QĐND Online - Để có được một Việt Nam phát triển như ngày hôm nay, chúng ta không thể không kể đến những đóng góp to lớn của lớp lớp cha ông đi trước, những người đã không tiếc máu xương cho một Việt Nam độc lập để cho thế hệ ngày nay được sống trong hòa bình, chứng kiến một đất nước đổi thay từng ngày. Nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, ngày 4-10 “Triển lãm 10 trận đánh và chiến dịch lớn trong lịch sử Việt Nam” đã diễn ra tại Bảo tàng lịch sử quân sự (28A Điện Biên Phủ, Hà Nội). Đó là những trận đánh có ý nghĩa bước ngoặt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Những trận đánh thể hiện nghệ thuật quân sự tài tình của nhân dân ta, là sức mạnh của trí tuệ và sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc.
 |
Trận Bạch Đằng (938) |
* Trận Bạch Đằng (938) do Ngô Quyền lãnh đạo, đánh bại quân Nam Hán xâm lược đã kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán lần thứ 2 của dân tộc ta. Trận đánh đã đặt dấu chấm hết 1000 năm thống trị của bọn phong kiến phương Bắc, mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt Nam. Trận đánh thể hiện trí tuệ của người thủ lĩnh Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng.
 |
Trận Như Nguyệt |
* Trận Như Nguyệt (1077) là trận đánh lớn trên khúc sông Như Nguyệt do Lý Thường Kiệt lãnh đạo, đánh tan cuộc xâm lược lần thứ 2 của quân Tống.Trận đánh đã làm cho quân Tống thiệt hại lớn về vật chất , làm cho chúng mất hẳn ý chí xâm lược Đại Việt và buộc chúng phải công nhận Đại Việt là một quốc gia độc lập. Ngoài ra trận đánh còn để lại nhiều bài học lớn về nghệ thuật quân sự Việt Nam, nhất là tư tưởng chuẩn bị phòng ngự và tiến công quân địch. Thời gian này cũng đánh dấu sự ra đời của bản “Tuyên ngôn độc lập” lần thứ nhất của dân tộc ta, khẳng định độc lập chủ quyền của nước Việt ta: “Sông núi nước Nam vua Nam ở”.
 |
Trận Đông Bộ Đầu |
* Chinh phạt hơn 50 quốc gia trên thế giới chưa một lần thất bại nhưng quân Mông Cổ lại thất bại trước quân và dân nhà Trần, mà tiêu biểu là trận Đông Bộ Đầu (1258). Nhận thấy không cân đối về lực lượng giữa ta và địch, nhà Trần đã sử dụng nghệ thuật rút lui chiến lược, tấn công nhỏ lẻ và chủ động tấn công địch. Vì thế mà từ thế yếu, quân ta đã đánh thắng quân Nguyên Mông, khẳng định rằng một quốc gia nhỏ anh dũng và thông minh biết đoàn kết thì hoàn toàn có khả năng đánh thắng một quốc gia lớn mạnh.
 |
Trận Bạch Đằng (1288) |
* Năm 1288, quân Nguyên Mông sau 2 lần thất bại, một lần nữa xâm lược nước ta với đội quân đông và tinh nhuệ. Trong trận đánh này, thượng lưu sông Bạch Đằng đã được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chọn làm địa điểm quyết chiến giữa ta và địch. Nhờ vào địa thế hiểm trở với sông sâu và rộng, có núi ven bờ lại thêm có nhiều nhánh sông thủy triều lên xuống mạnh, Trần Quốc Tuấn và Bộ tham mưu đã bố trí một trận địa mai phục. Để tăng tính lợi hại, Trần Quốc Tuấn đã kế thừa truyền thống của Ngô Quyền là đóng cọc trên sông. Cuộc tấn công lớn này đã đánh tan âm mưu xâm lược của quân Nguyên Mông, đi vào lịch sử như một huyền thoại.
 |
Trận Chi Lăng – Xương Giang |
* Trận Chi Lăng – Xương Giang diễn ra từ ngày 8 tháng 10 đến ngày 3 tháng 11 năm 1427 là trận quyết định trong cuộc kháng chiến chống lại quân Minh xâm lược của nghĩa quân. Trận đánh đã tiêu diệt hàng nghìn quân giặc, buộc chúng phải rút lui khỏi nước ta. Đây là trận đánh thể hiện tài thao lược kiệt xuất của Lê Lợi, Nguyễn Trãi và nghệ thuật quân sự điêu luyện của ông cha ta thế kỷ XV. Đã dùng nhân nghĩa để cảm hóa quân giặc, làm cho chúng từ bỏ ý định xâm lược nước ta một lần nữa. Trận Chi Lăng – Xương Giang kết thúc cũng đánh dấu sự ra đời của bản “Tuyên ngôn độc lập” thứ 2 của nước ta - Bình Ngô Đại Cáo, do Nguyễn Trãi viết.
 |
Trận Rạch Gầm – Xoài Mút |
* Trận Rạch Gầm – Xoài Mút (1785) của quân Tây Sơn do "Tây Sơn tam kiệt" (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ) chỉ huy trên khúc sông Rạch Gầm-Xoài Mút quét sạch quân xâm lược nhà Xiêm là trận đánh oanh liệt và lừng lẫy trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của quân, dân ta. Lợi dụng địa hình địa thế, quân Tây Sơn đã nhanh chóng tiêu diệt hàng vạn thủy binh và phá tan 300 chiến thuyền của giặc.
 |
Trận Ngọc Hồi – Đống Đa |
* Trận Ngọc Hồi – Đống Đa (1789) cũng là một trong số những trận đánh oanh liệt của quân Tây Sơn. Trận đánh đánh tan hàng vạn quân Mãn Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy, đánh dấu chấm hết cho sự tồn tại của nhà Hậu Lê. Đây là chiến công hiển hách thể hiện tinh thần chiến đấu anh dũng tuyệt vời của quân Tây Sơn và cũng một lần nữa thể hiện nghệ thuật quân sự tài tình của Quang Trung – Nguyễn Huệ.
 |
Trận Điện Biên Phủ |
* Trận Điện Biên Phủ (năm 1954) đỉnh cao trong chiến dịch Đông Xuân (1953-1954) của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược. Thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ góp phần đánh bại kế hoạch Nava, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh ngoại giao tại hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xóa bỏ chế độ thực dân cũ. Đây là trận đánh xuất sắc, một đỉnh cao chói lọi của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
 |
Trận “Điện Biên Phủ trên không” |
* Trận “Điện Biên Phủ trên không” (1972), được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là “Trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội”, là một chiến dịch phòng không đánh trả cuộc tập kích đường không của Mỹ, hòng đánh phá hủy diệt các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, quân sự, khu dân cư ở Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác. Thắng lợi của trận “Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi của tư tưởng chiến lược tiến công, tính tích cực chủ động, mưu trí sáng tạo của quân và dân ta, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
 |
Chiến dịch Hồ Chí Minh |
* Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975) là thắng lợi vĩ đại trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, kết thúc 21 năm chiến đấu lâu dài và gian khổ chống xâm lược. Nó đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam- kỷ nguyên độc lập dân tộc. Dân tộc Việt Nam từ đây bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Triển lãm là một hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ, nhất là các thế hệ trẻ, đồng thời thể hiện niềm tự hào về một dân tộc anh hùng với một Thủ đô anh hùng 1000 năm tuổi.
Trần Hoài – Vũ Linh