QĐND Online - Sáng 27-11, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa đã trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của ĐBQH về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
 |
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: An Đăng - TTXVN. |
Theo báo cáo giải trình, đối với cấp bậc hàm cao nhất của Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh nhiều ý kiến không đồng ý với quy định Tư lệnh, Chính ủy Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh có trần quân hàm Trung tướng và đề nghị là Thiếu tướng để không mâu thuẫn với Tư lệnh, Chính ủy Bộ tư lệnh Quân khu 7 cũng có trần quân hàm là Trung tướng.
UBTVQH báo cáo như sau: Việc quy định cấp bậc hàm cao nhất của quân đội và công an ở địa phương, cấp tỉnh và cấp huyện phải bằng nhau là một chủ trương đúng của Đảng. Theo đó, Tư lệnh, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh là người chỉ huy các lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa X "về việc xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành các khu vực phòng thủ vững chắc theo tình hình mới" trong đó có lực lượng Công an nhân dân. Tại phiên họp ngày 6-11-2014 đa số ĐBQH đồng ý với đề xuất là trần quân hàm của Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh là Trung tướng, vì vậy quy định trần quân hàm Trung tướng đối với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh là phù hợp, đáp ứng yêu cầu chỉ huy khi có tình huống chiến sự, chiến tranh xảy ra.
 |
Kết quả biểu quyết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. |
Đối với mối quan hệ giữa Bộ tư lệnh Quân khu 7 và Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh được thực hiện theo Quy định tại Điều 22 Luật sĩ quan hiện hành: Trường hợp sĩ quan có chức vụ cao hơn nhưng có cấp bậc hàm bằng hoặc thấp hơn cấp bậc quân hàm của sĩ quan thuộc quyền thì sĩ quan có chức vụ cao hơn là cấp trên. Hơn nữa, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng quân sự cụ thể, việc phong thăng cấp bậc hàm đối với Tư lệnh, Chính ủy sẽ do Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đề nghị cấp có thẩm quyền phong thăng cấp bậc hàm theo điều luật. Vì vậy, UBTVQH đề nghị trần quân hàm của Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh theo cấp bậc tại Thông báo số 185 ngày 28-10-2014 của Bộ Chính trị để đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Theo đó UBTVQH xin Quốc hội cho giữ như Dự thảo luật trình Quốc hội thông qua.
Về trần quân hàm của Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban CHQS quận, huyện thuộc Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý thống nhất cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tá…
Với những nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, các ĐBQH đã biểu quyết thông qua toàn bộ nội dung dự thảo với 438 đại biểu có mặt (đạt tỷ lệ 88,13% tổng số ĐBQH), có 363 đại biểu tán thành (đạt tỷ lệ 73,04% tổng số ĐBQH); có 51 đại biểu không tán thành (tỷ lệ 10,26% tổng số ĐBQH) và có 24 đại biểu không biểu quyết (chiếm tỷ lệ 4,83% tổng số ĐBQH).
Như vậy Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
* Trung tướng Phùng Khắc Đăng-Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam (ĐBQH tỉnh Sơn La)
Luật sĩ quan QĐND Việt Nam lần này sửa đổi ít điều và những điều được sửa đổi chủ yếu liên quan đến chế độ chính sách đối với cán bộ, sĩ quan trong quân đội, trong đó tập trung chủ yếu cấp tướng là nhiều. Nhưng có bước đột phá mới của luật này là thay đổi từ trả lương theo cấp quân hàm sang trả lương theo chức vụ. Trong lịch sử thì năm 1958 chúng ta cũng đã trả lương theo chức vụ nhưng sau đó chuyển dần sang quân hàm, bây giờ lại quay trở lại cách này. Như vậy đã phá vỡ truyền thống từ trước là trả lương theo quân hàm nhưng tạo được công bằng cho các chức danh mà các sĩ quan được đảm nhiệm, như vậy cũng là tốt. Ngoài ra cũng có một số điều kiện mới để cải thiện đời sống, cơ sở vật chất cho anh em sĩ quan hoặc là những người phục vụ trong quân đội.
 |
Trung tướng Phùng Khắc Đăng trả lời phỏng vấn. Ảnh Hoàng Lan. |
Riêng về quân hàm cấp tướng thì đúng là trong quá trình thảo luận cũng có ý kiến khác nhau. Ví dụ như là số lượng tướng của quân đội và công an hơi nhiều nhưng theo quan điểm của tôi nhiều hay ít không quan trọng mà nó phụ thuộc vào yêu cầu của nhiệm vụ và yêu cầu của những chức danh cần phải có các vị trí xứng đáng để đảm nhiệm.
Một điều nữa là trong quá trình thảo luận cũng có nhiều ý kiến xung quanh cấp bậc của Tư lệnh, Chính ủy Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh tương đương với cấp hàm của Tư lệnh, Chính ủy Bộ tư lệnh Quân khu 7 mà Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh lại dưới sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân khu 7. Chỗ này cũng làm nảy sinh một vấn đề. Đó là theo như giải trình của UBTVQH thì cấp trưởng cấp trên phải hơn cấp trưởng cấp dưới 1 bậc nhưng trong giải trình do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày thì hai người bằng cấp thì ai có chức vụ cao hơn thì giữ vai trò chỉ huy, đấy cũng là một cách giải thích hợp lý.
Ở chỗ này, khi luật thông qua tôi cho rằng sẽ có một số sĩ quan của chúng ta cũng chưa đồng tình lắm nhưng theo tôi cũng dễ giải thích và có thể anh em chấp nhận được. Tức là Tư lệnh, Chính ủy Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh trần quân hàm Trung tướng có thể chấp nhận được là vì nếu như có vấn đề diễn ra trong chiến tranh, rồi quá trình diễn biến thì đây chính là người chỉ huy, thống nhất các lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố.
PHÚC THẮNG