Việt Nam sở hữu vùng biển, đảo, thềm lục địa rộng lớn. Vùng biển và thềm lục địa của chúng ta có tiềm năng kinh tế nhưng địa chất lại thuộc vùng trũng sâu Biển Đông. Nơi đây phát triển mạnh các rạn san hô tạo nên hàng trăm bãi ngầm, bãi cạn và đảo nổi, phần lớn có độ sâu lớn, điạ hình đáy phức tạp.

Các đảo nổi, đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, DKI chủ yếu ở khu vực biển khơi thuộc đới chuyển tiếp từ cấu tạo vỏ lục địa sang vỏ đại dương sườn lục địa... nên địa hình và địa mạo khu vực này rất phức tạp. Để bảo vệ, khai thác có hiệu quả chủ quyền vùng biển, đảo này, cần có sự hiểu biết khoa học về nó. Chính vì lẽ đó, các nhà khoa học đã nhiều năm dày công thực hiện đề tài “Nghiên cứu các đặc điểm địa chất công trình của nền san hô ở một số vùng trọng điểm và các giải pháp thích hợp cho các công trình phục vụ phát triển kinh tế và quốc phòng”. Đề tài do Bộ Quốc phòng chủ trì, các nhà khoa học của Học viện Kỹ thuật quân sự, Đại học Mỏ-Địa chất, Quân chủng Hải quân, Viện cơ học (Viện Khoa học công nghệ Việt Nam), Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Công nghệ Quân sự... thực hiện chính.

Hàng loạt các công trình, kè chắn sóng, nhà ở, bể chứa, kho tàng, nhà dàn... với những tính toán cho việc thiết kế, xây dựng và khả năng làm việc của chúng chịu ảnh hưởng rõ rệt của điều kiện tự nhiên. Các công trình phục vụ đời sống, huấn luyện, SSCĐ của bộ đội được thiết kế, tạo nhiều tính ưu việt hơn nhờ việc xây dựng mô hình với tính toán, thiết kế các công trình biển chính xác, khoa học.

Ròng rã suốt mấy năm liền cùng biển cả, vật lộn với gian khổ, thiếu thốn, khắc nghiệt của bão giông, gió chướng... công trình nghiên cứu thấm đẫm công sức của các nhà khoa học trong và ngoài quân đội đã nở hoa thơm. Suốt từ năm 2002, như một người lính, các nhà khoa học liên tục tổ chức các chuyến đi khảo sát thực địa trên quần đảo Trường Sa và DKI phục vụ cho việc xác định các đặc điểm địa chất công trình, tập trung vào nghiên cứu đặc điểm phân bố san hô, địa chất các đảo, thềm lục địa. Bàn chân của họ không ít lần bị đá san hô sắc lẹm cứa đứt thịt da mới có được những bộ số liệu để xử lý, tính toán. Các mẫu thí nghiệm được phân tích ở những phòng thí nghiệm hàng đầu quốc gia. Đặc điểm địa mạo, cấu trúc địa chất và thạch học đảo, thềm lục địa là cơ sở cho nghiên cứu địa chất công trình các nền san hô.

Khái quát thì vậy, nhưng nghe đại tá GS, TS Hoàng Xuân Lượng (Học viện Kỹ thuật quân sự), Chủ nhiệm đề tài phân tích, nêu lên cấu trúc của từng loại rạn san hô, sinh vật tạo rạn, quan hệ thạch học san hô với chu kỳ trầm tích, tuổi của san hô và mối quan hệ tiến hóa địa chất biển Đông... mới hình dung ra phần nào công trình “đồ sộ” và đầy ý nghĩa này. Tính chất cơ lý của san hô và nền san hô, đặc trưng động lực học của nó, ma sát giữa cọc và nền... là bộ số liệu vô cùng quan trọng để các nhà khoa học đưa ra các giải pháp, sản phẩm trên vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Tưởng như điều kiện địa chất vô cùng phức tạp trên biển sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác thế mạnh của nguồn tài nguyên thiên nhiên, ý nghĩa hơn là bảo vệ từng tấc đất thiêng của Tổ quốc... nhưng thành quả của đề tài đã từng bước góp phần vào phục vụ sự nghiệp đó. Hàng loạt các công trình, kè chắn sóng, nhà ở, bể chứa, kho tàng, nhà dàn... với những tính toán cho việc thiết kế, xây dựng và khả năng làm việc của chúng chịu ảnh hưởng rõ rệt của điều kiện tự nhiên. Các công trình phục vụ đời sống, huấn luyện, SSCĐ của bộ đội được thiết kế, tạo nhiều tính ưu việt hơn nhờ việc xây dựng mô hình với tính toán, thiết kế các công trình biển chính xác, khoa học.

Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước đã đánh giá: Đề tài hoàn thành đầy đủ các nội dung nghiên cứu, thu được các kết quả nghiên cứu có độ tin cậy, đáp ứng yêu cầu khoa học mà lần đầu tiên, nhiều cứ liệu mới có. Số điểm 38,25/40 điểm là sự ghi nhận thành công của đề tài, nhưng quan trọng hơn, với hàng loạt sản phẩm được triển khai ứng dụng, công trình cho thấy ý nghĩa đích thực của nó.

NGÔ ANH THU