QĐND - Hè - Thu năm 1947, quân Pháp đánh chiếm hầu hết các thành phố, thị xã lớn trên cả nước ta và còn tăng cường lực lượng ở Bắc Bộ, nhằm mở rộng phạm vi kiểm soát và chuẩn bị kế hoạch cho một cuộc tiến công lớn lên Việt Bắc, hòng tiêu diệt lực lượng chủ lực và cơ quan đầu não kháng chiến của ta, kết thúc chiến tranh bằng chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh".
Để thực hiện kế hoạch đó, quân Pháp huy động 5 trung đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo binh và một thủy đội gồm 40 tàu chiến và ca-nô. Lực lượng địch hình thành 2 gọng kìm, phía Đông theo hướng Đường số 4 - Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn; phía Tây theo hướng sông Lô - Đường số 2 và mũi thọc sâu nhảy dù xuống Bắc Kạn và các vùng phụ cận, nơi được coi là thủ đô kháng chiến của ta với hy vọng sẽ tiêu diệt và bắt sống chính phủ Hồ Chí Minh trong vòng từ 15 đến 20 ngày. Với ưu thế về binh lực và hỏa lực, quân đội Pháp hy vọng sẽ giành thắng lợi một cách dễ dàng. Ngày 7-10-1947, địch mở cuộc tiến công lên Việt Bắc.
Với ta, yêu cầu chiến lược đặt ra lúc này là phải kiên quyết đánh bại cuộc tiến công chiến lược của địch, bảo vệ vững chắc căn cứ địa cách mạng, bảo vệ cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, đánh bại chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" của địch. Từ đầu tháng 9-1947, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đã chỉ thị: "Sửa soạn phá những cuộc tiến công lớn của địch". Cả Việt Bắc hình thành thế trận toàn dân đánh giặc. Bộ Tổng chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm đánh tiêu diệt lớn quân địch trên cả hai hướng; đồng thời chỉ đạo các mặt trận khác trên toàn quốc đánh mạnh để phối hợp với chiến trường Việt Bắc. Các mặt trận: Sông Lô - Đường số 2, Bắc Kạn - Đường số 3, Đường số 4 - Lạng Sơn, Cao Bằng được thành lập, trong đó, hướng Sông Lô - Đường số 2 có nhiệm vụ đánh tiêu diệt lớn quân địch cơ động theo đường bộ và đường sông, ngăn chặn việc tiếp tế và tăng viện của chúng, tiến tới bẻ gãy gọng kìm phía Tây của địch.
 |
Bộ đội pháo binh Sông Lô trong chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947. Ảnh tư liệu
|
Các lực lượng pháo binh cùng với toàn quân, toàn dân đưa lực lượng, phương tiện ra vùng kháng chiến. Vũ khí, đạn dược được thu gom, khôi phục và sửa chữa. Lực lượng được xây dựng và huấn luyện nhằm chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Trong chiến dịch này, pháo binh được bố trí trên 2 hướng. Hướng chủ yếu: Sông Lô - Đường số 2, sử dụng 3 trung đội pháo binh 175, 200 và 225 với 6 khẩu pháo gồm sơn pháo, thủy pháo và cao xạ pháo, được giao nhiệm vụ đánh tàu địch trên sông Lô, đoạn từ Hạc Trì đến Bình Ca và Gò Đồn gần bến phà Đoan Hùng. Hướng phối hợp: Sông Hồng, về phía tây thị xã Yên Bái, sử dụng 2 trung đội, 4 khẩu dã pháo 75mm. Với cách bố trí lực lượng và vừa đánh vừa rút kinh nghiệm chiến đấu, pháo binh đã góp phần vào chiến thắng của Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông năm 1947.
Từ thực tế sử dụng pháo binh trong chiến dịch cho thấy, ta đã tập trung ưu thế lực lượng pháo binh vào hướng chủ yếu, đối tượng mục tiêu chủ yếu của chiến dịch. Đây là chiến dịch có phạm vi rộng, thời gian dài và quy mô lớn. Chiến dịch đồng thời diễn ra trên 2 hướng. Ở thời điểm này, tuy lực lượng pháo binh còn ít, trình độ kỹ chiến thuật còn sơ khai, pháo đạn hạn chế, nhưng ta đã biết sử dụng tập trung pháo binh trên hướng chủ yếu (hướng Sông Lô - Đường số 2); cụ thể, đã sử dụng tới 60% lực lượng pháo binh hiện có, triệt để khai thác và tận dụng mọi yếu tố về địa hình, phối hợp tác chiến với bộ binh, dân quân du kích và nhân dân địa phương, quyết tâm bắn chìm, bắn cháy nhiều tàu địch, góp phần bẻ gãy một trong hai gọng kìm tiến công và làm thất bại ý đồ chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" của quân Pháp.
Trong chiến dịch, pháo binh của ta được bố trí ở thế có lợi, chặn đánh địch cơ động tiếp tế đường sông, làm mất tác dụng gọng kìm phía tây của địch. Việc bố trí 3 trung đội ở 3 vị trí khác nhau dọc theo sông Lô và đưa trận địa ra sát bờ sông tạo thành thế đánh có lợi của pháo binh, khắc phục những khó khăn về pháo, đạn và phương tiện chỉ huy, làm cho địch luôn bị bất ngờ; đã bắn cháy, bắn chìm nhiều tàu địch. Thực tế các trận Khoan Bộ, Đoan Hùng, Khe Lau cho thấy: Tạo được thế bố trí pháo binh có lợi, sẽ phát huy được sức mạnh hỏa lực ở mức cao, tiêu diệt nhiều tàu địch, làm cho gọng kìm phía tây của địch mất tác dụng, làm cho địch bị động, đối phó và buộc phải thay đổi ý định, sớm kết thúc chiến dịch khi chưa kịp chuyển sang bước 2 như dự định.
Tuy đã trải qua các trận chiến đấu ở các thành phố, thị xã, lại được huấn luyện, củng cố suốt mùa hè năm 1947, song pháo binh ta cũng còn những mặt yếu kém, nhất là về khả năng bắn trúng mục tiêu đang cơ động, nhất là cơ động trên sông. Từ việc không bắn trúng tàu địch ngày 10 và ngày 11-10-1947, pháo binh đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, sáng tạo, đưa pháo ra sát bờ sông với phương châm "đặt gần bắn thẳng", mang lại hiệu quả chiến đấu cao cho những trận sau, mà điển hình là trận Khe Lau (ngày 10-11), chỉ bằng 4 phát bắn, ta đã bắn chìm tại chỗ 2 tàu địch. Cách "đặt gần bắn thẳng" của pháo binh trên sông Lô đã được đúc kết kinh nghiệm và trở thành cách đánh phổ biến của pháo binh ta trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ "đưa pháo lên cao, vào gần, bắn thẳng". Lực lượng pháo binh tham gia chiến dịch tuy ít, chủ yếu đánh độc lập bằng phục kích, nhưng qua chiến thắng Sông Lô, đã xuất hiện những yếu tố ban đầu và là cơ sở thực tiễn để khẳng định sự hình thành nghệ thuật sử dụng pháo binh sau này.
Thiếu tướng NGUYỄN VĂN CÔN, Tư lệnh Binh chủng Pháo binh