QĐND - Thực hiện chủ trương tác chiến chiến lược năm 1972 của Đảng, quân và dân ta tổ chức tổng tấn công trên ba chiến trường chính: Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên và Đông Nam Bộ (Bình Long), trong đó hướng chủ yếu là Quảng Trị. Ngày 30-3-1972, hai Sư đoàn 304 và 308 với sự hỗ trợ của các trung đoàn xe tăng và pháo binh tổ chức tiến công các khu vực phòng thủ của quân đội Sài Gòn tại Quảng Trị. Ngày 28-4-1972, ta chiếm được Đông Hà và ngày 2-5-1972, thị xã Quảng Trị được giải phóng. Thắng lợi của Chiến dịch Quảng Trị năm 1972 đã làm thay đổi cơ bản cục diện chiến trường, đẩy Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đến bờ vực phá sản, tạo đà và thế cho việc giải phóng hoàn toàn miền Nam.
 |
Nhân dân Quảng Trị không quản nguy hiểm, ngày đêm đưa bộ đội vào Thành cổ Quảng Trị chiến đấu, năm 1972.
|
Sau khi ta giải phóng Quảng Trị, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn quyết tâm mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị, nhằm tạo thanh thế tại Hội nghị Pa-ri với ta và dư luận quốc tế. Địch đặt mục tiêu phải chiếm lại được Thành cổ Quảng Trị trong vòng hai tuần, hoàn thành trước ngày 13-7-1972, nên đã huy động lực lượng lớn với sự tham gia của không quân chiến lược và hải quân Mỹ. Ngoài máy bay ném bom chiến lược B-52, Mỹ còn huy động các loại máy bay phản lực ném bom, phóng tên lửa, rốc-két; sử dụng pháo hạm của Hạm đội 7 và các loại pháo hạng nặng 175mm, 155mm, 105mm... đánh phá vào Thành cổ Quảng Trị.
Từ ngày 28-6-1972, cuộc chiến đấu phòng thủ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị của quân và dân ta bắt đầu. Địch sử dụng trung bình mỗi ngày từ 150-170 lần chiếc máy bay phản lực và từ 70-90 lần chiếc máy bay B-52 ném bom; bắn hàng trăm nghìn quả đạn pháo hạng nặng để hủy diệt thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Lực lượng phòng thủ trong thị xã, Thành cổ Quảng Trị của ta có Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320B), Trung đoàn 27 (Sư đoàn 320B), Trung đoàn 95 (Sư đoàn 325), Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 64, Sư đoàn 320) và các đơn vị bộ đội địa phương Quảng Trị. Tham gia chi viện tác chiến phòng thủ Thành cổ Quảng Trị còn có các đơn vị của Sư đoàn 325 và Sư đoàn 312.
Trong 81 ngày đêm, kể từ ngày 28-6-1972 đến 16-9-1972, địch ném xuống thị xã và Thành cổ Quảng Trị hơn 328.000 tấn bom, đạn; huy động hàng chục vạn quân đánh chiếm lại Quảng Trị. Trận chiến đấu bảo vệ thị xã và Thành cổ Quảng Trị diễn ra vô cùng ác liệt; ta và địch giành nhau từng căn nhà, góc phố, từng mảng tường Thành cổ. Quân và dân ta đã kiên cường, trụ vững, đánh trả nhiều đợt tiến công của địch, hoàn thành nhiệm vụ chiến lược ở Quảng Trị, góp phần vào thắng lợi trên cục diện chiến trường miền Nam và mặt trận ngoại giao tại Hội nghị Pa-ri.
NHẬT QUANG
(Theo Đề cương tuyên truyền LLVT tỉnh Quảng Trị)