QĐND Online - Dự lễ cầu siêu anh linh anh hùng liệt sĩ quận Thanh Khê (Đà Nẵng) đầu xuân Canh Dần, tôi được những người trong cuộc cùng các nhân chứng kể lại trận đánh của 7 dũng sĩ Thanh Khê ngày 26-12-1968.

Theo dòng hồi ức của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Tám, dũng sĩ Trần Văn Chi, bà Huỳnh Thị Trang, ông Huỳnh Văn Bé, bà Hồ  Thị Liêm… trận đánh ngày 26-12-1968 đã được tái hiện sinh động. Đặc biệt, các nhân chứng đã kể lại tấm gương chiến đấu dũng cảm của liệt sĩ Nguyễn Văn Huề, hay còn gọi là Nguyễn Văn Huệ, không như một số bài báo, cuốn sách đã cho rằng anh hi sinh tại chỗ.

Chiến công “châu chấu đá voi”

Tối 23-12-1968, lực lượng biệt động quận Nhì (Đà Nẵng) tổ chức tập kích đồn bảo an Phú Lộc. Trận đánh đã gây hoang mang cho địch, không những ở vùng ven mà ngay trong thành phố chúng cũng bị đánh. Lúc này, Đội biệt động quận Nhì được chia làm hai tổ. Một bố trí tại nhà mẹ Nhu gồm bốn người là Lữ Hùng, Trần Đình Trung, Nguyễn Thị Tám và Nguyễn Văn Huề. Tổ còn lại gồm có Nguyễn Thanh Phương, Ngô Văn Mười, Nguyễn Đình Năm và Trần Văn Chi, trú trong kho chứa muối nhà mẹ Hiền. Chuẩn bị cho nhiệm vụ trong thời gian tới, tối 25-12, Lữ Hùng, Quận đội phó, là chỉ huy cao nhất, tổ chức họp tổ bên nhà mẹ Nhu. Lữ Hùng tuyên bố: “Phát huy trận đánh ở Phú Lộc, tuy ta không thu được vũ khí nhưng gây được tiếng nổ trong thành phố”. Khoảng nửa đêm, Lữ Hùng thông báo sang tổ bên nhà mẹ Hiền để nắm tình hình. Như thường lệ, Tám là người địa phương nên được phân công dẫn Lữ Hùng đi. Nhưng hôm ấy, anh ta nói: “Hôm nay, tôi biết đường rồi. Tôi tự đi”. Nghĩ đó là điều bình thường nên chị cũng không quan tâm. Mọi người không ngờ Lữ Hùng đã đi thẳng lên đồn cảnh sát Thanh Khê chiêu hồi. Ông Huỳnh Văn Bé, nguyên là cơ sở của ta cài vào hàng ngũ địch, nhớ lại: “Tôi nghe thông tin có một tên Việt Cộng cỡ bự chiêu hồi, nhưng tôi đã bị chúng nghi ngờ nên không cho tham gia trận đánh”. Cũng theo ông Bé, lúc 3 giờ sáng ngày 26-12, địch cử 200 tên cảnh sát dã chiến bí mật bao vây xóm Thanh Hòa (làng Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng).

Bà Nguyễn Thị Tám kể cho cháu nghe chuyện đánh giặc. 

Dù đã hơn bốn thập kỷ trôi qua nhưng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Tám vẫn nguyên vẻ sửng sốt trong buổi sáng hôm ấy. Vì hầm bí  mật nhà mẹ Nhu đến con trai cả cũng không biết được. Mẹ vẫn bị bà con cho là khó tính, khó gần. Thời gian Tám hoạt động hợp pháp, đóng vai người đi ở cho nhà ông Bốn, thường xuyên nằm sát nách vẫn không hề biết nhà mẹ Nhu nuôi cộng sản. Vẫn như mọi buổi sáng, các anh mở đài nghe tin tức, tình hình chiến sự, quây quần trò chuyện, chưa vội xuống hầm. Anh Long, con trai mẹ Nhu, đến giờ đi làm, định bước ra sân, chợt phát hiện lính vây, liền bảo: “Các đồng chí xuống hầm. Bây giờ có địch đi ráp rồi”. Ba anh em vội vàng tụt xuống hầm. Sau khi ngụy trang cẩn thận, anh Long bình thản đi ra. Tụi cảnh sát dã chiến đã ập vào sân. Tên chỉ huy hỏi: “Mày có phải là Phạm Phú Long không?”. Anh đáp: “Phải”. Hắn hỏi tiếp: “Hầm bí mật đâu? Chỉ ra!”. Anh trả lời: “Nhà tôi không có hầm”.

Ngồi dưới hầm Tám nghe chúng dùng báng súng đánh anh Long như giã gạo. Mẹ Nhu từ trong nhà bước ra, hỏi: “Con tui có tội tình chi mà ông đánh?”. Tên chỉ huy gầm lên: “À! Con già ni cứng đầu. Đưa thằng ni đi”. Chúng giải Phạm Phú Long đi, tiếp tục đánh mẹ Nhu. Tiếng báng súng của địch nện xuống thân thể gầy yếu của mẹ làm các chiến sĩ biệt động xót xa và căm thù đến tột cùng. Mỗi khi mẹ ngã xuống, chúng lại kéo lên, đánh tiếp. Đón trước tình thế, các anh chị đã sẵn sàng chiến đấu. Phía trên, tiếng mẹ Nhu đứt quãng: “Tui ở giữa thành phố này mà nuôi cộng sản thì các ông là đồ ăn hại”. Tên chỉ huy điên tiết: “Con già này nuôi Cộng sản còn cứng đầu. Bắn!”. Sau tiếng súng nổ, không còn tiếng đánh đập, Tám cũng như các anh biết mẹ đã hi sinh.

 Địch sục sạo xăm hầm. Đất cát sạt ra từng mảng. Lúc ấy, ngay sau khi mẹ Nhu hi sinh, ba người đã lấy tấm ảnh Bác Hồ được giấu kỹ trong hầm ra, hứa với Bác sẽ chiến đấu đến cùng để trả thù cho mẹ và nhân dân. Anh Huề phân công: “Huề sử dụng súng AK và lựu đạn. Trung cũng vậy. Còn Tám dùng súng K54 và cầm theo bao đạn AK phục vụ chiến đấu cùng một quả lựu đạn để tự hủy khi bị địch bắt”. Ban đầu, Tám ngồi cạnh miệng hầm, nhưng anh Huề bảo: “Tám vô trong để anh ra cửa hầm”. Địch xăm đúng lỗ thông hơi. Một tên lính reo to: “Lỗ thông hơi đây rồi”. Anh Huề đã rút sẵn chốt lựu đạn. Khi bọn khui hầm vừa giật nắp, định nhào vô bắt sống, Huề tung luôn hai quả M26. Không cho địch kịp phản xạ, anh nhảy lên xả súng vào những tên sống sót. Trung nhảy lên và tiếp tục bắn. Tám nhanh chóng xách bao đạn AK di chuyển theo. Địch vẫn quyết tâm bắt sống, ném lựu đạn cay vào. Tám cùng các anh bình tĩnh lấy khăn ướt đắp lên mặt. Trong khi đó, địch tiếp tục điều động bổ sung 200 lính nghĩa quân quận Nhì bao vây khu vực Thanh Khê. Anh Trung bảo: “Tám ra lấy khẩu AR15 của địch để chiến đấu”. Nhặt khẩu súng của tên địch vừa bỏ mạng, Tám tiện tay cầm luôn 4 quả lựu đạn. Họ che khăn ướt và nhanh chóng di chuyển qua nhà ông Tư. Trên đầu, máy bay địch gọi hàng. Chúng gọi đúng tên các chiến sĩ biệt  động Tám, Huề, Trung, Năm… “Các bạn không còn đường nào thoát hết. Chúng tôi đã bao vây chặt. Nhân dân tản cư ra khỏi vùng”. Các anh bắn trả lời. Chúng vội cút thẳng. Phần lớn nhân dân trong khu vực chiến sự đã sơ tán, chỉ những người già không chạy nổi và một số cơ sở nội tuyến ở lại nắm tình hình.

Tổ của Tám di chuyển sang nhà bà Sim. Ta vừa cơ động, vừa bắn. Địch dù đông nhưng cũng không dám vào sâu. Địa hình khu vực nhà mẹ Nhu thấp. Chúng từ trên cao chĩa súng bắn xuống. Lâu lâu, địch lại cử một tốp xông vào đều bị ta đánh bật. Sau khi đẩy lùi hai đến ba đợt tấn công, anh Huề phát hiện một tên ác ôn mặc áo dài, khăn đóng, mang khẩu cạc bin đi vào. Mấy anh bắn luôn. Tám liền vứt khẩu AR15 đã hết đạn nhặt lấy khẩu súng của nó. Họ tiếp tục cơ động đến nhà tên trung sĩ Hai. Tên này thực chất không có chức vụ gì nhưng nhiễm cái thói huênh hoang khoác lác “chống Cộng đến cùng”. Vừa ập vào nhà, Tám hỏi luôn: “Trung sĩ Hai đâu? Mày đừng có huênh hoang, khoác lác với dân! Gặp người khác là chết rồi”. Vợ con hắn nấp dưới nhà sợ sệt, bảo nó chưa về, xin chị tha cho. Ba người vừa bắn, vừa tiến vào nhà bà Khánh Điếc, nơi chôn giấu vũ khí. Nhưng lúc họ đến nơi thì địch đã khui hầm mang đi tất cả. Bà Tám nhớ lại: “Không lấy được vũ khí, chúng tôi tiếp tục di chuyển sang nhà bên cạnh thì gặp lính Mỹ. Mình bắn, chúng ré lên như bò rống”. Người nữ chiến sĩ biệt động năm xưa trầm ngâm: “Chúng tôi xác định mình cũng hi sinh thôi, vì địch vây đông quá”. Lính Mỹ từ bên trong các căn nhà, nhìn thấy là nổ súng chứ không phải dàn trận chiến đấu. Quần nhau với ta được vài ba trận, chúng rút ra biển.

Nghe tiếng súng nổ, tổ bên nhà mẹ Hiền biết đã bị lộ liền thúc giục gia đình tản cư để ra “chia lửa”. Tuy nhiên, bọn cảnh sát dã chiến đã bao vây dày đặc. Địch bắt hai mẹ con mẹ Hiền, chị Vinh giải về đồn. Chúng vẫn chưa biết hầm bí mật nên chỉ bao vây, gọi hàng và lò dò tiến. Ông Trần Văn Chi chưa quên cảm giác ẩm ướt, ngứa ngáy khi ở trong hầm bí mật nhà mẹ Hiền: “Lúc đó, chúng tôi ở trong kho muối tường được xây cao, xung quanh chất muối với chiều ngang khoảng 2 mét, chiều dọc 1,5 mét, có chừa lỗ thông hơi”. Với cách bố trí như vậy vừa bảo vệ được cho ta, đạn địch bắn vô gặp muối sẽ không nổ. Ta bí mật quan sát, đạn đã lên nòng. Không khí trong hầm căng thẳng đến nghẹt thở. Địch cách công sự chừng 20 mét, bốn cặp mắt bất chợt nhìn nhau, tức thì tiếng súng AK cùng rộ lên. Mấy tên hung hăng đi đầu gục xuống. Số còn lại không dám xông lên mà đứng từ xa bắn vào. Địch tăng cường lực lượng. Nhưng các đợt tiến công của chúng nhanh chóng bị những đường đạn AK căng, chính xác đánh bật ra. Cứ như vậy, bốn dũng sĩ Nguyễn Thanh Phương, Ngô Văn Mười, Trần Văn Chi và Nguyễn Đình Năm đã kiên cường bám trụ từ 7 giờ đến khoảng khoảng 17 giờ ngày 26-12. Quyết tâm không để các chiến sĩ biệt động thoát, địch bắt bà con mang theo quang gánh đến cạnh nhà mẹ Hiền để dỡ kho muối và làm bia đỡ đạn. Lợi dụng tình thế, các anh bí mật trà trộn với nhân dân, luồn ra ngoài. Phát hiện để sổng mất con mồi, bọn lính xả súng bắn đuổi theo. Bốn anh em vừa đánh vừa rút lên hướng Phú Lộc.

Ông Huỳnh Văn Bé, lúc đó là lính nghĩa quân quận Nhì cho biết, khoảng 8 giờ, địch tiếp tục tăng cường tiểu đoàn 3, thuộc trung đoàn 51 ngụy và một trung đội lính Mỹ. Ồng bảo: “Lúc đó, chúng quản tôi chặt quá nên không thể nào tìm cách thông báo cho cơ sở biết”. Cùng thời điểm này, nghe tiếng súng AK, Nguyễn Thị Tám biết tổ anh Chi đã nổ súng chi viện. Nhưng để hai mũi phối hợp chiến đấu thì ta phải đi vòng ra hướng biển mới có thể lên nhà mẹ Hiền. Song lúc này địch đã đóng dày đặc trên bờ biển nên hai tổ bị cắt đứt liên lạc hoàn toàn.

Bà Huỳnh Thị Trang bên mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Huệ, tức Huề. 

Khoảng hơn 10 giờ sáng, tổ của Tám di chuyển gần đến bờ biển, Nguyễn Văn Huề bị thương ở bụng, ruột xổ ra ngoài. Vai mang túi đạn, tay cầm súng, Tám dìu Huề để Trung chiến đấu. Biết khó qua khỏi, Huề trao khẩu AK cho Tám: “Thôi đập cây cạc bin đi, dùng AK bắn cho nó uy hiếp hơn. Đưa lại cho tôi hai quả lựu đạn nữa”. Nghe lời anh, Tám đập vỡ báng khẩu cạc bin. Kể đến đây, người nữ anh hùng năm xưa rơm rớm nước mắt. Chị thương anh Huề khôn xiết. Trong lúc chiến đấu, ta không có bông băng, thuốc men nên anh ấy mất máu nhiều. Đi thêm một quãng, anh Huề nói đứt đoạn: “Anh mệt quá rồi không đi được nữa, để anh nằm lại đây chiến đấu đến phút cuối cùng. Còn các đồng chí di chuyển và chiến đấu tiếp”. Tám đành để người anh, người đồng chí thân thiết nằm trên con hẻm cạnh nhà bà Sát Thường. Địch theo dấu máu lần theo. Tám và Trung di chuyển sang nhà bên, bí mật theo dõi. Thấy một cụ già đi đến, anh Huề vẫy tay, bảo: “Ra nói với bọn địch là tui đã chết rồi”. Ông cụ đi một lúc thì bọn lính ập vào. Không để chúng kịp phản ứng, anh rướn người tung hai quả lựu đạn lên. Biết anh Huề đã hi sinh, lợi dụng tình thế, hai người nổ súng vào mấy tên sống sót và di chuyển.

Vượt vòng vây ngoạn mục

Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Tám bồi hồi vuốt mái tóc dài, đen óng ả, tiếp tục đưa chúng tôi về miền kí ức. Khoảng 12 giờ trưa hôm ấy, Tám leo lên gác căn nhà bỏ trống, nhìn ra thấy địch vây đen đặc. Ngoài biển, không biết cơ man nào là lính Mỹ. Hướng đường Trần Cao Vân, lính ngụy đi như mắc cửi. Chị bàn với anh Trung di chuyển xuống Xuân Hà. Chị biết ở đây có hầm bí mật nhà mẹ Nhất và nhà bà Xã Xoài, tên thật là Hai Hạt. Nhân lúc địch chưa vào, người con gái tuổi đôi mươi chợt nhớ đến mái tóc dài khi nhảy rào thường vướng vào dây thép, bụng thầm bảo phải cắt đi cho gọn. Chị nghiêng đầu, kê mái tóc lên ghế để anh Trung dùng dao thái rau lợn chặt. Nhìn mớ tóc đen óng trong tay, Trần Đình Trung tiếc nuối bỏ vào hộp tiếp đạn AK, dắt lên mái nhà hẹn ước: “Sau về tìm lại”. Xong việc, họ tiếp tục di chuyển. Không ngờ khi họ đến nơi thì địch đã khui hầm, bắt hết những người trong gia đình.

Ngồi tại nhà bà Xã Xoài, nhìn ra đường Trần Cao Vân thấy lính đi đầy đường, Tám bảo Trung: “Thôi cứ ở đây mà đánh nhau đến hơi thở cuối cùng”. Bụng đói, tìm trong nhà còn sót một củ sắn dây, hai anh em bẻ đôi, ăn cầm hơi. Khoảng 4 giờ chiều, lính đi lại có vẻ bớt hung hăng. Tám nghĩ mình phải vượt qua đường Trần Cao Vân, lên phía Hòa Minh. Trên đó, chị biết có cơ sở của mình. Hai người nghĩ cách vượt đường. Do ở hầm nhiều nên da Trung rất trắng, phải lấy đất xoa lên. Nhìn bọn lính đi lại, Tám bẻ cây que nhỏ thành khúc để tính thời gian. Chị nhẩm đếm mấy khúc thì chúng gặp nhau, từ đó tính kẻ hở, khi chúng quay lưng là thời điểm để băng qua đường Trần Cao Vân. Tám dắt Trung đến cái bàu Xuân Hà. Họ ngâm mình dưới nước, đội bèo lên đầu, đi dưới bàu, bám sát đường ray xe lửa mà đi, chỗ nào gặp địch tuần tra thì tụt xuống. Tám xác định qua ngã ba Huế, đến nhà cơ sở là sống. Gia đình cơ sở đầu tiên họ đến là nhà chị Hồng, sau đó hai người được dẫn đến nhà anh Quế. Tại đây Tám, Trung được gặp anh Năm Dừa, người Bí thư quận ủy đã xây dựng, dìu dắt lực lượng biệt động quận Nhì. Tám ôm anh Năm nghẹn ngào, không nuốt nổi miếng bánh mì. Mấy anh trên căn cứ xuống giải vây cũng mừng mừng, tủi tủi. Sáng hôm sau, thay đổi quần áo, mọi người đi hợp pháp xuống Xuân Thiều.

Biết tôi băn khoăn về thi thể liệt sĩ Nguyễn Văn Huề, bà Huỳnh Thị Trang, còn gọi là Tám Trang, bà Hồ Thị Liêm là những cơ sở nội tuyến trực tiếp bám trụ cho biết: Khoảng 4 giờ chiều hôm ấy, địch dùng máy bay bốc những tên lính bị thương và tử trận. Còn anh Huề, chúng cho phép bà con chôn cất ngay tại Thanh Khê. Bây giờ, dũng sĩ Nguyễn Văn Huề, hoặc Nguyễn Văn Huệ, đang yên nghỉ trong khuôn viên chùa Thanh Khê. Hàng tháng, cứ đến rằm, mùng một và các ngày lễ, bà Tám Trang lại ra thắp hương, thì thầm bên mộ: “Chị đến với em đây”.

Tổ bên nhà mẹ Hiền sau khi thoát ra ngoài, rút lên Hòa Minh. Đến gần bàu Phú Lộc, Phương và Mười là người địa phương nên bảo hai anh Chi và Năm đứng chờ để vô nhà anh rể lấy quần áo lính ra mặc. Nhưng không ngờ gặp lính đi tuần nên anh Chi và anh Năm bị lạc. Không tìm được đồng đội, Phương và Mười đành mặc đồ lính, đi hợp pháp về căn cứ. Hai đồng chí Trần Văn Chi và Nguyễn Đình Năm núp dưới bàu gần một tuần lễ, khi đói phải móc khoai của dân. Nhưng mỗi ngày các anh chỉ dám lấy một củ nhỏ vì sợ khoai chết, dân phát hiện sẽ bị lộ. Đến ngày thứ 7 thì họ rơi vào trạng thái lúc tỉnh, lúc mê, nghĩ mình chết rồi nên không biết đã bò lên bờ. Trẻ chăn trâu phát hiện, báo cho lính ngụy đem về Non Nước cứu chữa. Khi đã bình phục, địch hỏi có phải cộng sản không, các anh trả lời: “Tui không biết. Chúng nó bắt tui bỏ xuống đây”. Sau đó, Trần Văn Chi ở tù một thời gian rồi nhận lời đi lính cho chúng. Mấy tháng sau, anh trốn lên căn cứ. Nguyễn Đình Năm tiếp tục ở tù đến khi trao trả.

…Và những trăn trở

Trận chiến đấu của các dũng sĩ Thanh Khê đã tạc vào lịch sử đấu tranh cách mạng Đà Nẵng một mốc son chói lọi về lòng dũng cảm. Tuy nhiên, theo các nhân chứng, một số sách, báo đã đổi họ của đồng chí Trần Văn Chi thành họ Nguyễn, thậm chí còn cho rằng liệt sĩ Huề hi sinh tại chỗ, một số tình tiết trận đánh thiếu chính xác… Biết tôi bức xúc về sự nhầm lẫn này, ông Trần Văn Chi bảo: “Thôi chuyện qua rồi”. Bà Tám cho biết, trong bảy dũng sĩ ngày ấy hiện nay còn sống ba người. Ngoài bà và ông Chi còn có ông Nguyễn Đình Năm. Về diễn biến trận đánh và các tình tiết liên quan đã có các cơ quan chức năng thẩm định sự đúng sai. Tuy nhiên, mong sao những người chấp bút không nên để những nhầm lẫn không đáng có xẩy ra.

Bài, ảnh: NGUYỄN SỸ LONG