QĐND - Từ năm 1961, nhằm tiếp tục đàn áp, chống phá cách mạng miền Nam nước ta, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Bản chất của chiến lược này là tăng cường xây dựng lực lượng Quân đội Sài Gòn mạnh, do cố vấn Mỹ chỉ huy, được một số đơn vị quân Mỹ yểm trợ. Đế quốc Mỹ đề ra kế hoạch Xta-lây Tay-lo (Staley-Taylor) nhằm bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Trong đó, biện pháp quan trọng hàng đầu là áp dụng chiến thuật cơ động bằng máy bay trực thăng và xe thiết giáp (chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận”) để càn quét lực lượng vũ trang cách mạng của ta.

Với chiến thuật mới, địch đã gây cho cách mạng miền Nam nước ta nhiều khó khăn và tổn thất. Trước tình hình đó, ngày 7-9-1962, trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn chiến trường, Trung ương Cục miền Nam đã họp bàn với các Khu ủy Khu 8 và Tỉnh ủy Mỹ Tho thống nhất chỉ đạo phát huy cao độ đường lối chiến tranh nhân dân, kết hợp ba mũi giáp công (chính trị, vũ trang, binh vận) và kết hợp ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích) trên thế trận xã, ấp chiến đấu để đánh địch. Lực lượng vũ trang tập trung phải trụ lại chống càn tiêu diệt địch mà tồn tại, đánh cả với trực thăng và xe bọc thép.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 514 tham gia đánh trận Ấp Bắc. Ảnh tư liệu

Có được sự chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Cục miền Nam, Quân giải phóng miền Nam đã đánh bại nhiều cuộc càn quét của địch, thu được những thắng lợi to lớn. Tiêu biểu nhất là chiến thắng Ấp Bắc thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang).

Ngày 1-1-1963, các đơn vị bộ đội Khu 8 và tỉnh Mỹ Tho tập hợp tại Ấp Bắc để chuẩn bị tấn công ấp chiến lược Giồng Dứa (xã Long Định, huyện Châu Thành). Nắm được thông tin hoạt động của quân ta, sáng sớm ngày 2-1-1963, địch mở cuộc càn quét mang tên “Đức Thắng 1-63”, đánh vào Ấp Bắc. Trận chiến đấu diễn ra rất ác liệt, bắt đầu từ 5 giờ sáng và kéo dài liên tục đến 20 giờ ngày 2-1-1963. Địch sử dụng chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” và huy động pháo binh, máy bay ném bom, bắn phá mãnh liệt vào trận địa của ta. Qua 5 đợt chiến đấu, quân và dân ta đã bám trụ kiên cường, lần lượt đánh bại các đợt tiến công của bộ binh, máy bay trực thăng, xe lội nước của địch và đánh địch đổ bộ đường không, giành được thắng lợi vang dội ở Ấp Bắc. Kết quả, ta tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 450 tên địch, trong đó có 3 cố vấn Mỹ chết, 10 tên cố vấn Mỹ bị thương; bắn rơi 8 chiếc máy bay trực thăng, bắn cháy 3 chiếc xe thiết giáp và làm hư hại nhiều máy bay, phương tiện chiến tranh khác của địch.

Chiến thắng Ấp Bắc đã cụ thể hóa nghệ thuật tác chiến của ta chống chiến thuật “trực thăng vận”, “chiến xa vận” của địch; là sự sáng tạo trong chỉ đạo đường lối chiến tranh nhân dân, đánh địch bằng ba mũi giáp công và ba thứ quân. Chiến thắng Ấp Bắc đánh dấu sự chuyển biến về chất của chiến tranh cách mạng ở miền Nam và sự trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam, có khả năng đánh thắng những chiến thuật cơ động bằng máy bay lên thẳng và xe tăng, xe thiết giáp của Mỹ và Quân đội Sài Gòn. Chiến thắng Ấp Bắc đã động viên, cổ vũ to lớn tinh thần chiến đấu của quân và dân miền Nam, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

PHAN HƯƠNG NGÂN (Theo "Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tiền Giang")