LTS: Trong buổi hội thảo về Đại tướng Hoàng Văn Thái diễn ra tại Hà Nội sáng 17-4, đã có 10 ý kiến phát biểu trực tiếp và 50 bản tham luận của các tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài quân đội gửi tới hội thảo. Các ý kiến và tham luận đều tập trung khẳng định và làm rõ về sự tài năng, đức độ của Đại tướng Hoàng Văn Thái. Báo Quân đội nhân dân xin trích đăng một số ý kiến tại hội thảo.

 

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương, Viện trưởng Viện KHXH&NVQS Bộ Quốc phòng:

 

Tôn trọng ý kiến của cán bộ, chiến sĩ

Là người có trọng trách lớn trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, Đại tướng Hoàng Văn Thái luôn nêu tấm gương mẫu mực về rèn luyện tác phong, phong cách quân sự, phương thức làm việc dân chủ, tập thể. Thực hành nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, Đại tướng cho rằng, một người dù tài giỏi đến đâu cũng không thể nắm được hết mọi mặt của một vấn đề phức tạp, không thể biết hết được mọi việc trong đơn vị cũng như đời sống xã hội. Vì vậy, chức quyền càng cao, trọng trách càng lớn thì càng cần phải có cách làm việc tập thể để phát huy được trí tuệ của cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân. Đại tướng Hoàng Văn Thái rất tâm đắc lời dạy của Bác Hồ: “Dễ mười lần không dân cũng chịu/ Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Đại tướng cho rằng, thắng lợi trên chiến trường cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, một mình chỉ huy, dù tài giỏi đến mấy cũng không thể làm nổi. Do đó, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta hơn ai hết cần rèn luyện cho được tác phong, phong cách tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Nếu không sẽ không phát huy được trí tuệ tập thể, sẽ sinh ra tệ nạn độc đoán, chuyên quyền, coi thường cấp dưới, xa rời cán bộ, chiến sĩ.

Bên cạnh việc đề cao ý thức tập thể, biết tôn trọng và lắng nghe ý kiến của cán bộ, chiến sĩ, phát huy trí tuệ của họ, nhưng trong tác phong, phong cách quân sự của cán bộ, chiến sĩ, nhất là người chỉ huy lại không có tính quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể thì không thể có những quyết định kịp thời, chính xác và do đó không thể đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của chiến trường cũng như công tác huấn luyện, SSCĐ, công việc sẽ ùn tắc, không thể tiến triển. Đặc biệt trong những thời điểm then chốt, khi có thời cơ, người chỉ huy phải dám nghĩ, dám làm, dám quyết đoán và dám chịu trách nhiệm. Những hiện tượng coi thường tập thể, hoặc dựa dẫm, ỷ lại tập thể, không dám quyết đoán, không nêu cao trách nhiệm cá nhân đều làm trì trệ, suy yếu năng lực lãnh đạo, hiệu lực quản lý, chỉ huy; là trái với tác phong, phong cách quân sự của cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta.

Để vận dụng các quan điểm nêu trên của Đại tướng Hoàng Văn Thái vào việc rèn luyện tác phong, phong cách quân sự cho cán bộ, chiến sĩ trong xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, cần đẩy mạnh nghiên cứu thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, nhất là các tác phẩm của Đại tướng. Qua đó, vận dụng, tuyên truyền, giáo dục giá trị, ý nghĩa quan điểm của Đại tướng Hoàng Văn Thái về rèn luyện tác phong, phong cách quân sự cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là các học viên đào tạo sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật; chú trọng việc xây dựng nền nếp chính quy, tác phong, phong cách lãnh đạo, chỉ huy của đội ngũ cán bộ các cấp trong Quân đội ta hiện nay.

 

Đồng chí Cao Thị Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình:

 

Nguyện tiếp nối sự nghiệp của Đại tướng

Đại tướng Hoàng Văn Thái đã đi xa nhưng công lao và sự nghiệp của Đại tướng vẫn trường tồn cùng lịch sử dân tộc Việt Nam và hòa vào dòng chảy truyền thống kiên cường, bất khuất của quê hương Thái Bình.

Cụ thể, trong những năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp và khó khăn về kinh tế trong nước, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự quan tâm, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành ở Trung ương, phát huy truyền thống đoàn kết của người Thái Bình; Đảng bộ, nhân dân và các LLVT tỉnh Thái Bình đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, giành được những kết quả khá toàn diện, quan trọng trên mọi lĩnh vực. Nền kinh tế của tỉnh liên tục phát triển, phong trào xây dựng nông thôn mới được thực hiện ở 100% số xã trong tỉnh; sản xuất công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng trưởng cao, thu hút đầu tư gấp hơn 2 lần, vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách đạt hơn 5.500 tỷ đồng, hoàn thành trước hai năm mục tiêu Đại hội lần thứ 18 của Đảng bộ tỉnh đề ra, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 giảm còn hơn 3,3%; các chính sách đối với người có công với cách mạng được thực hiện đầy đủ và chính sách an sinh xã hội thực hiện tốt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thái Bình đã tập trung xây dựng LLVT vững mạnh toàn diện, thực hiện tốt công tác giáo dục và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng... Nhờ đó, quê hương Thái Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Trong những năm tới, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và LLVT tỉnh Thái Bình nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đồng tâm hiệp lực, nắm bắt thời cơ, cùng cả nước quyết tâm phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng tỉnh Thái Bình phát triển bền vững, giàu đẹp. Đó cũng chính là kế thừa, tiếp nối sự nghiệp của các bậc tiền bối, đáp ứng lòng mong mỏi của Đảng, Bác Hồ và đồng chí Hoàng Văn Thái.

 

Thiếu tướng, PGS, TS Đỗ Viết Toản, Hiệu trưởng Trường Đại học Trần Quốc Tuấn:

 

Người xây nền cho Trường Quân chính kháng Nhật

Đầu năm 1945, tình thế, thời cơ cách mạng đến gần. Đáp ứng yêu cầu cấp thiết về xây dựng đội ngũ cán bộ làm nòng cốt cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, từ ngày 15 đến 20-4-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ tại Hiệp Hòa, Bắc Giang do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì. Hội nghị đã quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của cách mạng, trong đó quyết định mở Trường Quân chính kháng Nhật. Đồng chí Hoàng Văn Thái được Trung ương và lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ làm Giám đốc Trường Quân chính kháng Nhật, tiền thân của Trường Sĩ quan Lục quân 1 (nay là Trường Đại học Trần Quốc Tuấn).

Đảm nhiệm cương vị Giám đốc Trường Quân chính kháng Nhật, trước vô vàn khó khăn, thử thách trong việc xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường, nhất là về đội ngũ giáo viên, chương trình, tài liệu huấn luyện, phương tiện giảng dạy, song với tư duy sáng tạo và kinh nghiệm trong tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng của mình, đồng chí Hoàng Văn Thái đã đề xuất thành lập Ban Giám đốc, trong đó có các cấp phó.

Thời gian giữ cương vị Giám đốc của Trường Quân chính kháng Nhật tuy chưa phải là dài so với cuộc đời binh nghiệp của mình, nhưng Đại tướng Hoàng Văn Thái đã có nhiều đóng góp vào sự trưởng thành của nhà trường. Trên cơ sở rút kinh nghiệm và tiền đề do Khóa 1 tạo ra, trong thời gian gần hai tháng (ngày 25-6 đến 16-8-1945), Trường Quân chính kháng Nhật đã mở ba khóa học, đào tạo được 234 cán bộ chỉ huy quân sự, chính trị. Tuy số lượng chưa nhiều nhưng đây là lực lượng vô cùng quý báu, làm nòng cốt xây dựng LLVT trong thời kỳ trứng nước, góp phần tích cực vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Hình ảnh của đồng chí Hoàng Văn Thái đã trở thành biểu tượng thấm đượm trong lòng cán bộ, giáo viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ nhà trường. Về đạo đức cách mạng, Đại tướng Hoàng Văn Thái là một đảng viên trung thành tuyệt đối với lợi ích của Đảng, của quân đội và nhân dân; là một cán bộ cương trực, chí công vô tư. Là một giám đốc nhân hậu, có tác phong sâu sát, hết mực thương yêu cán bộ, giáo viên, học viên. Trong chỉ đạo có tác phong dứt khoát, rất nghiêm khắc nhưng luôn rộng lượng, giúp đỡ mọi người phấn đấu, tiến bộ nên được cán bộ, chiến sĩ hết lòng tin yêu, kính trọng.

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo của Trường Sĩ quan Lục quân 1 là bước kế thừa và tiếp tục sự nghiệp của lớp cha anh đi trước, trong đó có công lao đóng góp của Đại tướng Hoàng Văn Thái. Các thế hệ của Trường Sĩ quan Lục quân 1 (Trường Đại học Trần Quốc Tuấn) hôm nay và mai sau mãi biết ơn công lao của đồng chí đã cống hiến cả cuộc đời vì sự nghiệp xây dựng quân đội, đào tạo cán bộ, xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện...

 

Ông Hoàng Quốc Hùng, con trai của Đại tướng Hoàng Văn Thái:

 

Cha tôi đã dành cả cuộc đời cho cách mạng 

Ngày 22-12-1944 là Ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Trước một ngày, bác Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) triệu tập các bác Hoàng Sâm, Xích Thắng và cha tôi ra một chỗ vắng. Bốn người ngồi xuống một gốc cây lớn. Bác Văn tuyên bố: “Theo chỉ thị của cấp trên, đội ta thành lập một Chi bộ Đảng, đồng chí Xích Thắng làm thư ký chi bộ. Ban chỉ huy đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên”. Bác Văn phân công cho cha tôi nhiệm vụ cầm lá cờ đỏ sao vàng và đứng ngay cạnh Đội trưởng Hoàng Sâm. Chưa bao giờ những ý nghĩ về lá cờ Tổ quốc lại thấm đậm sâu sắc trong tâm hồn cha tôi như lúc đó.

Chỉ mấy ngày sau, cha tôi lại là người phất lá cờ đỏ sao vàng giữa đồn giặc trong trận đánh đầu tiên Phai Khắt - Nà Ngần, mở ra truyền thống đánh thắng trận đầu của Quân đội ta.

Mẹ chúng tôi cũng tham gia Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân từ những ngày đầu trứng nước. Ngày 16-12-1944, bác Văn viết thư nói mẹ tôi về gấp tổng Hoàng Hoa Thám để kịp tham gia thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Mẹ tôi là một trong ba phụ nữ tham gia đội ngay sau đó. Chưa đầy một năm sau, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 diễn ra trên cả nước. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chính quyền đã về tay nhân dân. Ngày 2-9-1945, Lễ Tuyên ngôn Độc lập được tổ chức tại Quảng trường Ba Đình với sự tham gia của hàng chục vạn người. Trong buổi lễ trọng đại, lịch sử ấy, mẹ tôi cùng một nữ sinh Hà Nội vinh dự được giao nhiệm vụ kéo lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc ở Quảng trường Ba Đình khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Lúc Bác Hồ dẫn đầu đoàn Chính phủ lâm thời bước lên lễ đài, ngang qua cột cờ, Bác dừng lại nhìn mẹ tôi và nói: “Cô Loan Giải phóng quân phải không?”. Mẹ tôi rất xúc động thưa: “Thưa Bác, vâng ạ!”.

Cha mẹ chúng tôi đi theo dưới ngọn cờ đỏ sao vàng năm cánh, đã đồng hành cùng nhau suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Lúc ở chiến khu hay sau năm 1954 về Hà Nội, ngay cả khi cha tôi đi B chiến đấu, mẹ tôi cũng xung phong lên đường. Hơn ba tháng gian nan vượt đèo lội suối, có lần bị máy bay Mỹ ném bom suýt trúng đội hình, mẹ tôi mới vào được chiến trường miền Nam. Ngoài tình cảm vợ chồng, cha mẹ tôi còn cùng chung lý tưởng, mà lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng sắt son gắn kết hai người trên những dặm đường khói lửa. Đó cũng là truyền thống gia đình mà tất cả anh chị em chúng tôi luôn ghi nhớ, nguyện gìn giữ và không ngừng tiến bước dưới lá cờ Tổ quốc, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng vinh quang.

 

Đại tá Đỗ Anh Dũng, nguyên Thư ký của Đại tướng Hoàng Văn Thái:

 

Vị tướng có tầm nhìn chiến lược, bao quát toàn diện

Đại tướng Hoàng Văn Thái không chỉ là nhà chiến lược quân sự xuất sắc mà còn là vị tướng tài về công tác tham mưu chiến lược. Điểm nổi bật là phong cách làm việc, tác phong tham mưu rất bài bản, khoa học, chính xác, sáng tạo, linh hoạt, với tầm nhìn chiến lược xa rộng, bao quát toàn diện, có trách nhiệm cao.

Trong mọi công việc chỉ huy - tham mưu, ông luôn thể hiện cái tài ưu việt của mình là: Đề xuất đúng, trúng vấn đề; luôn bám sát thực tiễn; sớm phát hiện những khó khăn, vướng mắc, lường trước vấn đề phát sinh; chủ động đề xuất xử lý nhanh nhạy, kịp thời hiệu quả - có kế hoạch khoa học.

Trong các cuộc hội nghị họp bàn về bất cứ vấn đề gì (tác chiến, huấn luyện, tổng kết, biên soạn) do ông chủ trì hoặc tham dự, Đại tướng đều tự mình suy nghĩ, chuẩn bị ý kiến trước để phát biểu chính kiến của mình. Ông thường nêu vấn đề rồi gợi ý để người dự họp có thời gian suy nghĩ, chuẩn bị ý kiến, nêu vấn đề trọng tâm để tập trung trao đổi, bàn bạc kỹ lưỡng. Ông lắng nghe, tôn trọng mọi người nói và tự mình ghi chép, hỏi lại những vấn đề còn băn khoăn chưa rõ, gợi ý vấn đề cần suy nghĩ bàn bạc sâu thêm. Ông quan tâm việc phân tích khó khăn, thuận lợi, nắm vững lý luận kết hợp thực tế; đánh giá đúng, tìm ra chân lý, tạo nên sự nhất trí cao. Khi kết luận, ông tổng hợp khái quát vấn đề thật rõ, gọn, đầy đủ, rút ra bài học kinh nghiệm quý báu và đề ra nhiệm vụ sắp tới cùng kế hoạch, biện pháp triển khai thực hiện.

Tuy sức khỏe hạn chế nhưng ông vẫn giữ tác phong sâu sát cơ sở, thường xuyên đi xuống cơ sở nắm bắt tình hình, kiểm tra động viên các đơn vị, địa phương. Ông đã đi nhiều quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, tổng cục, các học viện, nhiều cơ quan quân sự cấp tỉnh, cấp huyện trong toàn quốc. Ông tham dự và chỉ đạo các lớp tập huấn, các cuộc họp tổng kết chiến tranh, chiến dịch, các cuộc diễn tập phòng thủ khu vực. Đặc biệt, có những lần không quản mệt nhọc, hiểm nguy, ông leo đồi, vượt núi lên thăm chốt phòng thủ biên giới phía Bắc để kiểm tra cách bố phòng, xử trí tình huống, thăm nom việc sinh hoạt, ngủ nghỉ, động viên cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ... Tác phong chính quy, mẫu mực của ông đã giúp chúng tôi - những cán bộ dưới quyền chỉ huy của ông học được nhiều điều có ích cả trong công tác và trong cuộc sống. 

Nhóm PV Phòng Biên tập QP-AN (lược ghi)