Theo đó, người tập được huấn luyện bởi hệ thống mô phỏng các đối tượng mục tiêu, thực địa trong môi trường 3D; từ âm thanh, hình ảnh của quá trình tương tác thực-ảo đến hiện tượng giật của súng đều tương tự như khi bắn đạn thật. Với công nghệ này, trong quá trình luyện tập, cán bộ, giáo viên có thể theo dõi, uốn nắn, kiểm tra, đánh giá chính xác yếu lĩnh, tư thế, động tác và kết quả bắn của người tập, nên chất lượng huấn luyện bắn súng bộ binh của học viên nhà trường được nâng lên đáng kể.

Các học viên thực hành bắn tại trường bắn ảo.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, không chỉ có trường bắn ảo, mà ở các phòng học tại giảng đường, phòng học chuyên dùng của nhà trường đều được trang bị hệ thống máy chiếu, camera phục vụ giảng dạy, kiểm tra, điều hành huấn luyện. Đó là sự cụ thể hóa của chủ trương đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào huấn luyện, giảng dạy, diễn tập, tập huấn, làm chủ vũ khí trang bị… mà Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đề ra những năm qua. Riêng năm học 2018-2019, nhà trường đã nâng cấp phòng điều hành huấn luyện, lắp đặt hệ thống camera giám sát phòng học, lắp mới 3 phòng học chuyên dùng chuyên ngành trinh sát bộ binh, pháo binh, súng cối, cùng hệ thống trường bắn ảo, phòng học tin học, ngoại ngữ.

Trường Quân sự Quân đoàn 2 còn thúc đẩy hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ vào huấn luyện, đào tạo bằng cách gắn nội dung này với nghiên cứu khoa học, nhất là các công trình, đề tài, sáng kiến có tính ứng dụng công nghệ vào phục vụ nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị. Theo đó, hằng năm nhà trường chủ động xây dựng, triển khai đồng bộ kế hoạch đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học; chỉ đạo các phòng, khoa, tiểu đoàn đăng ký, xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học phù hợp với đối tượng, nhiệm vụ năm học ở cấp mình. Để thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên tham gia, nhà trường chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, ban hành các quy chế, quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học, quy định rõ định mức nghiên cứu khoa học đối với từng đối tượng, lấy kết quả nghiên cứu khoa học là tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua, khen thưởng và xét các danh hiệu nhà giáo. Nhờ đó, không chỉ công tác nghiên cứu khoa học của nhà trường có chuyển biến tiến bộ vững chắc, mà việc ứng dụng công nghệ vào huấn luyện, đào tạo cũng được nâng lên rõ rệt.

Thượng tá Phạm Huy Minh, Phó chủ nhiệm Chính trị nhà trường cho biết, cùng với việc tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều hành, thực hành huấn luyện, nhà trường luôn chú trọng chỉ đạo đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp kiểm tra huấn luyện. Nhờ đó, nền nếp, chất lượng huấn luyện, giáo dục-đào tạo luôn được giữ vững và nâng cao. Từ năm 2013 đến năm 2018, kết quả tốt nghiệp các khóa của nhà trường luôn có 100% học viên đạt yêu cầu, trong đó tỷ lệ khá, giỏi hơn 90%; học viên ra trường được đánh giá cao, với tỷ lệ hơn 90% hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện tại đơn vị.

Bài và ảnh: ĐOÀN VĂN NAM