QĐND - Thêm một trường dạy nghề của Quân đội ta vừa được nâng lên bậc cao đẳng. Đó là Trường Cao đẳng nghề số 19 đứng chân tại thành phố Thái Bình, một trong những trường dạy nghề có vai trò quan trọng đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cho các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và phía Bắc. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã tìm hiểu một số nét mới của nhà trường trong đào tạo nghề hiện nay.

"Điểm đến" của bộ đội xuất ngũ

Trở lại Trường Cao đẳng nghề số 19 sau hai năm, chúng tôi ngạc nhiên bởi sự thay đổi nhanh chóng. Những ngôi nhà cũ kỹ, máy móc thiết bị không mấy hiện đại đã được thay thế bằng cơ sở mới khang trang, tọa lạc trên khuôn viên rộng với hệ thống giảng đường, ký túc xá, sân vận động, phòng thí nghiệm, nhà xưởng thực hành hiện đại. Ngoài 64 tỷ đồng đầu tư nâng cấp hạ tầng, số tiền đầu tư cho hiện đại hóa trang thiết bị đào tạo từ nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác lên tới hơn 100 tỷ đồng. Thượng tá Nguyễn Trọng Chiều, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, đến nay, sau 19 năm trưởng thành và phát triển, nhà trường đã có gần 200 cán bộ, giáo viên, nhân viên với 2 phòng, 4 ban, 5 khoa giáo viên và 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên để tổ chức đào tạo 7 nghề trung cấp, 10 nghề sơ cấp. Nhà trường đã tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho gần 10.000 học viên, liên kết đào tạo với các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp cho 11.651 người, tư vấn giới thiệu việc làm cho gần 28.000 người, cung ứng 3.943 lao động cho các doanh nghiệp trong nước, xuất khẩu 380 lao động; đào tạo, cấp bằng tốt nghiệp trung cấp nghề cho 1.800 học sinh, chứng chỉ sơ cấp nghề cho hơn 19.000 học sinh…

Đặc biệt, nhà trường bắt đầu áp dụng mô hình dạy văn hóa kết hợp dạy nghề. Khi tốt nghiệp, học viên nhận hai bằng: Tốt nghiệp THPT và Trung cấp nghề. Bên cạnh đó, mỗi năm, trường còn dạy nghề ngắn hạn cho 350 đến 500 học viên là lao động nông thôn và lao động thuộc hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Từ những lớp học này, mỗi năm trường đã đào tạo nghề cho hàng nghìn học viên, quân nhân xuất ngũ, con em các gia đình chính sách và một phần nhu cầu học nghề của xã hội. Theo thống kê của Bộ CHQS tỉnh Thái Bình, có tới gần 50% bộ đội xuất ngũ trở về địa phương đã theo học nghề tại Trường Cao đẳng nghề số 19.

Học viên Khoa Cơ khí-động lực trong giờ thực hành hàn.

Hướng đi mới của nhà trường

Chúng tôi đến các lớp học viên đang học tập để tìm hiểu về công tác đào tạo của nhà trường. Chưa đầy một tuần nữa, các học viên của Lớp Hàn K13, Khoa Cơ khí-động lực trải qua kỳ thi kết thúc khóa học 18 tháng. Xưởng thực hành của khoa cũng vì thế mà hoạt động hết công suất vào dịp này. Em Hoàng Văn Sơn, quê xã Tân Hòa (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), chia sẻ: Học viên được học lý thuyết kết hợp với thực hành tại chỗ nên tiếp thu nhanh, dễ hiểu. Đặc biệt là phần thực hành, mặc dù được thầy giáo đánh giá là học viên có “tay nghề”, nhưng không vì thế mà em chủ quan, lơ là. Em xác định, tốt nghiệp là mình phải nắm vững kiến thức, làm chủ tay nghề để có thể tự tin trong môi trường làm việc sau này”.

Học viên Nguyễn Đức Trường, quê Xuân Trường, Nam Định, học viên lớp Sơ cấp cắt gọt,  Khoa Cơ khí-động lực, cho biết: Em đã có thâm niên 5 năm làm nghề tự do, công việc bấp bênh, vất vả mà thu nhập lại không ổn định. Vì vậy, khi chú ruột có ý định mở xưởng cơ khí và giới thiệu em theo học trường trung cấp nghề, em rất phấn khởi và quyết tâm học thật tốt. Vào học một thời gian, em càng thấy quyết định của mình là đúng đắn. Không về làm tại xưởng của chú, thì nhà trường tạo điều kiện cho học viên trước khi tốt nghiệp tiếp cận các cơ sở sản xuất để kiếm việc làm. Vì thế em rất yên tâm, không sợ sau khi tốt nghiệp sẽ bị thất nghiệp.

Theo Đại tá Nguyễn Trọng Tiềm, Hiệu trưởng nhà trường, bí quyết để Trường Cao đẳng nghề số 19 luôn có số lượng học viên theo học và tìm được việc làm cao là nhờ nhà trường đã không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là kỹ năng thực hành cho học viên; không ngừng nâng cao năng lực của giáo viên, đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường trang thiết bị dạy học và thực hành nghề. Mô hình học cụ thường xuyên được bổ sung, cải tiến ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu giáo dục và đào tạo cả trước mắt và lâu dài. Cùng với chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo học viên, nhà trường còn chủ động liên kết với các nhà trường, công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn nhằm giới thiệu việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp.

Để thu hút học viên, nhất là đối tượng bộ đội xuất ngũ, hằng năm, nhà trường đã chủ động phối hợp với Ban CHQS các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn triển khai sâu rộng công tác tuyển sinh, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ, các đối tượng chính sách và người lao động. Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn với tạo điều kiện để học viên của nhà trường được tiếp cận với các doanh nghiệp trên địa bàn, tìm kiếm cơ hội việc làm, ổn định cuộc sống sau khi xuất ngũ.

Bài và ảnh: KIM HÒA