 |
Đơn vị B68, bắn đạn thật ở Cấm Sơn. Ảnh: VŨ VĂN KIỆN
|
Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn không quên đêm thu Mậu Thân 40 năm trước ở chiến trường Trị-Thiên. Bấy giờ đang vượt trọng điểm trên đường tây Thừa Thiên, cả đoàn xe bất ngờ bị pháo địch giội xuống đội hình. Tất cả dạt sang vệ đường, không kịp giấu xe, người nhảy xuống nằm rạp sát đất mà mảnh đạn địch vẫn xỉa vào đầu, vào người. Xe cháy, anh em hy sinh hoặc bị thương, chúng tôi nhìn thấy mà không sao đến cứu nhau được. Hễ nhổm lên là trúng đạn.
Đang nghĩ “sắp đến lượt mình”, thì bỗng thấy từ xa, những vầng lửa sáng rực, bốc cao. Chỉ mấy phút, hỏa lực địch câm hẳn. Nghe đại đội trưởng hô: “Anh em lên xe”, chúng tôi nhổm dậy. Ngoài bộ phận ở lại cứu thương, trong chốc lát chúng tôi rời nhanh khỏi nơi địch pháo kích. Bị pháo ta bắn trúng trận địa, pháo của địch hư hỏng gần hết, không thể tiếp tục bắn vào đoàn xe của đơn vị chúng tôi được nữa.
Đợt vận chuyển đột xuất lần đó, đơn vị chúng tôi được tặng thưởng huân chương Chiến công, nhưng trong thâm tâm, chúng tôi muốn dành vinh dự đó cho đơn vị pháo binh đã chi viện kịp thời cho mình, vì ai cũng nghĩ “nếu không có pháo binh bắn vào trận địa địch thì đơn vị chúng tôi chắc thương vong hết”. Biết ơn các đồng chí pháo binh, nhưng chiến trận kéo dài, đơn vị kẻ ở người đi, chúng tôi không kịp hỏi đơn vị nào đã cứu sống mình đúng lúc, chỉ nhớ mãi hình ảnh những vầng lửa sáng trên đỉnh đồi, “những vầng lửa cứu sinh”.
Ra miền Bắc đi học rồi làm phóng viên báo Quân đội nhân dân, một lần lên Trường sĩ quan Pháo binh, gặp Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phùng Văn Khầu, nghe kể chuyện, tôi mới rõ đơn vị chi viện đơn vị chúng tôi năm đó là của trung đoàn pháo binh 675B (nay là đoàn pháo binh B68). Ngày đó, anh Khầu là Phó chính ủy trung đoàn. Tiểu đoàn 1 do đồng chí Phạm Văn Ân làm tiểu đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Đầm làm tham mưu trưởng, hai người đã trực tiếp chỉ huy pháo bắn yểm trợ cho đơn vị chúng tôi. Khi anh Đoàn Văn Vượng làm phó đoàn trưởng về chính trị đoàn B68 cách đây 20 năm, tôi có đến tiểu đoàn 1. Dù từ chỉ huy đến chiến sĩ đã thay đổi, nhưng truyền thống của một tiểu đoàn “Tiến công - nổi dậy - anh dũng - kiên cường” vẫn được lớp sau kế thừa, phát huy. Tiểu đoàn vẫn giữ được truyền thống khá trong đội hình đoàn B68.
Gần 40 năm ngày đoàn pháo binh B68 được thành lập, tôi lại có dịp về nơi là ân nhân của chúng tôi. 20 năm trước, tôi mới biết về tiểu đoàn 1. Bây giờ có thời gian để tìm hiểu kỹ, tôi rất mừng khi thấy lớp cán bộ chủ trì của đoàn B68 hôm nay hiểu rõ lịch sử ra đời, những trận chiến đấu đầu tiên, những gương chiến đấu anh dũng, những kinh nghiệm quý mà lớp đàn anh để lại. Theo lời kể của các anh, đoàn B68 ra đời đúng giữa mùa xuân Mậu Thân 1968, khi cuộc chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên đang lúc ác liệt nhất. Khi trên hướng Khe Sanh, ta đã thực hiện vây hãm địch ở căn cứ Tà Cơn, trung đoàn pháo binh 675 nhận được điện phải rút ra một bộ phận để xây dựng một trung đoàn pháo binh cơ giới, sẵn sàng làm nhiệm vụ chiến đấu và thọc sâu ở mặt trận Thừa Thiên - Huế. Ngày 29-3-1968, tại La Ngoi, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, trung đoàn pháo binh 675B được chính thức thành lập. Đến tháng 10-1969, đổi phiên hiệu thành trung đoàn pháo binh B68, rồi từ tháng 10-1973, thành đoàn pháo binh B68.
 |
Thượng úy Nguyễn Văn Hải, người có nhiều sáng kiến ở Đoàn pháo binh B68.
|
Gần một tháng sau ngày trung đoàn thành lập, sư đoàn bộ binh không vận số 1, sư đoàn dù 101 của Mỹ và chiến đoàn dù 3 của ngụy tiến hành cuộc hành quân Đơ-li-ve trên đường B45 nhằm đánh phá kho tàng, ngăn chặn ta tiến vào Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, phá thế tiến công đợt 2 Mậu Thân 1968 của ta. Trung đoàn được lệnh triển khai đội hình chiến đấu, sử dụng tiểu đoàn 1 pháo Đ74, đại đội 15 của tiểu đoàn 23 pháo 85mm, đại đội 5 tiểu đoàn 2 Đ74 vào trận. Chiều ngày 6-5-1968, trung đoàn bắt đầu nã đạn vào sườn phía đông đỉnh Con Mèo, rồi trận địa pháo của địch ở La Đụt, La Nam. Ở hướng A Lưới, đại đội 2 tiểu đoàn 1 và đại đội 5 tiểu đoàn 2 được lệnh chiến đấu. Ngày 13-5, ta đồng loạt tập kích hỏa lực vào sân bay A Lưới, phá hủy 15 máy bay, diệt nhiều sinh lực địch. Ba ngày sau, chúng phải rút chạy. Các chiến sĩ pháo Đ74 tiếp tục phát huy hỏa lực bắn phá, ngăn chặn, diệt thêm 200 tên địch, bắn cháy 2 chiếc trực thăng, phá hủy 4 khẩu pháo. Quân Mỹ thuộc sư đoàn kỵ binh không vận số 1 của Mỹ phải rút khỏi điểm cao Con Mèo và sân bay A Lưới, phải hủy bỏ cuộc hành quân Đi-lơ-ve.
Ra quân trận đầu đã chiến thắng giòn giã. Những tháng ngày sau đó cho đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc, trên mặt trận Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, nam Lào, đoàn B68 đánh hơn 200 trận, tiêu diệt 9.124 tên Mỹ-ngụy, phá hủy 216 khẩu pháo, thu 39 khẩu, bắn cháy 510 xe quân sự các loại, phá hủy 37 kho tàng, 92 máy bay của địch. Trung đoàn được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đúng vào ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, 19-5-1972.
Từ ngày 23-3-1986, lữ đoàn nằm trong đội hình của Binh đoàn Quyết Thắng, là đơn vị pháo binh cơ giới, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, xây dựng theo hướng chính qui, hiện đại, có sức chiến đấu cao, sức đột kích mạnh, sức cơ động lớn, trong chiến đấu phải đánh thắng ngay từ trận đầu, thắng liên tục, tạo nên những đòn tiến công tiêu diệt lớn trước mọi kẻ thù xâm lược nước ta. Từ đây, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cao được đặt lên hàng đầu.
Qua các đời chỉ huy trưởng đoàn: Nguyễn Đình Lộc, Đỗ Xuân Thoa, Nguyễn Khắc Hùng, Trần Hữu Dược, Nguyễn Văn Hải, Lê Ngọc Chương và bây giờ là Đại tá Phạm Hồng Phi, khi kể chuyện luyện quân, các tình huống chiến đấu luôn được nêu ra, nóng hổi. Ấn tượng nhất với các anh là các cuộc thi mà cả những người đã từng chiến đấu ở chiến trường cũng phải thừa nhận là “khó hơn cả đánh địch thật”.
Bắt đầu và náo nức nhất là vào huấn luyện giai đoạn 2 năm 1990, Bộ tư lệnh Pháo binh tổ chức thi “Đại đội pháo binh giỏi” toàn quân. Theo lệnh của Tư lệnh Binh đoàn, đoàn cử đại đội 12, đơn vị Anh hùng, thay mặt các đại đội pháo binh toàn Binh đoàn đi dự thi. Các nội dung huấn luyện đều theo chương trình cơ bản ngay từ đầu, cứ một tuần huấn luyện có một ngày kiểm tra, kết hợp huấn luyện tại doanh trại với huấn luyện dã ngoại. Khó khăn, vất vả rất nhiều, nhưng cán bộ, chiến sĩ đại đội 12 không một ai kêu ca, cả đại đội hào hứng luyện tập với kỷ luật nghiêm khắc. Sau hơn hai tháng, Tư lệnh Binh đoàn về kiểm tra toàn diện, các nội dung đều đạt tốt. Bấy giờ đồng chí mới nói: “Cho đến giờ phút này, Binh đoàn đã yên tâm một nửa, nửa còn lại thuộc về những ngày tiếp theo. Nếu đại đội 12 cố gắng, đoàn B68 cố gắng, bản lĩnh thi đấu vững vàng, đại đội 12 sẽ đạt thành tích cao”. Được Tư lệnh động viên, cán bộ, chiến sĩ đại đội 12 càng phấn khởi bước vào những ngày huấn luyện cuối cùng có hiệu quả hơn. Lần đó, đại đội 12 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt giải nhì cuộc thi của các đơn vị pháo binh các quân chủng, binh chủng, quân khu, quân đoàn phía bắc, góp phần quan trọng đưa đoàn 368 đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” năm 1990.
Truyền thống từ trong chống Mỹ “Cơ động giỏi, chiến đấu giỏi, xây dựng giỏi” một lần nữa lại được đoàn B68 phát huy. Cũng từ đây, giai đoạn xây dựng đoàn vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới được mở ra. Cấp trên yêu cầu đoàn pháo binh B68 phải luôn luôn là một lực lượng pháo binh mạnh trong đội hình binh đoàn cơ động chiến lược của Bộ. Theo đó, đoàn được trang bị pháo, xe đồng bộ hơn, chương trình huấn luyện cũng cơ bản, đòi hỏi chất lượng cao hơn, cán bộ, chiến sĩ về công tác tại đoàn cũng được đào tạo đầy đủ hơn, trình độ văn hóa cao hơn trước.
Đang làm nhiệm vụ trực chỉ huy tiểu đoàn 2, tiểu đoàn phó Lê Ngọc Hà, ra đón chúng tôi trong tâm trạng phấn khởi. Đồng chí Hà cho biết, gần đây, tham gia diễn tập chỉ huy cơ quan, bắn đạn thật, thi tiểu đoàn trưởng, chính trị viên giỏi, bảo dưỡng kỹ thuật, đi giúp dân khắc phục hậu quả lụt bão, tiểu đoàn đều đạt thành tích khá và giỏi. Khi làm nhiệm vụ trực chiến, yêu cầu chuyển trạng thái chiến đấu đòi hỏi phải luyện tập công phu, đồng bộ mọi việc làm, chi tiết dù nhỏ nhất. Yêu cầu đặt ra cho tiểu đoàn 2 là 3 giờ 25 phút, nhưng khi kiểm tra, lần nào đơn vị cũng hoàn thành trước thời gian quy định. Cấp trên luôn hài lòng với mọi mặt công tác của tiểu đoàn 2.
Ngày 1-3 vừa qua, tất cả các đơn vị trong toàn đoàn B68 ra quân huấn luyện trong không khí náo nức, phấn khởi lập thành tích kỷ niệm 40 năm ngày thành lập. Năm nay, tiểu đoàn 4 làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu thay cho tiểu đoàn 2. Cán bộ tiểu đoàn rất phấn khởi khi được cấp trên tin tưởng giao cho trọng trách này, nhưng ai cũng hiểu rằng để làm tốt nhiệm vụ, phải không ngừng rèn luyện, nâng cao kỹ năng chỉ huy nhiều loại pháo, năng lực quản lý toàn diện đơn vị. Năm ngoái, tiểu đoàn đã huấn luyện hai khóa chiến sĩ mới cho toàn lữ đoàn. Qua kiểm tra các khoa mục, đợt 1 có 5 đồng chí không đạt yêu cầu. Đợt 2 chỉ có 2 đồng chí đạt yêu cầu thấp. Sự tiến bộ này được tiểu đoàn trưởng, Thiếu tá Nguyễn Văn Thu giải thích:
- Đợt 2, chiến sĩ mới vào có trình độ cũng như đợt 1, nhưng kết quả kiểm tra đợt 2 khá hơn đợt 1 là do khi huấn luyện chúng tôi đã kiên quyết khắc phục bệnh chủ quan, cán bộ các cấp lại theo sát từng chiến sĩ, rút kinh nghiệm kịp thời từng động tác, từng bài học.
Cũng năm qua, tiểu đoàn làm nhiệm vụ huấn luyện quân dự bị động viên cho hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa 2 lớp, gồm 162 đồng chí học tập, ôn luyện lại những kiến thức cơ bản chuyên ngành pháo binh: trinh sát, kế toán, pháo thủ, thông tin và thực hành bắn đạn thật cấp đại đội. Tiểu đoàn trưởng Thu kể lại:
- Chúng tôi đưa ra một chương trình huấn luyện trọn bộ, thời gian thực hành nhiều và khẩn trương. Những ngày đầu cũng gặp một số khó khăn. Nhưng khi được sống lại cuộc sống trong quân ngũ, nhiều học viên tỏ ra hào hứng. Những kiến thức cũ trở lại, nhiều người tiếp thu rất nhanh, rồi giúp đỡ các đồng chí khác. Do vậy, khi trên về kiểm tra, cả hai đợt đều đạt kết quả khá.
Ở đại đội chỉ huy, ấn tượng nhất với chúng tôi là khi gặp đại đội trưởng, Thượng úy Nguyễn Văn Hải, 5 năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Mới nhìn đã thấy đây là mẫu cán bộ chuyên cần, chăm chỉ, có trách nhiệm cao với cương vị mình làm. Nhưng khi nghe Phó chính ủy Phạm Quốc Hóa kể chuyện, thành tích nổi bật của Hải lại là người có nhiều sáng kiến. Đại đội được trang bị nhiều loại phương tiện nhưng phần lớn là cũ, tính năng, tác dụng và độ chính xác có hạn, trong khi yêu cầu của nhiệm vụ ngày càng cao. Không thể chờ đợi có trang bị đồng bộ mới, vận dụng kiến thức học 5 năm ở nhà trường, tìm hiểu các yêu cầu của thực tế, Hải đã nghĩ ra nhiều cách đổi mới, bổ sung, khắc phục có hiệu quả. Năm 2004, với sáng kiến “Dọi tâm phương hướng bàn bắn đêm”, Hóa được giải A cấp Binh đoàn, được vận dụng cho đoàn và các đơn vị pháo binh trong Binh đoàn khi bắn ban đêm. Tiếp đó, Hải lại có thêm sáng kiến: “Cọc chuẩn rút” được phổ biến rộng rãi trong đoàn. Không chỉ có nhiều sáng kiến, Hải còn là người chỉ huy đại đội giỏi. Trong đại đội, người nhiều tuổi quân nhất là 24 năm, người ít nhất là 1 năm. Tuy khác nhau về tuổi tác, ngành nghề, nhưng cả đại đội luôn luôn đoàn kết, thương yêu nhau như con một nhà, bảo ban nhau giữ nghiêm kỷ luật, tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao. Trong mọi công việc, Hải luôn luôn là người đi đầu, được anh em tín nhiệm.
Khi tôi kể tình huống chiến đấu mùa thu 40 năm trước, Hải nghe cặn kẽ. Hỏi: “Nếu gặp trường hợp đó, Hải xử lý ra sao để giảm tổn thất cho đơn vị vận tải?”. Không phải nghĩ lâu, Hải trả lời luôn: “Khi trinh sát thấy địch có dấu hiệu dùng pháo tập kích thì phải gọi pháo bắn ngay. Để tránh tổn thất nặng, tuyệt đối không được chần chừ”.
Tôi cám ơn Hải và thầm nghĩ: khi có tình huống chiến đấu thật thì những loạt pháo của lớp cán bộ, chiến sĩ hôm nay ở các đơn vị trong đoàn pháo binh B68 sẽ kịp thời hơn, chính xác hơn, “vầng lửa cứu sinh” sẽ rực rỡ hơn trước.
Bài và ảnh: LÊ LIÊN