QĐND Online - Sáng 1-2, trong cái lạnh buốt ngày cuối năm, chúng tôi tìm về thôn Lãng Xuyên, Gia Tân, Gia Lộc (Hải Dương) dự lễ viếng Trung úy QNCN Vũ Văn Cường, thủy thủ Tàu 51-11-82 (Lữ đoàn 649, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần). Vũ Văn Cường đã mất lúc 15 giờ 30 phút ngày 29-1, trên đường đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Bình Thuận trong một tai nạn bất khả kháng.
“Cứu tàu” - mệnh lệnh không lời
Trung úy Nguyễn Xuân Lộc, Chính trị viên Tàu 51-11-82 cùng với một số thủy thủ tàu đưa di hài Vũ Văn Cường vượt qua gần 1.500km đường bộ về quê nhà, nghẹn ngào khi kể về sự hy sinh của đồng đội.
Nguyễn Xuân Lộc cho biết: "Kết thúc đợt vận chuyển hàng cho các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển và thềm lục địa phía Nam, tàu chúng tôi quay về bờ. Lúc 14 giờ ngày 29-1, khi tàu 51-11-82 neo cạnh cảng Xăng dầu Kho Dương Đông 0,5 hải lý thì nhận được lệnh cập cảng. Lúc này sóng biển khoảng cấp 4, cấp 5 và gió mùa Đông Bắc thổi rất mạnh. Các thủy thủ được lệnh làm công tác chuẩn bị và tập trung tại mạn phải của tàu sẵn sàng cho cập mạn.
 |
Thiếu tướng Nguyễn Văn Điều, Cục trưởng Cục Vận tải (TCHC) bên linh cữu của Trung úy QNCN Vũ Văn Cường.
|
Khi tàu vào cảng, dứt khẩu lệnh của Thuyền trưởng Phạm Văn Hùng, Trung úy QNCN Vũ Văn Cường, Thủy thủ số 1 của tàu ném dây mồi lên cầu cảng. Khi người ở trên cảng đã bắt được dây buộc tàu, anh và đồng đội lao tới cua dây vào cọc bích, khóa dây bằng những động tác hết sức chuẩn xác. Gió vẫn thổi mạnh, sóng biển đẩy tàu ra xa lệch dần so với tâm cầu cảng từ 60 đến 70 độ, mặc dù lúc này tàu đầu kéo đã tăng tốc tỳ sau lái mạn trái, hỗ trợ tàu 51-11-82 cập cảng nhưng không thắng được lực của sóng gió. Truyền trưởng Phạm Văn Hùng lệnh tàu kéo ngừng đẩy (cắt ma-nơ), yêu cầu tổ dây mũi bỏ dây, trú vào nơi an toàn. Nhưng tàu vẫn cứ trườn trên mặt biển, dây mũi chống bão trượt trên lỗ mạn phải của tàu rồi đột ngột bị kẹt, căng dần như dây đàn.
Tình huống đến thật không ngờ, bởi nếu không gỡ được búi dây kia, đuôi tàu sẽ văng vào bờ, tàu sẽ mắc cạn. Còn nếu tàu tăng tốc, chắc chắn mũi tàu va vào thân cảng sẽ vỡ, hậu quả thật khôn lường. Không kịp tính toán, Vũ Văn Cường rời khỏi vị trí tránh trú, lao tới cọc bích và gỡ dây. Với động tác lanh lẹ, mạnh mẽ và dứt khoát của người có thâm niên đi biển hơn chục năm, Vũ Văn Cường đã tháo được búi dây đang kẹt chặt kia. Dây vừa gỡ ra, nhưng do sức đẩy của gió và sóng vào tàu, đầu dây bật lên và đập rất mạnh vào ngực Cường, khiến anh bật người ngã xuống boong tàu, cách cọc bích 1,5m. Lúc ấy, đồng hồ chỉ 14 giờ 30 phút.
Đôi mắt trũng sâu, thâm quầng và đỏ hoe vì nhiều đêm thức trắng cùng đồng đội, Trung úy QNCN Vũ Hồng Quân ngậm ngùi chia sẻ: Ngay sau sự việc xảy ra, y tá đã có mặt để sơ cứu. Trung tá Phạm Văn Hùng, Thuyền trưởng Tàu 51-11-82 đã lệnh đưa Vũ Văn Cường sang tàu đầu kéo rồi cập mạn, đưa lên bờ cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, Vũ Văn Cường đã hy sinh lúc 15 giờ 30 phút, trên đường đến Bệnh viện Đa khoa Bắc Bình Thuận.
Vượt lên nỗi đau của đồng đội
Đúng 9 giờ ngày 1-2, lễ viếng Trung úy QNCN Vũ Văn Cường chính thức bắt đầu. Rất nhiều cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị trong Cục Vận tải đã đến hỏi thăm, chia buồn, động viên vợ, con, người thân của Vũ Văn Cường. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Miện, Phó Chính ủy TCHC và chỉ huy của nhiều cơ quan, đơn vị trong TCHC cũng có mặt từ sớm.
 |
Nguyễn Thị Ngọc (người ngồi giữa), vợ của Trung úy QNCN Vũ Văn Cường.
|
Chị Nguyễn Thị Ngọc, vợ của đồng chí Cường nén đau thương, chia sẻ với Thiếu tướng Nguyễn Văn Điều, Cục trưởng Cục Vận tải về mong ước của chồng trước ngày đi biển: “Anh ấy... hẹn... 20 tháng Chạp này sẽ về để cả nhà ăn Tết sớm... Sau đấy anh ấy... đi... trực ở... tàu...”. Nói xong, chị òa khóc: “Trời ơi, sao anh đi vội thế”...
 |
Đồng đội ở Lữ đoàn 649 và các đơn vị trong TCHC đến viếng Trung úy QNCN Vũ Văn Cường.
|
Mặc dù rất bận rộn cho công việc tổ chức lễ viếng, song Đại tá Hà Thanh Tịnh, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 649, người có thâm niên vật lộn với sóng gió ở cửa sông, vùng biển các địa phương nhiều năm vẫn dành cho chúng tôi chút ít thời gian hiếm hoi. Đại tá Hà Thanh Tịnh cho biết, cập mạn là một công việc thường xuyên và rất khó khăn của nghề đi biển, nhất là trong điều kiện sóng to, tàu không tải, luồng chật hẹp, mật độ tàu neo trong cảng nhiều và đường cảng ngắn. Anh khẳng định, hành động quên mình cứu tàu của Vũ Văn Cường là rất đáng học tập. Đây là tai nạn đáng tiếc và bất khả kháng...
Đối với những người lính vận tải thủy, những “thủy thủ mang quân hàm đỏ”, khẩu hiệu “Tàu là nhà, biển cả là quê hương” đã rất đỗi thân quen, ăn sâu vào máu thịt và trở thành hành động từ trong tiềm thức. Đồng đội ở trên tàu rất đỗi thân thuộc, gắn bó như anh em máu mủ ruột già. Đại tá Văn Tiến Dũng, Chính ủy Lữ đoàn 649 bộc bạch: Chúng tôi sẽ lo chu toàn cho đám tang của đồng chí Vũ Văn Cường. Mặc dù đau buồn, nhưng tới đây, Đảng ủy, chỉ huy chúng tôi sẽ có biện pháp tổ chức rút kinh nghiệm chặt chẽ, để công tác an toàn trong thực hiện nhiệm vụ ngày càng hiệu quả hơn. “Chúng tôi sẽ có biện pháp tổ chức học tập tấm gương và hành động quên mình cứu tàu của Vũ Văn Cường trong toàn đơn vị”, Đại tá Văn Tiến Dũng nói.
Bài và ảnh: ĐỨC BÌNH