Tất cả đều ra sức phấn đấu, đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, xương máu để bước đầu đặt nền móng cho tuyến vận tải chiến lược và bảo đảm hành quân vào chiến trường. Nhưng tình hình vẫn chưa lấy gì làm khả quan bởi cuộc đánh phá ngăn chặn của không quân Mỹ ngày càng ác liệt, tinh vi, mà ta thì chưa có những đường hướng, những phương thức giải quyết hữu hiệu.
Đã có một cuộc tranh luận trong cuộc họp của Bộ Tổng tư lệnh: Có nên thực hiện phương thức vận tải bằng cơ giới hay quay trở lại phương thức gùi thồ để đỡ hy sinh về người và phương tiện bị phá hủy? Cuối cùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam kết luận: Mỹ đã thực hiện chiến lược Chiến tranh cục bộ, huy động 1 triệu quân Mỹ-chư hầu và quân ngụy nhằm đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25-30 tháng. Đồng thời, đang đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc nhằm biến miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá. Hội nghị Trung ương kịp thời động viên và tổ chức cả nước kháng chiến chống Mỹ. Từ nửa nước có chiến tranh thành cả nước có chiến tranh với mức độ và hình thức khác nhau. Tuyến vận tải quân sự chiến lược 559 (đường Trường Sơn-PV) đang thực hiện phương thức vận tải cơ giới, tuy gặp khó khăn bước đầu nhưng đó là những thử thách không thể tránh. Ta không có lựa chọn nào khác trong khi yêu cầu của chiến trường ngày càng lớn. Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Chính trị, Bộ tư lệnh 559 phối hợp với các địa phương trực tiếp phối hợp với các chiến trường ta, bạn, sử dụng mọi biện pháp tổng hợp, từng bước phát triển vận tải cơ giới đường bộ, đường sông là chủ yếu, đồng thời tùy tình hình cụ thể từng nơi, từng lúc mà kết hợp vận chuyển thô sơ.
Để đối phó với cuộc chiến tranh ngăn chặn của không quân Mỹ, Đại tướng đã đề ra phương châm chỉ đạo: "Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi".
Trong cuộc tranh luận này, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ-người từng là Tư lệnh 559 cũng như Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện là những người có trách nhiệm trong việc tổ chức vận tải bằng cơ giới chưa thành công đã khẳng định: Phải thực hiện vận tải bằng cơ giới mới có thể theo kịp và đáp ứng đòi hỏi của chiến trường, và nhất định sẽ thực hiện được. Ta không thể chi viện cho miền Nam chống lại hơn 1 triệu quân Mỹ-ngụy bằng cách mang vác, gùi thồ.
Đồng Sỹ Nguyên được tham dự cuộc họp này, tuy chưa trực tiếp vào chiến trường nhưng ông đã linh cảm và nhận thức được vận tải chi viện miền Nam sẽ khó khăn ác liệt vô cùng. Song, ông rất tâm đắc với tướng Phan Trọng Tuệ và Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện. Vì vậy, kết luận của Đại tướng Tổng Tư lệnh được ông đón nhận như kim chỉ nam, dẫn lối soi đường cho mọi hành động.
Khi vào chiến trường, ông càng cảm nhận sâu sắc tình hình khó khăn ngoài sức tưởng tượng mà Đoàn 559 đang phải đối mặt. Ông rất trân trọng những công việc mà các vị tiền nhiệm đã làm. Ông càng trân trọng công lao của mấy vạn con người đã "nằm gai nếm mật", hy sinh quên mình vì miền Nam ruột thịt. Ông đánh giá cao mọi thành tựu đã đạt được. Trước những tồn tại, những bộn bề, những vướng mắc, ông không hề phê phán một ai mà chỉ đổ dồn vào những nguyên nhân là do ta chưa có thời gian để hiểu thực tiễn, chưa có kinh nghiệm để đề ra những giải pháp phù hợp với thực tiễn. Ông cho rằng thực tiễn là chân lý, là sức sống của tư duy lý luận.
Cho nên khi vừa nhận chức Tư lệnh Đoàn 559 thay Đại tá Hoàng Văn Thái, ông chỉ ngồi làm việc với các cơ quan tham mưu, hậu cần, chính trị có một ngày để nắm tổng quát tình hình tổ chức mọi mặt. Ông ghi chép cẩn thận rồi nói với mọi người sau 7 ngày đi khảo sát tình hình hoạt động của các binh trạm, nghiên cứu sự đánh phá của địch và hoạt động của các đơn vị rồi sẽ về phát biểu chính thức với Đảng ủy và Bộ tư lệnh các phương án đối phó với địch và hoạt động của ta.
Ngày hôm sau, ông cùng một số cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, giao liên, cơm đùm cơm gói xuống Binh trạm 1, là binh trạm lớn nhất và cũng là địa bàn bị địch đánh ác liệt nhất lúc bấy giờ với âm mưu cắt "cái cuống họng" từ Lùm Bùm vào Đường 9.
Tới nơi, vừa đặt ba lô xuống, ông yêu cầu họp chỉ huy binh trạm và đề nghị binh trạm trình bày mấy vấn đề: Tình hình hoạt động của địch; tình hình cầu đường; cách tổ chức vận tải, tổ chức chiến đấu bảo vệ đội hình xe, bảo vệ cầu đường và chống phá hoại, bảo đảm thông đường, thông xe; tình hình trang thiết bị; tình hình đời sống và công tác bảo đảm hậu cần; tình hình tư tưởng và công tác Đảng, công tác chính trị.
Ông ghi kỹ ý kiến trình bày của binh trạm rồi hỏi lại từng vấn đề:
- Về địch, các đồng chí có nắm được máy bay Mỹ đánh bao nhiêu trận một ngày và đuổi xe ban đêm bao nhiêu lần, vào giờ nào, lúc nào không?
Thấy binh trạm lúng túng, ông thông cảm và nói:
“Ngay bây giờ, các đồng chí cho tổ chức công tác nắm tình hình địch hoạt động với nội dung: Số lần máy bay trinh sát, trinh sát ở đâu, lúc nào, bao nhiêu thời gian; số lần địch đánh cầu đường, bao nhiêu lần tốp, bao nhiêu lần chiếc, đánh ở đâu, lúc nào và thời lượng đánh; số lần địch đánh, đuổi đội hình xe, nơi nào, lúc nào... Các đồng chí có theo dõi, thống kê mới rút ra được quy luật hoạt động và âm mưu, thủ đoạn của chúng. Kẻ thù ngăn chặn vận tải của ta mà ta lại không có sự hiểu biết nhất định về chúng thì làm sao ta đối phó có hiệu quả với chúng được”.
Ông hỏi tiếp về cầu đường khi bị địch đánh trúng thì sau bao lâu bộ đội công binh mới tiếp cận để khắc phục và khắc phục mất bao nhiêu thời gian thì xong một hố bom. Có bảo đảm cầu đường thông suốt cho xe chạy không?
Chỉ huy binh trạm trả lời: Bộ đội công binh đóng cách xa đường 3km nên sau khi bị địch đánh xong phải mất hơn một giờ mới tiếp cận được. Nhưng nếu địch đánh vào ban ngày mà trúng đường thì cũng phải đợi đến đêm mới có điều kiện ra khắc phục. Nhiều khi đường thông nhưng lại không có xe chạy.
Nghe xong, ông ôn tồn giải thích: Đường là huyết mạch của vận tải, đường là chiến địa của công binh. Bom trúng đường là phải kịp thời khắc phục ngay. Phải bảo đảm đường thông ngay trước giờ xe xuất kích. Nếu để đến tận đêm mới khắc phục thì biết bao giờ xe lăn bánh được. Tôi đề nghị công binh phải đóng cạnh đường không quá 1km để nhanh chóng tiếp cận và xử lý sự cố. Phải đào hầm bên mép đường để trú ẩn, tránh bom. Ta là người làm chủ mặt đường nên phải biến hoạt động trên mặt đường như ngày hội với tư thế hiên ngang trước kẻ thù. Không như thế thì làm sao ta có đường cho xe chạy.
Ông hỏi tiếp:
- Về bộ đội vận tải thì cách tổ chức như thế nào? Mỗi đêm xe chạy được bao nhiêu ki-lô-mét? Tinh thần bộ đội lái xe ra sao? Khi bị địch uy hiếp thì xử trí như thế nào? Có ai bảo vệ cho đội hình xe không?
Ông lại được báo cáo:
- Binh trạm giao kế hoạch hằng tháng cho các tiểu đoàn xe. Các tiểu đoàn tự chỉ huy cho xe đi lấy hàng. Xe nào lấy xong thì xe đó xuất kích. Đường chật và xấu, lại bị địch rải pháo sáng suốt đêm để tìm diệt nên phải dừng xe luôn, vì vậy, mỗi đêm chỉ lăn bánh được 50-60km. Cung vận tải từ 0,50 (Lằng Khằng) vào đến S1 (sân bay Sê Pôn) có độ dài gần 300km, đi phải mất 12 ngày, nhiều xe đi mất nửa tháng. Trên Đường 9, xe ta bị địch đánh cháy nhiều. Ở Thà Khống có một tiểu đoàn pháo bảo vệ phà, nhưng chỉ đánh máy bay vào ban ngày với phương châm chắc thắng mới đánh.
Bộ đội lái xe phải tự cứu lấy mình. Khi gặp cây đổ chắn đường, anh em phải tự khắc phục, dọn dẹp để thông xe. Khi gặp pháo sáng là phải dừng lại để nấp. Khi bị địch đánh cháy xe là phải tự cứu xe, cứu người, cứu hàng".
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cắt ngang: "Tôi muốn biết thêm là khi xảy ra sự cố trên đường, binh trạm có kịp thời chỉ huy xử lý không?".
- Dạ, không chỉ huy được vì không có thông tin. Phải đợi đội hình quay về báo cáo mới biết.
Nghe báo cáo xong, Tư lệnh cảm thấy rất bức xúc. Ông chạnh lòng thương cảm những người chiến sĩ lái xe, ra trận mà "đơn thương độc mã", ông cảm thấy trong tổ chức vận tải còn tồn tại nhiều vấn đề quan trọng, nếu không khắc phục thì không có cách nào hoàn thành được nhiệm vụ.
Ông giải thích: "Vận tải của ta là vận tải quân sự trong điều kiện địch dám cưỡi lên đầu xe để đánh phá. Nó phải có thế trận, phải có binh lực, phải có phương thức tác chiến, hiệp đồng binh chủng, phải có chỉ huy chặt chẽ đội hình của binh trạm từ đầu chí cuối. Chúng ta thử nghĩ, dù dũng cảm đến mấy nhưng chiến đấu "đơn thương độc mã" thì làm sao mà chiến thắng được. Một bó đũa để rời ra từng chiếc thì bẻ gãy cả bó dễ như chơi". Ông ôn tồn nói: "Tất cả những tồn tại này binh trạm chỉ chịu trách nhiệm một phần là không kịp thời báo cáo và thiếu những kiến nghị sáng tạo lên cấp trên. Giải quyết tồn tại này, trước hết thuộc Đảng ủy, bộ tư lệnh. Tôi tin rằng sau 10 ngày, bộ tư lệnh sẽ có cuộc họp quán triệt cho các cấp về những giải pháp cơ bản thực hiện vận tải quân sự chiến lược. Trước mắt, đề nghị các đồng chí làm cho mấy việc:
Tạm cắt cung từ 0,50 đến S1 thành hai cung. Mỗi cung có chiều dài khoảng l00km. Như vậy là phù hợp với khả năng nắm địch và chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng của binh trạm. Đồng thời cũng phù hợp với tốc độ của đội hình xe đi trong hai đêm được một chuyến dưới điều kiện đánh phá ác liệt của địch. Với cung độ mới, các đơn vị vẫn phải phấn đấu mỗi đêm cố gắng có 70% số xe đạt cung độ.
Đội hình xe phải chạy theo thê đội đại đội đi gọn. Nếu chạy phân tán thì không có khả năng chiến đấu hiệp đồng để bảo vệ đội hình xe được. Phải xuất quân ngay khi bầu trời không còn máy bay trinh sát nhằm rút ngắn không gian cũng như thời gian bị địch tìm diệt. Lập các đài quan sát trên dọc đường để cảnh giới máy bay. Khi có dấu hiệu địch tấn công mới được dừng xe ẩn nấp. Công binh phải bố trí hợp lý, bám chặt đội hình xe hành tiến. Nếu có sự cố phải kịp thời ứng cứu.
Ngày mai, tôi sẽ tăng cường cho binh trạm một tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm. Tôi sẽ ra lệnh cho tiểu đoàn pháo phải chấp hành nghiêm mệnh lệnh của binh trạm. Việc bố trí pháo ở đâu là thuộc quyền của binh trạm. Tôi không can thiệp. Tôi chỉ yêu cầu một điều là pháo phải bảo vệ cho được đội hình xe. Vô luận như thế nào, nếu đội hình xe bị máy bay uy hiếp thì pháo phải đánh trả ngay để giải thoát.
Cũng nội ngày mai, tôi sẽ tăng cường cho các đồng chí một đại đội thông tin có cả dây lẫn máy đủ rải suốt cung đường, để các đồng chí có thể trực tiếp chỉ huy đội hình trong mọi lúc, mọi nơi.
Điều cuối cùng, tôi yêu cầu các đồng chí phải rèn luyện tác phong chính quy cho bộ đội, tuyệt đối chấp hành kỷ luật. Phải có phong cách trận mạc, xông pha. Phải có tư tưởng tấn công, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Phải kịp thời cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ. Ai có công kịp thời khen, ai có khuyết điểm kịp thời uốn nắn. Lấy cái tích cực để chế áp cái tiêu cực. Phải thương yêu cấp dưới, giúp đỡ cấp dưới".
Rồi Tư lệnh nói với giọng thuyết phục, chứ không ra lệnh: "Tôi muốn binh trạm rời ngay sở chỉ huy ra gần đường. Không nên đặt ở vị trí quá sâu đến 3km như thế này. Phải ra cách đường khoảng lkm mới có điều kiện trực tiếp kiểm tra đôn đốc và động viên cấp dưới”. Rồi Tư lệnh nghiêm nghị hỏi lại: "Các đồng chí thấy thế nào, có đồng ý không?".
Chỉ huy binh trạm phấn khởi hứa: "Dạ, nội nhật ngày mai chúng tôi sẽ dời sở chỉ huy ra cách mặt đường 1km. Và cũng bắt đầu từ ngày mai, chúng tôi sẽ triển khai thực hiện các chỉ thị khác của Tư lệnh. Nhưng phải mất một tuần lễ mới có thể hoàn tất".
Nghe vậy, Tư lệnh rất vui, ông tự nhủ: "Những cán bộ cấp dưới mà có thái độ tiếp thu cái mới một cách nhẹ nhàng, nhanh nhạy như vậy thì dù tình hình có khó khăn, phức tạp đến mấy cũng có thể vượt qua". Song, ông cũng dự liệu với 7 ngày, binh trạm khó có thể hoàn thành mọi việc như ông đã chỉ thị. Ông muốn đạt được một kết quả ban đầu thật chắc chắn để có cơ sở triển khai rộng rãi trên toàn tuyến, nên ông gia hạn thêm cho binh trạm hai ngày.
Qua nội dung chỉ đạo cũng như phong cách làm việc của Tư lệnh, cán bộ chỉ huy binh trạm đều cảm nhận một điều: "Vị tân Tư lệnh này thật sắc sảo mà trầm tĩnh, thật sâu sát mà muốn lắng nghe. Ý kiến chỉ đạo của ông thật mới mẻ, sáng tạo, hứa hẹn một sự chuyển mình mạnh mẽ trong tổ chức vận tải quân sự chi viện chiến lược".
Sau khi làm xong việc với ban chỉ huy binh trạm, ông lần lượt xuống các đơn vị ô tô, kho hàng, công binh, pháo cao xạ, giao liên, thông tin, bộ binh. Đến đâu ông cũng thấy còn tồn tại nhiều vấn đề, nổi lên là sự thiếu hiểu biết về địch, chưa quán triệt nhiệm vụ trung tâm, nặng tư tưởng phòng tránh, chưa định hình được chiến thuật tác chiến, tác phong còn du kích, tùy tiện, không thực hiện hiệp đồng chiến đấu nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vận tải chi viện chiến trường. Ông còn thấy rõ những nhược điểm về cầu, đường, cả đường ô tô lẫn đường giao liên. Nó vừa độc đạo, vừa hẹp và chất lượng rất xấu, ổ gà, ổ trâu quá nhiều, cản trở lớn đến tốc độ xe, làm chậm bước cả người đi bộ. Đến đâu ông cũng tìm hiểu cặn kẽ, trực quan hiện trường, lắng nghe cán bộ, chiến sĩ phát biểu. Bên cạnh sự trân trọng những công sức của anh em, ông chỉ ra những điểm mà bản thân đơn vị phải khắc phục và những điểm mà ông nhận lấy phần trách nhiệm của mình dù ông chưa một ngày đảm nhận vị trí chỉ huy của bộ tư lệnh. Thành thử ông đi đến đâu là gieo vào lòng người sự lạc quan, tin tưởng đến đó.
Vừa đi đường, ông vừa suy ngẫm, đặt cho mình một nhiệm vụ phải phát huy được trí tuệ của tập thể Đảng ủy, bộ tư lệnh, phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của mọi binh chủng, mọi con người, mọi yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, phải chuyển biến được cách nghĩ, cách làm. Tóm lại, phải xoay chuyển cho được tình thế. Những điều ông suy nghĩ để làm báo cáo vừa dựa trên thực tiễn chiến trường, vừa dựa vào lý luận quân sự đã được trang bị cũng như sự hiểu biết về truyền thống đánh giặc của ông cha ta.
Khi trở về cơ quan bộ tư lệnh, ông ngồi viết báo cáo trọn một ngày. Bao nhiêu vấn đề nung nấu trong ông bị dồn nén sau khi thị sát chiến trường 10 ngày qua khiến ông viết liền một mạch và rõ ràng trên từng trang giấy, không dấu vết sửa chữa. Rồi ông đề nghị với Chính ủy Vũ Xuân Chiêm triệu tập Đảng ủy, bộ tư lệnh để bàn thảo.
Đảng ủy, bộ tư lệnh họp thảo luận sôi nổi và đánh giá báo cáo của ông là một văn kiện khoa học có những phát kiến mới, sáng tạo, thuyết phục nên đồng thuận lấy nó làm nghị quyết của Đảng ủy, bộ tư lệnh.
Thể theo đề nghị của ông, một cuộc hội nghị quân chính được triệu tập sau đó hai ngày. Thời gian đủ cho những đại biểu ở xa 200km có thể đến kịp.
Ngày 15-1-1967, cuộc họp quân chính được tiến hành tại sở chỉ huy cơ bản của bộ tư lệnh đóng tại khu rừng Ca Tốc cách xa tuyến đường vận tải ô tô khoảng 4km, phải đi bộ hơn một giờ mới tới địa điểm.
Có thể nói, hầu hết các đại biểu về dự hội nghị đều kỳ vọng sẽ có một quyết sách mới để giải quyết tình hình tổ chức vận tải quân sự đang ở giai đoạn khủng hoảng. Nhưng với vị tân Tư lệnh này, họ chưa từng cùng công tác nên vẫn dè dặt trong suy nghĩ về ông.
Hội nghị khai mạc vào lúc 6 giờ sáng, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên được mời trình bày nghị quyết Đảng ủy.
Trước khi đi vào nội dung, điều bất ngờ đầu tiên đến với mọi đại biểu là ông xin lỗi mọi người với lý do sở chỉ huy bộ tư lệnh đóng quá xa đường nên làm cho các đại biểu phải đi bộ mất nhiều thời gian. Và ông hứa sau hội nghị, sở chỉ huy cơ bản của bộ tư lệnh sẽ dời ra gần đường cách khoảng 1- l,5km là cùng. Ông nhấn mạnh rằng chúng ta chỉ huy vận tải mà ở cách đường quá xa là không thể chấp nhận. Muốn an toàn thì có cách làm cho an toàn chứ ẩn sâu trong rừng thì làm sao nắm được bộ đội đang chiến đấu.
Câu nói của ông gây một ấn tượng mạnh, một cảm giác ban đầu đối với mọi người rằng ông là một nhà quân sự bản lĩnh và tầm cỡ. Rồi người ta lắng nghe ông với sự tập trung cao độ.
Ông lần lượt trình bày các vấn đề mà vấn đề nào các đại biểu cũng đều cảm thấy mới lạ...
(*) Nguyên Chính ủy sư đoàn, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn Ô tô cơ động vận tải 571-Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh
Trích "Phan Hữu Đại. Vị Tư lệnh Chiến trường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh". NXB QĐND, Hà Nội, năm 2009, tr.36 đến tr.47.