Tổ chức phong trào thi đua là một trong những biện pháp quan trọng nhằm thúc đẩy các tập thể, cá nhân phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên hiện nay việc ban hành và thực hiện quy chế thi đua ở nhiều cơ quan, đơn vị bộc lộ một số điểm bất hợp lý, dẫn đến hiệu quả của phong trào thi đua bị hạn chế.
Thi đua kiểu... ăn may
Sau một năm nỗ lực phấn đấu, tạo được sự chuyển biến toàn diện trên các mặt công tác, đạt nhiều thành tích nổi bật so với các đơn vị bạn, Tiểu đoàn 3 được Hội đồng thi đua thống nhất bình chọn là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2008 của trung đoàn và đề nghị cấp trên tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”.
 |
Biểu dương chiến sĩ bắn giỏi ở phân đội 14, Đoàn Chiến Thắng
|
Toàn thể cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 đang hân hoan chờ ngày trung đoàn tổ chức hội nghị tổng kết để đón nhận phần thưởng thì chẳng may, một quân nhân của Tiểu đoàn 3 đang về nghỉ phép ở quê bị tai nạn giao thông và tử vong. Mặc dù nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do yếu tố khách quan (quân nhân này đang đi xe máy đúng luật thì bị ô tô mất lái đâm vào), nhưng theo quy chế thi đua, Tiểu đoàn 3 có vụ việc mất an toàn giao thông nghiêm trọng, dẫn đến chết người, nên không được tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”. Phần thưởng này nghiễm nhiên thuộc về Tiểu đoàn 1, dù kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị chưa cao, và có nhiều vụ vi phạm kỷ luật thông thường.
Sau sự việc này, nhiều cán bộ, chiến sĩ cho rằng: Tiểu đoàn 3 “đen”, còn Tiểu đoàn 1 thì “số đỏ”. Điều rất đáng suy nghĩ là một số cán bộ nhỏ to rằng: “Thành công hay thất bại đều là do may - rủi. Số mình đen thì có phấn đấu mấy cũng chẳng được gì. Thôi… cứ bình bình mà làm, gặp “số đỏ” thì… trời vẫn cho!”.
Bị “điểm chết”, hết ý chí phấn đấu
Tương tự trường hợp trên, chỉ khác là ngay sau khi tiểu đoàn phát động phong trào thi đua Quyết thắng năm 2009, đại đội 1 đã xảy ra vụ việc mất an toàn giao thông, mà nguyên nhân cũng do yếu tố khách quan. Quyết tâm phấn đấu dẫn đầu phong trào thi đua của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1 đang hừng hực bỗng… chùng hẳn xuống. Biểu hiện rõ nhất là chỉ huy đại đội không còn hăng hái xung phong đảm nhận những công việc khó, duy trì đơn vị thực hiện chế độ, nền nếp chính quy phần nào lơi lỏng… Gặp những người bạn đồng ngũ, đại đội trưởng thở dài, bộc bạch:
- Ngay đầu năm đã bị “điểm chết” rồi thì có phấn đấu đến mấy cũng vẫn đứng cuối “bảng xếp hạng”. Coi như năm nay tạm nghỉ ngơi, giữ sức để sang năm phấn đấu.
Bị “điểm chết”, không chỉ nhiều tập thể mất động lực phấn đấu mà ngay cá nhân cán bộ, chiến sĩ cũng giảm sút ý chí thi đua, thậm chí còn buông xuôi, chờ sang năm mới làm lại từ đầu! Tôi có người bạn làm trợ lý ở một cơ quan. Anh có trình độ chuyên môn giỏi nên được cấp trên giao rất nhiều công việc, trong khi một số đồng chí cùng làm trợ lý với anh thì nhàn rỗi. Đầu năm 2008, do vô tình để xảy ra sai sót trong giải quyết công việc, anh bị xử lý kỷ luật ở mức khiển trách. Từ đó anh nảy sinh tư tưởng ngại làm, ngại xông pha gánh vác việc tập thể vì “công bao nhiêu cũng không xóa được một tội nhỏ”. Điều anh thường nói với tôi: là “ít làm, ít va chạm thì ít sai, ít bị… điểm chết”.
Khen thưởng cũng... cơ cấu
Cuối năm 2008, dự hội nghị tổng kết thi đua của một cơ quan, tôi và một số đại biểu không khỏi ngạc nhiên khi thấy những tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhận danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” hoặc bằng khen, giấy khen, nhưng thủ trưởng của tập thể đó không được khen thưởng gì. Ngược lại, cá nhân thủ trưởng của một số tập thể không được khen thưởng lại được tặng bằng khen, giấy khen! Giá như quy chế thi đua quy định rõ: Đơn vị nào hoàn thành tốt nhiệm vụ và được khen thưởng thì thủ trưởng đơn vị đó đương nhiên cũng được khen thưởng ở hình thức tương đương thì hay biết mấy.
Đem chuyện bất hợp lý trên kể với một đồng chí cán bộ cấp phân đội, anh cho biết: Khen thưởng theo kiểu cơ cấu là chuyện không hiếm ở các cơ quan, đơn vị cơ sở. Có đơn vị còn quy định, cá nhân đã được đề nghị khen thưởng về Đảng hoặc Đoàn thì không đề nghị khen thưởng về chính quyền. Kết quả là hầu hết các thành viên trong đơn vị đều được khen thưởng? Với tập thể cũng tương tự, đơn vị nào được đề nghị khen thưởng hình thức này thì phải “ưu tiên”, “nhường” cho đơn vị bạn hình thức kia. Thành ra, có đơn vị, cá nhân được khen thưởng lại thấy… ngượng với đồng chí, đồng đội.
Trên đây là một vài ví dụ về những bất hợp lý trong thực hiện quy chế thi đua ở các đơn vị cơ sở. Mong lãnh đạo, chỉ huy các cấp quan tâm nghiên cứu, có biện pháp khắc phục kịp thời để phong trào thi đua thực sự tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy mỗi tập thể, cá nhân nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bài và ảnh: NGUYỆT ANH