Hơn nửa thế kỷ đã có bao nhiêu luận văn phân tích nguyên nhân Việt Nam thắng – Pháp thua ở Điện Biên Phủ. Tác giả nào cũng đưa ra những luận cứ sáng giá về tư tưởng chiến lược, nghệ thuật chiến dịch, kỹ năng tác chiến và tiềm năng quân sự đối sánh giữa hai bên. Song, nhân tố “hậu cần” là cơ sở của sự thắng - thua lại ít được bàn tới trong trận “đối đầu” lịch sử này.

Đại tướng Na-va (Henri Navarre) sang Việt Nam với sứ mệnh “Tìm lối thoát danh dự cho nước Pháp”(1) có nghĩa là ông ta phải giành lại quyền chủ động trên chiến trường, tạo thế mạnh cho đàm phán. Na-va quyết định chiếm lại Điện Biên Phủ, thiết lập “con nhím khổng lồ” để ngăn chặn chủ lực Việt Minh giải phóng Lai Châu, yểm trợ Thượng Lào, đồng thời là một “hiểm huyệt” đe dọa chiến khu Việt Bắc. Na-va “thách đấu” với ta ở giữa vùng núi rừng hiểm trở nhằm mục tiêu nhanh chóng xóa sổ các đại đoàn chủ lực của Việt Minh sẽ giải tỏa nguy cơ thất bại trong cuộc đàm phán. Bộ chỉ huy Pháp tin chắc thắng trên cơ sở so sánh mọi điều kiện hơn kém: Các đại đoàn chủ lực Việt Minh đều trang bị nhẹ, pháo cối của họ không đủ sức phá công sự kiên cố; họ chưa quen đánh vào các tập đoàn cứ điểm hiện đại… Nếu xảy ra cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thì chỉ gồng sức được dăm ngày sẽ chịu kết cục bi thảm… Hơn nữa, các đại đoàn Việt Minh không thể sống xa căn cứ lâu, vì khả năng vận tải vật chất tiếp tế của họ chẳng sao vượt qua nổi sự oanh kích dữ dội của không lực Pháp-Hoa Kỳ(2). Rốt cuộc, Na-va thách đấu vì chủ quan phán đoán khả năng hậu cần trang bị và tiếp tế của Việt Minh không thể đương đầu được với quân Pháp.

Những đoàn xe đạp thồ lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược đã trở thành huyền thoại trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu.

Quả thực, đọ sức với địch ở Điện Biên Phủ, ta phải chấp nhận những trở lực vô cùng lớn trong công tác bảo đảm hậu cần cho đạo quân 43 nghìn người. Lần đầu tiên 4 đại đoàn, 30 đại đội pháo cối, 4 tiểu đoàn cao xạ, 4 tiểu đoàn công binh và hơn 3 vạn dân công triển khai tác chiến hiệp đồng ở nhiều địa bàn xa các căn cứ hậu phương gần nghìn cây số. Thực tiễn buộc ta phải đổi mới tổ chức cung cấp trên không gian rộng gồm 10 tỉnh. Sau khi kiểm tra đánh giá lại tình hình, ngày 30-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện báo cáo Bộ Chính trị cho thay đổi phương châm chiến dịch “Đánh chắc tiến chắc”. Ngày 7-2, một lần nữa ta phải điều chỉnh tổ chức, giới tuyến phụ trách, giữa Hội đồng Cung cấp với Tổng cục Cung cấp tiền phương. Thế trận hậu cần được hình thành: “Hội đồng Cung cấp mặt trận” có trách nhiệm tiếp nhận nguồn chi viện của hậu phương chuyển lên các tổng kho căn cứ của “Hậu cần tiền phương” chia thành ba tuyến hậu cần bảo đảm: Tuyến Sơn La, Lai Châu chuyển tới Tuần Giáo; Tuyến Tuần Giáo, Km62 đường 43 chuyển vào trận địa; Tuyến hỏa tuyến từ Km62 chuyển đến các chiến hào của từng đại đoàn.

Tuy nhiên, yếu tố then chốt nhất đối với hậu cần chiến dịch là khâu vận tải. Khó khăn nổi trội lúc này là mạng lưới giao thông hạn chế. Đường cơ giới từ hậu phương lên chỉ có hai con đường 13, 41 nhỏ hẹp lắm đèo dốc, tiếp cận khu vực tiền tuyến chỉ có đường 43. Máy bay địch cứ nhè vào những đoạn trọng yếu ngã ba giao thông, các đèo dốc hiểm trở như Pha Đin, Mỏ Thổ, Đèo Khế, Cò Nòi, địa đầu Sơn La, Km62 đường 43 vào Điện Biên Phủ… oanh tạc suốt ngày đêm hòng ngăn chặn sự tiếp tế của ta. Các tỉnh huy động 89.895 dân công, TNXP tham gia chống phá hoại bảo đảm đường thông suốt liên tục đến kết thúc chiến dịch. Sông Nậm Na cũng được tận dụng vào vận tải. Hai tiểu đoàn công binh cùng hơn trăm TNXP phấn đấu tận lực mới phá hết 102 con thác, khắc phục tính hung dữ của dòng sông cho đoàn thuyền, mảng, ca-nô đi lại được. Với tinh thần tất cả cho chiến dịch, các lực lượng bảo đảm giao thông đã hỗ trợ cho đạo quân - dân vận tải chuyển lên mặt trận khối lượng vật chất: 25.056 tấn gạo và nhân dân Việt Bắc cung cấp 7.310 tấn thóc, 965 tấn thịt. Vũ khí chuyển lên được 1.450 tấn và 450 tấn đạn bộ binh, bộc phá, lựu đạn... Để chuyển lên chiến hào khối lượng vật chất đó, ta huy động 64.451 TNXP và dân công hỏa tuyến, 628 ô tô, 140 ca-nô, 20.991 thuyền, 500 ngựa, 21.000 xe đạp thồ. Các lực lượng đã vượt qua mọi gian nguy, đảm bảo tốt 3 yêu cầu nghiêm ngặt: “Đủ - Đúng - Liên tục”. Dù địch ngăn chặn ác liệt thế nào cũng không để thiếu hoặc gián đoạn nguồn tiếp tế, Tổng cục Cung cấp tiền phương chủ động phối hợp với các tỉnh cận kề, xúc tiến việc khai thác nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ được 389 tấn thịt và 800 tấn rau tươi; đề nghị Hội đồng Cung cấp Trung ương chỉ đạo các khu 3, 4 huy động hơn 100 thợ đóng cối và dân công với đồ nghề lên mặt trận chuyên việc xay giã gạo. Việc chuyển thương từ mặt trận về sau theo phương châm: “Liên tục điều trị trong vận chuyển, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. Hội đồng Cung cấp Trung ương chỉ đạo các tỉnh vận động Hội mẹ, chị chiến sĩ đảm nhiệm hộ lý, nuôi dưỡng thương bệnh binh…

 Chiến dịch kết thúc, quân dân tưng bừng mở hội, nhưng đoàn quân hậu cần vẫn cặm cụi giải quyết hậu quả: Chuyển thương bệnh binh tồn đọng về hậu phương, tìm thi hài liệt sĩ, thu dọn tẩy uế chiến trường, tìm chôn xác giặc, cứu chữa thương binh giặc bị bỏ lại, giải quyết sinh hoạt cho tù hàng binh và chuyển giao chúng về trại… Việc nào cũng đòi hỏi dứt điểm nhanh gọn để kịp lo bảo đảm cho bộ đội ta hồi quân tiếp quản vùng giải phóng… “Nhân tố vị thế hậu cần” trước, trong và sau Chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành “hình mẫu” trong chiến tranh chống Mỹ, cho tới hôm nay và cả mai sau.

NGUYỄN VIỆT PHƯƠNG

 (1)     Navarre nhận nhiệm vụ tháng 5-1953- Đông Dương hấp hối -NXB Paris. Bản tiếng Pháp.

(2)     Sách “Trận Điện Biên Phủ” của Jules Roy.