QĐND - Để cụ thể hóa phương châm “trường kỳ kháng chiến”, việc phát triển dân quân, du kích, từng bước xây dựng bộ đội chủ lực được Bộ Tổng tham mưu tích cực thực hiện. Đến cuối năm 1947, toàn quốc đã phát triển được hơn 1 triệu dân quân, du kích và tự vệ. Phong trào xây dựng làng chiến đấu cũng được thực hiện rộng khắp trên toàn quốc. Để xây dựng được làng chiến đấu, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo Phòng Tác chiến và Phòng Dân quân nghiên cứu, phổ biến kinh nghiệm xây dựng làng chiến đấu của Bắc Ninh, Kiến An (thuộc Hải Phòng ngày nay), Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên (thuộc Thừa Thiên-Huế ngày nay)... ra các địa phương trong cả nước. Bộ Tổng tham mưu cũng phối hợp với Cục Quân giới mở các công binh xưởng, phát động phong trào chế tạo vũ khí thô sơ (đại đao, lựu đạn, cung nỏ, súng kíp, địa lôi...) trang bị cho dân quân, du kích. Sự hình thành một lực lượng lớn dân quân, du kích được trang bị vũ khí thô sơ đã làm cho chiến thuật đánh du kích phát triển và lan rộng trên toàn quốc, khiến quân địch mất ăn mất ngủ và bị tiêu hao đáng kể về sinh lực. Cũng trong thời điểm này, Bộ Tổng tham mưu đã đề nghị Bộ Tổng chỉ huy ban hành các quy định về tổ chức dân quân, tự vệ trên toàn quốc. Ở Bộ Tổng chỉ huy có Cục Dân quân, Liên khu có Phòng Dân quân, các tỉnh đội, huyện đội, xã đội cũng từ đó mà hình thành. Cơ cấu tổ chức chỉ huy của quân đội từng bước hoàn thiện là điều kiện để xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, nhằm đáp ứng yêu cầu kháng chiến toàn diện.

Để thực hiện các đòn đánh tiêu diệt quân Pháp thì đòi hỏi phải có lực lượng chủ lực chính quy, với các trang bị, chiến thuật phù hợp. Bộ Tổng tham mưu đã thực hiện chủ trương “đại đội độc lập và tiểu đoàn tập trung”. Với chủ trương này, Bộ Tổng tham mưu đã thống nhất với các khu, điều động 1/3 số đại đội chủ lực về các địa phương, lấy cấp huyện làm địa bàn hoạt động để hỗ trợ cho chiến tranh du kích. Đây cũng là lực lượng chuẩn bị chiến trường cho tiểu đoàn tập trung về tác chiến. Những thay đổi về phương pháp hoạt động đã bảo đảm cho chiến thuật đánh du kích (du kích chiến) từng bước chuyển sang chiến thuật đánh vận động bằng các tiểu đoàn tập trung (vận động chiến), thực hiện tiêu diệt từng bộ phận quân Pháp. Bằng hoạt động của các đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung, ta đã mở được một số chiến dịch như: Chiến dịch Yên Bình Xã I vào tháng 6-1948, với 3 tiểu đoàn và 2 đại đội tham gia, ta tiêu diệt 1 đại đội địch, thu 70 súng các loại; Chiến dịch Đường số 3, mở ngày 25-7, kết thúc đầu tháng 8-1948, lực lượng tham gia tương đương 3 trung đoàn, ta tiến công tiêu diệt cứ điểm Phủ Thông, loại khỏi vòng chiến đấu gần 60 tên địch, thu gần 40 súng các loại. Tiếp đó là các chiến dịch Yên Bình Xã II, Chiến dịch Đông Bắc 1 đều được mở trong năm 1948. Kết quả của các chiến dịch và sự tích lũy kinh nghiệm trong hoạt động tác chiến của các đơn vị đã đặt nền móng cho việc xây dựng các đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta.

TRẦN QUANG