QĐND - Chiến dịch Biên giới tháng 10-1950 là chiến dịch đầu tiên sau gần 4 năm kháng chiến, là chiến dịch có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Với tầm quan trọng đó, Bác Hồ đi chiến dịch.
Địa bàn hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn chủ yếu là rừng núi. Quân Pháp lập nhiều căn cứ quân sự, đồn, bốt phòng thủ khá vững chắc. Vì vậy, chọn mục tiêu để nổ súng tấn công đầu tiên cần được suy tính kỹ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên mặt trận, nghe báo cáo của cơ quan tham mưu-tác chiến về tình hình chung, công tác chuẩn bị và địa điểm nổ súng tấn công là Cao Bằng, tuy vẫn còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan tham mưu - tác chiến và các đồng chí trung đoàn trưởng đơn vị trực tiếp chiến đấu.
 |
Tù binh Pháp bị bắt trong Chiến dịch Biên giới. Ảnh tư liệu. |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi trinh sát thực địa, nơi sẽ nổ súng tấn công đầu tiên. Trở về, Đại tướng triệu tập toàn bộ cán bộ cơ quan tham mưu, tác chiến và ban chỉ huy các trung đoàn trực tiếp tham gia chiến đấu. Đại tướng nêu câu hỏi: Ngoài Cao Bằng, còn nơi nào nữa không? Tại sao lại chọn Cao Bằng? Sau một phút yên lặng, Đại tướng nói: Chiến dịch này là Chiến dịch Biên giới. Mục tiêu là giải phóng toàn bộ các nơi bị chiếm đóng trên biên giới, trong đó có hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Cao Bằng là tỉnh biên giới không có cửa khẩu. Giải phóng Cao Bằng sau lại đánh tiếp Lạng Sơn? Thế có khác gì ta thông báo cho địch biết, để chúng chuẩn bị đối phó. Đại tướng quyết định đánh Đông Khê, Thất Khê và nói: "Đánh Đông Khê, Thất Khê là đánh một nơi, nơi đó bị tiêu diệt thì hai nơi khác không đánh cũng thắng. Mất Đông Khê, Thất Khê thì tại Cao Bằng và Lạng Sơn địch đều phải bỏ chạy vì không còn đường tiếp tế". Đúng như nhận định của Đại tướng. Sau khi Đông Khê, Thất Khê thất thủ, quân Pháp chiếm đóng ở hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn đều bỏ doanh trại, đồn, bốt rút chạy.
Nhận định tình hình đúng và chính xác, biết trước, nên sau khi đánh chiếm được Đông Khê, Thất Khê, ta chỉ để lại một lực lượng đủ để bảo vệ, còn toàn bộ tổ chức đi đón đánh quân địch tiếp viện và rút chạy. Kết quả, ta tiêu diệt và bắt sống hai tiểu đoàn lính lê dương do hai Đại úy tiểu đoàn trưởng tên là Sác-tông và Lơ-pa-dơ chỉ huy. Nếu nói về số tù binh bị bắt sống thì Chiến dịch Biên giới chỉ đứng thứ hai sau Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nguyễn Văn Mai