Càn quét hòng tìm dệt quân chủ lực của ta, phá vỡ các cơ sở cách mạng là một thủ đoạn quen thuộc của quân đội thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, quân và dân ta đã phải chống lại hàng nghìn cuộc càn quét với tất cả các quy mô của địch. Mỗi một cuộc chống càn có những đặc điểm khác nhau, thu được những kết quả khác nhau, nhưng có một điểm chung đó là tất cả các cuộc chống càn đều để lại cho chúng ta những bài học quý về tác chiến, chỉ huy, vận dụng sáng tạo, linh hoạt cách đánh trên cơ sở thay đổi của thực tiễn chiến trường. Trận chống càn ở Thanh Lâm Bồ (Thừa Thiên-Huế) do Trung đoàn 101 tiến hành ngày 26-7-1951 là một trong những trận đánh hay, thu được thắng lợi lớn trong điều kiện ta và địch có chênh lệch lớn về lực lượng. Trận chống càn Thanh Lâm Bồ khi nghiên cứu kỹ ta có thế thấy, nó gần giống với trận Bối Thuỷ của Hàn Tín, một danh tướng nhà Hán đại phá quân Triệu, bắt sống vua Triệu vào năm 204 trước Công nguyên.
Tháng 7-1951, khi “ngửi” thấy quân chủ lực của ta đang về đứng chân ở địa bàn huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên (lúc bấy giờ), quân Pháp liền điều động lực lượng quyết định mở cuộc càn quét vào phía nam Thừa Thiên, hòng bao vây tiêu diệt Trung đoàn 101 là quân chủ lực của ta. Để thực hiện âm mưu này, địch đã sử dụng 4 tiểu đoàn, trong đó có 3 tiểu đoàn hành quân bằng ô tô từ hướng Phú Bài xuống, một tiểu đoàn hành quân bằng xuồng máy, ca nô từ cửa Tư Hiền lên. Nhìn vào kế hoạch tác chiến của địch có thể thấy rõ âm mưu của chúng là muốn tạo hai gọng kìm, khép chặt Trung đoàn 101 vào giữa, sau đó đánh hất trung đoàn ra biển. Bởi Trung đoàn 101 lúc này đang đứng chân ở địa bàn Lương Viên, thuộc địa phận Cồn Ngôi, phía tây là Phá Tam Giang, phía đông là biển. Nếu theo đúng tính toán của quân Pháp thì với khả năng di chuyển nhanh, tập kích mạnh, chắc chắn quân Pháp sẽ làm chủ chiến trường và có thể tiêu diệt được Trung đoàn 101. Nhưng thực tế đã không diễn ra theo ý muốn của quân Pháp.
Chiều ngày 25-7, nghĩa là trước một đêm quân Pháp mở cuộc càn, người dân khu vực Lương Viên bỗng nhận được chỉ thị phải tập trung thuyền bè gấp. Chỉ sau một giờ, hàng trăm chiếc thuyền, bè đã tập trung đông đủ ở vị trí quy định. Cũng đúng lúc đó, nhân dân mới biết họ phải đưa bộ đội vượt Phá Tam Giang sang bờ tây để đi đánh giặc. Nhiệm vụ nhanh chóng được thực hiện. Chỉ ít giờ sau, toàn bộ đội hình của trung đoàn đã có mặt ở bờ tây Phá Tam Giang và nhanh chóng cơ động về Thanh Lâm Bồ chuẩn bị trận địa. Thế trận nhanh chóng được triển khai để đợi địch. Quân Pháp lúc này vẫn đinh ninh là Trung đoàn 101 vẫn đang đứng chân tại Lương Viên. Mờ sáng ngày 26-7-1951, cuộc càn của quân Pháp bắt đầu. Tiếng súng địch bắt đầu rộ lên từ phía Hoà Đa Tây, cách trận địa của trung đoàn khoảng 4 km. 3 tiểu đoàn của địch hình thành ba mũi, theo hướng đông nam tiến xuống Thanh Lâm Bồ, trong đó có một tiểu đoàn tiến dọc theo bờ Phá Tam Giang, định giăng thành một tấm lưới đánh bọc sau các đơn vị tiền tiêu của trung đoàn. Cùng lúc này một tiểu đoàn của địch theo hướng cửa Tư Hiền lọt vào Phá Tam Giang. Thời điểm ban đầu, tốc độ hành quân của địch khá nhanh. Nhưng khi đến Dưỡng Mông chúng bắt đầu gặp các ổ phục kích, bắn tỉa của ta, nên đã bị thương một số, tốc độ càn quét chậm hẳn lại. Tại làng An Cựu, địch bị du kích và dân quân phối hợp chặn đánh quyết liệt làm chúng tưởng đã chạm với chủ lực của ta, nên cho dừng đội hình, triển khai trận địa xuất phát xung phong và điều động máy bay đến ném bom chi viện. Thế nhưng đến khi biết chỉ là du kích đánh quấy rối thì đã muộn, trời lúc này đã đổ về trưa, nắng nóng làm quân địch uể oải.
Hơn 1 giờ chiều bộ phận đi đầu của tiểu đoàn Ma-rốc mới vượt được cầu Thanh Lâm Bồ, bắt đầu vào phạm vi trận địa của Trung đoàn 101. Chưa đầy một tiếng sau, địch từ ba mũi đã kéo tới đông đặc trên cánh đồng Thanh Lâm Bồ, Hà Trữ. Nhận thấy nếu cứ đợi địch thì rất có thể mất thời cơ, nên chỉ huy trung đoàn đã ra lệnh cho các Tiểu đoàn 328, 436 lợi dụng địa hình, vận động lên đánh thọc vào sườn đội hình địch, thực hiện chia cắt địch. Trên hướng chính diện, trung đoàn chỉ để lại một đại đội để chặn địch. Một đại đội được điều động vòng ra phía sau đánh chiếm cầu Thanh Lâm Bồ, cắt đường rút của quân địch. Đang triển khai đội hình tiến công, bỗng dưng bị đánh mạnh vào sườn, nên quân địch trở nên rối loạn. Tiểu đoàn Xê-nê-gan của địch trong phút chốc bỗng lọt vào vòng vây của Tiểu đoàn 436 và bị thiệt hại nặng, buộc phải bỏ chạy về phía Trung Hà, Hoà Đa Tây. Máy bay của địch lúc này đang lồng lộn trên trời nhưng không làm gì được, vì đội hình chiến đấu giữa ta và địch đan xen vào nhau.
Ở vùng Dưỡng Mông sau ít giờ chiến đấu, tiểu đoàn Ma-rốc của địch ở cánh đồng Thanh Lâm Bồ bị Tiểu đoàn 319 và 328 vây chặt. Chỉ huy trung đoàn Lê Thuyết và Hoàng Văn Thái ra lệnh cho hai tiểu đoàn quyết tâm tiêu diệt gọn tiểu đoàn Ma-rốc. Phía trên, tiểu đoàn Xê-nê-gan định quay lại cứu viện, nhưng đã bị Tiểu đoàn 436 đánh chặn không thể quay lại. Chỉ huy quân địch định dùng một lực lượng tương đương tiểu đoàn vượt Phá Tam Giang đánh vào phía sau đội hình của ta, nhưng quân lính trong tiểu đoàn này đã quá khiếp hãi, chỉ huy tiểu đoàn địch lại chần chừ không dám vào tham chiến, nên thủ đoạn đó của địch không thực hiện được. Lại nói về tiểu đoàn Ma-rốc, phía trước không có người cứu, phía sau không có đường lùi, nên buộc phải co cụm tại khu vực bãi tha ma dưới chân Động Cồn để cố thủ, chờ cứu viện. Để dụ địch ra khỏi vị trí cố thủ, ta đã cho Đại đội 133 nới rộng vòng vây, mở cho địch một hướng về phía tây. Đúng như dự đoán, quân địch vừa thấy được kẽ hở đã kéo nhau vội vã rút đi. Nhưng vừa rút chưa được bao xa địch đã rơi ngay vào trận địa phục kích của Tiểu đoàn 328 và bị tiêu diệt. Tại vị trí phục kích ta đã bắt sống 70 tên địch, trong đó có tên thiếu tá tiểu đoàn trưởng.
Thấy trận càn không thành, địch vội vàng cho ca nô vào đón Tiểu đoàn Xpa-hi và số quân còn lại của Tiểu đoàn Xê-nê-gan, vượt Phá Tam Giang chạy sang Hà Thanh rồi rút về Huế.
Trận chống càn Thanh Lâm Bồ thực sự là một điển hình về tổ chức trận địa và tổ chức chỉ huy, bố trí lực lượng trong chiến đấu vận động tiến công. Nếu nhìn một cách đơn thuần về địa thế thì rõ ràng ta đang ở thế bất lợi, bởi phải tựa lưng vào nước (Phá Tam Giang) để phòng ngự. Trong binh pháp, việc dựa lưng vào nước để tổ chức phòng ngự là một điều tối kỵ. Thế nhưng cũng trong binh pháp lại nói “trong đất chết, có đất sống”, nghĩa là nếu biết khắc chế những bất lợi về địa hình bằng cách tổ chức lực lượng chặt chẽ, có cách đánh mưu trí, sáng tạo, có lực lượng anh dũng, thiện chiến thì vẫn có thể giành phần thắng. Trận Thanh Lâm Bồ đã thể hiện được các yếu tố đó và thu được hiệu suất chiến đấu cao. Chính từ yếu tố này nên có thể nói trận Thanh Lâm Bồ có các yếu tố gần giống với trận Bối Thuỷ ở Tỉnh Hình của Hàn Tín thủa nào.
Trần Anh Tuấn