớn nhất trong lịch sử nhân loại với khoảng gần hơn 6.000 xe tăng, 5.400 máy bay và 2,1 triệu binh lính của 2 bên tham chiến.
Canh bạc của Adolf Hitler
Sau thất bại đau đớn tại Stalingrad, tháng 2-1943, Adolf Hitler quyết định tổ chức một trận đánh lớn mùa hè cùng năm để giành lại thế chủ động chiến lược với tên gọi là chiến dịch Citadel (tiếng Đức: Unternehmen Zitadelle). Điểm quyết chiến được chọn là khu vực vòng cung Kursk, do giới chóp bu phát xít không thể tìm ra điểm yếu nào trong tuyến phòng thủ của Hồng quân có thể đảm bảo khả năng chắc thắng cho quân đội quốc xã.
 |
Kế hoạch tác chiến dự kiến của Đức quốc xã tại vòng cung Kursk.
|
Tham vọng của Đức là sử dụng chiến thuật Kesselschlacht – gọng kìm kết hợp với Blitzkrieg - chiến tranh chớp nhoáng để hợp vây, tiêu diệt 8-10 tập đoàn quân Xô viết; đẩy Hồng quân về phía bên kia sông Đông và tái lập tình thế chiến lược như đầu năm 1943.
Quân Đức rất tin vào kế hoạch này nhờ địa hình bằng phẳng ở khu vực Kursk rất hợp với tác chiến xe tăng và bộ binh cơ giới vốn thế mạnh của quân đội phát xít từ đầu chiến tranh. Vòng cung Kursk được đánh đấu bằng điểm nhỏ nhất của mấu lồi là 3 thành phố Oriol phía Bắc, Belgorod phía Nam và Kursk ở trung tâm. Quân Đức dự định dùng 2 tập đoàn quân lớn với sự tham gia các các sư đoàn thiết giáp hiện đại như: Tiger, Panther và pháo tự hành diệt tăng Ferdinand và nhiều khí cụ chiến tranh hiện đại khác hợp vây từ Oriol do tập đoàn quân trung tâm Đức do Thống chế Günther von Kluge chỉ huy và từ Belgorod do tập đoàn quân Nam do Thống chế Erich von Manstein chỉ huy với mục tiêu hướng tới là thành phố Kursk.
Về phía Hồng quân, đối phó với cánh Bắc của Đức là phương diện quân Trung tâm của Đại tướng Konstantin Konstantinovich Rokossovsky; đại diện đại bản doanh: Nguyên soái Georgi Konstantinovich Zhukov. Đối mặt với cánh Nam của Đức là phương diện quân Voronezh của Đại tướng Nikolai Fyodorovich Vatutin, đại diện đại bản doanh: Nguyên soái Aleksandr Mikhailovich Vasilevsky. Lực lượng dự bị chiến lược là phương diện quân Thảo nguyên của Thượng tướng Ivan Stepanovich Koniev.
 |
Xe tăng Panther G hiện đại của quân phát xít hành quân tới Kursk.
|
Do có được thông tin tình báo về kế hoạch tấn công của quân phát xít, đảm bảo cho sự tồn vong của vòng cung Kursk, quân đội Xô Viết đã triển khai lực lượng phòng ngự tại khu vực và các lực lượng hỗ trợ như: Pháo binh, không quân áp đảo so với phía Đức.
Hồng quân đã biến vòng cung Kursk thành cứ điểm phòng thủ nhiều tầng, lớp với hầm hào, chống tăng; bãi mìn…. Ngoài ra, quân đội Xô viết còn bố trí pháo chống tăng theo các cụm cứ điểm dày đặc (mật độ những nơi trọng yếu lên tới 97 súng, pháo chống tăng trên 1km). Đáng chú ý nhất, Hồng quân còn bố trí bộ binh cơ giới và xe tăng xung kích làm lực lượng dự bị sẵn sàng chi viện, bịt lỗ hổng khi các tuyến phòng thủ bị quân Đức xuyên thủng. Đặc biệt, Hồng quân còn được Đức “tặng thêm” gần 2 tháng chuẩn bị khi A. Hitler đã lùi thời điểm tấn công từ tháng 5-1943 sang đầu tháng 7 cùng năm để có thêm thời gian tăng cường cho lực lượng phát xít tấn công có thêm các đơn vị xe tăng mới.
 |
Hồng quân chuẩn bị cho trận chiến khốc liệt tại Kursk.
|
Kursk - Sự đối đấu giữa 2 chiến lược chiến tranh
Tại vòng cung Kursk, trong khi phát xít đức áp dụng hình thái chiến tranh chớp nhoáng đã làm nên tên tuổi của quân đội nước này ở châu Âu và Bắc Phi, thì Hồng quân với dưới sự chỉ huy của Đại tướng Georgi Zhukov lại sử dụng hình thái tác chiến chiều sâu khắc chế hoàn toàn những lợi thế của chiến tranh chớp nhoáng và làm phá sản hoàn toàn chiến dịch Citadel.
Tiền đề của tác chiến chiều sâu đã được Nguyên soái Tukhachevsky khởi thảo và giành được nhiều thành công trong nội chiến ở Nga. Tuy nhiên, sau khi Stalin cải tổ quân đội, ý tưởng về hình thái chiến tranh này bị lãng quên và hậu quả là quân đội Xô viết đã chịu nhiều tồn thất nặng nề ở đầu cuộc chiến.
 |
Dù yếu thế về hỏa lực, nhưng T-34 đã tạo lên đột phá nhờ tốc độ và số lượng áp đảo so với xe tăng phát xít.
|
Tại Kursk, hình thái tác chiến chiều sâu được Hồng quân thể hiện rõ ràng khi các tuyến chiến đấu được phân định rõ ràng. Trong đó, tuyến đầu tiên đảm nhiệm chức năng xung kích, tuyến 2 sẽ là lực lượng dự bị đảm bảo khả năng chi viện khi tuyến 1 bị xuyên thủng. Còn tuyến 3 là lực lượng hậu cần, cung cấp hỏa lực yểm trợ. Ngoài ra, hình thái chiến đấu này còn được thể hiện ở việc quân đội Xô Viết thành lập các tập đoàn xe tăng độc lập phối thuộc với các đơn vị bộ binh cơ giới có nhiệm vụ cơ động đảm bảo khả năng giữ vững trận địa và phản công nhanh khi cần. Hiệu quả của hình thái chiến tranh này đã được hiện rõ qua kết quả tác chiến của Hồng quân tại Kursk.
Rạng sáng ngày 5-7-1943, do nắm trước được kế hoạch tấn công của quân Đức, Hồng quân đã chủ động dùng hỏa lực pháo binh và không quân công phá các địa điểm tập kết quân Đức trên toàn tuyến. Đòn tấn công bất ngờ này đã gây thiệt hại không nhỏ và làm chậm tiến độ tấn công của quân phát xít.
Trước hỏa lực chống tăng nhiều tầng, chướng ngại vật, bãi mìn Hồng quân chuẩn bị trước, trong tuần đầu tiên, cánh Bắc của Thống chế Kluge chỉ khoét được vào trận địa Hồng quân 15-20km, nhưng nhiều chỗ bị đối phương phản công đánh bật trở lại. Tại cánh Nam, mặc dù sắc bén hơn nhưng Thống chế von Manstein cũng không tạo nên được đột phá khi chỉ tiến được 40-50 km. Cuộc chiến diễn ra rất căng thẳng trên mặt đất và trên không.
Điểm đáng chú ý ở giai đoạn chiến đấu này là hoạt động rất hiệu quả của lực lượng không quân Xô viết với các cường kích cơ IL-2 bay thấp chuyên diệt tăng và được coi là ác mộng của xe tăng Đức. IL-2 chính là tiên phong cho phương hướng phát triển các dòng cường kích cơ hiện đại sau này của thế giới.
 |
Lực lượng bộ binh cơ giới Liên xô cơ động cùng pháo tự hành diệt tăng SU tại vòng cung Kursk.
|
Nắm được thời cơ cánh Bắc của Thống chế Kluge suy yếu, ngày 11-7, phương diện quân Tây và Bryansk của quân đội Xô Viết bắt đầu phản công đánh vào sườn trái cánh Bắc của quân Đức làm cánh tấn công này mất sức chiến đấu và phải chuyển sang phòng ngự.
Trong khi đó, cánh Nam của Thống chế von Mansteintung với lực lượng xe tăng hiện đại, mạnh mẽ; chiến thuật tác chiến linh hoạt đã gây nhiều khó khăn cho Hồng quân. Ngày 12-7, cánh quân này dồn tổng lực chọc thủng tuyến phòng thủ phương diện quân của Đại tướng Vatutin và tiến nhanh về Kursk. Để ngăn chặn, Bộ chỉ huy Xô Viết quyết định tung lực lượng dự bị gồm tập đoàn quân xe tăng số 5 của Trung tướng Pavel Alekseyevich Rotmistrov và tập đoàn quân cận vệ số 5 của Trung tướng Aleksey Semenovich Dzadov thuộc phương diện quân Thảo nguyên vào chiến đấu.
Trong cùng ngày, lực lượng xe tăng chủ lực của hai bên đã đụng độ tại làng Prokhorovka tạo nên trận đấu tăng đẫm máu và lớn nhất trong lịch sử nhân loại với hơn 1.200 xe tăng và pháo tự hành diệt tăng tham gia chiến đấu. Dù hỏa lực kém hơn so với tăng Đức, xe tăng T-34 của Hồng quân lợi dụng tốc độ đã chiến đấu lăn xả, áp sát đối phương làm giảm hiệu quả của pháo tăng nòng dài của Đức. Trong trận chiến này, xe tăng hạng nặng IS của Hồng quân đã giáng những đòn nặng nề cho xe tăng Tiger của Đức. Với pháo 85mm, IS dễ dàng hạ Tiger ở khoảng cách 1.000m, trong khi pháo 88mm trứ danh của Đức không thể nào xuyên thủng được giáp của xe tăng IS ở cùng cự ly.
Hai bên giành giật nhau từng vị trí tới và tới cuối ngày 12-7, Đức quốc xã thiệt hại 500 xe tăng, còn Hồng quân là 800 xe, nhưng quân phát xít đã hết lực lượng dự bị và không còn khả năng mở các đợt tiến công lớn nữa. Tham vọng của Đức Quốc xã tại vòng cung Kursk chính thức phá sản.
Trong hơn một tháng tiếp theo, quân đội Đức quốc xã phải vất vả chống đỡ trước sức tiến công của Hồng quân. Sau hai chiến dịch mang tên Kutuzov và Rumyantsev với sức mạnh áp đảo, lần lượt Belgorod và Oriol thất thủ vào ngày 5-8. Đến 23-8, Hồng quân chiếm Kharkov, cố đô của Ukraina, và hoàn thành chiến dịch phòng ngự-phản công ở vòng cung Kursk.
 |
Lực lượng thiết giáp hùng hậu và hiện đại của phát xít bị tiêu diệt tại Kursk.
|
Từ đó tới cuối cuộc thế chiến 2, Đức quốc xã đã mất hoàn toàn thế chủ động chiến lược về tay Liên xô.
Thép đã tôi thế đấy
Để giành được chiến thắng ở vòng cung Kursk và nhiều trận chiến quan trọng trong thế chiến 2, hàng triệu binh sĩ Xô viết đã ngã xuống và đây cũng là những bài học giúp Hồng quân trưởng thành trong chiến đấu. Từ lúc được đánh giá thấp hơn nhiều so với quân đội thiện chiến của Đức quốc xã, càng về sau Hồng quân đã càng thể hiện là quân đội có sức mạnh không thua kém. Điều này có được là nhờ những cải tổ quan trọng của Hồng quân từ cuối năm 1941, đầu 1942 với việc thành lập các sư đoàn cơ giới hóa có tính tác chiến độc lập cao lấy xe tăng làm nắm đấm chủ lực. Đây cũng là nền tảng hình thành nên khả năng tác chiến của hình thái tác chiến chiều sâu.
Mỗi sư đoàn cơ giới hóa bao gồm 3 lữ đoàn tăng, 3 tiểu đoàn pháo tự hành, 3 lữ đoàn bộ binh cơ giới và 3 tiểu đoàn pháo binh cùng các lực lượng phụ trợ. Các đơn vị hoạt động theo nguyên tắc tam-tam. 2 lữ đoàn sẽ đảm nhiệm vị trí xung kích, 1 tiểu đoàn còn lại sẽ là lực lượng dự bị chiến thuật giúp phân tuyến trận địa rõ ràng trong tấn công, cũng như phòng ngự. Đây cũng là nền tảng với một số cải tổ để xây dựng các sư đoàn tăng Liên xô tới cuối chiến tranh và tới tận khi Liên bang Xô viết sụp đổ năm 1991.
 |
Trang bị hiện đại của Đức Quốc xã đã gục ngã trước tinh thần và sức mạnh của Hồng quân Liên xô. (Trong ảnh: pháo tự hành diệt tăng hạng nặng Ferdinand bị bắn hạ ở
Ponyri- Arkhangelsk, ngoại ô thành phố Kursk).
|
Ngoài ra, những bước tiến về kỹ thuật quân sự của Hồng quân cũng làm quân phát xít bối rối đối phó và đưa ra những hướng đối phó tiêu cực. Sự phát triển của lực lượng xe tăng Xô viết với điểm nhấn là xe tăng hạng trung T-34 đã làm các chiến lược gia Đức quốc xã đau đầu nghĩ cách đối phó. Hướng đối phó được giới chóp bu phát xít chọn là phát triển các dòng xe tăng, pháo chống tăng có đặc tính kỹ thuật cao để đối phó với sự ra đời của các dòng xe tăng Đức như: Tiger, King Tiger, Panther, pháo tự hành diệt tăng Ferdinand… Do đòi hỏi của chiến trường, hướng đi này của Đức quốc xã đã bộc lộ những yếu điểm chết người: Nhiều công nghệ cấp tiến, phức tạp, xe tăng mới của phát xít gặp quá nhiều trục trặc trong chiến đấu; số lượng chế tạo ít không bù đắp kịp số lượng phương tiện bị mất trên chiến trường…. Cụ thể, trong giai đoạn 1942-1944, Đức chỉ chế tạo được 6.000 xe tăng Panther, trong khi đó Liên xô đã chế tạo được tới 66.000 xe tăng T-34; trong trận chiến ở Kursk, 250 xe tăng Panther G mới đã không thể ra được mặt trận do trục trặc kỹ thuật…
TUẤN SƠN