QĐND - Đến Nhà máy Z176, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, nhiều người rất ấn tượng về hệ thống nhà xưởng khang trang, các trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất và cải thiện môi trường làm việc. Thế nhưng, theo Đại tá Nguyễn Xuân Khải, Giám đốc Nhà máy Z176: “Năm 2007 trở về trước, nhà máy gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do công nghệ, trang thiết bị lạc hậu, năng suất thấp, hàng hóa khó cạnh tranh trên thị trường, khiến hàng trăm lao động thiếu việc làm, đời sống, thu nhập bấp bênh. Nhà máy đã vượt qua giai đoạn khó khăn ấy bằng chính ý chí quyết tâm, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy nhà máy, trong đó, giải pháp cơ bản là đột phá đổi mới công nghệ, cải cách phương thức quản lý, phát triển các sản phẩm có thế mạnh”.
 |
Công nhân Nhà máy Z176 sản xuất sản phẩm phục vụ đời sống dân sinh.
|
Năm 2007, nhà máy mạnh dạn đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất lớn thay thế toàn bộ các máy móc cũ, lạc hậu; mở rộng mặt bằng nhà xưởng để sản xuất các sản phẩm phục vụ nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, các mặt hàng kinh tế. Sự đầu tư đúng hướng đã đưa năng suất lao động của nhà máy tăng 30% so với trước. Năm 2008, sản xuất của nhà máy lại đứng trước thử thách lớn, khi giá hạt nhựa tăng đột biến lên 180%, khiến chi phí tăng cao, sản xuất bị thua lỗ. Ban giám đốc nhà máy, trực tiếp là đồng chí giám đốc đã cùng đội ngũ kỹ sư nghiên cứu thành công và đưa vật liệu mới có giá thành hạ vào sản xuất các mặt hàng kinh tế phục vụ xuất khẩu; sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, giá thành hạ, làm lợi cho nhà máy mỗi năm hàng chục tỷ đồng.
Nhà máy cũng tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, từ công đoạn đầu đến công đoạn hoàn chỉnh sản phẩm; áp dụng phương thức khoán sản phẩm, ứng dụng công nghệ phù hợp với trình độ của người lao động, giảm được 25% chi phí quản lý, sản xuất; đồng thời, tạo điều kiện cho từng phân xưởng, từng người lao động tập trung chuyên sâu vào sản xuất các mặt hàng phù hợp, năng suất lao động tăng 20%. Phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật được triển khai theo hướng trực tiếp giao đề tài cho từng kỹ sư, có chính sách khuyến khích, đãi ngộ hợp lý. 5 năm qua, nhà máy đã có hàng chục sáng kiến được ứng dụng hiệu quả vào chương trình tự động hóa, cơ khí hóa trong sản xuất. Nổi bật là đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, ứng dụng thành công các đề tài đưa vật liệu mới vào sản xuất lưới ngụy trang công nghệ cao; thiết kế mô hình xe tăng T55; hệ thống máy cắt phôi tự động, máy dán chuyên dụng, từ đó khắc phục tình trạng lao động thủ công, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí đầu tư gần 40 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước... Đầu năm 2014, nhà máy đã nghiên cứu và áp dụng thành công công nghệ dán túi tự động bằng siêu âm, thay thế công nghệ may thủ công, tăng năng suất lao động gấp 14 lần so với trước, đánh dấu sự phát triển mới trong sản xuất hàng kinh tế xuất khẩu. Năm 2014, dự kiến doanh thu nhà máy đạt hơn 1.020 tỷ đồng, tăng 2,9 lần so với năm 2009; thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng. Nhà máy còn tạo việc làm cho gần 2000 lao động tại địa phương, với thu nhập bình quân hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Tập đoàn IKEA của Thụy Điển đã vinh danh nhà máy là nhà cung cấp sản phẩm số 1 tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tôn vinh nhà máy là 1 trong 85 doanh nghiệp vì người lao động.
Liên tục 10 năm qua, nhà máy đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, Đảng bộ đạt TSVM; năm 2009, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất... Những kết quả đó góp phần tô thắm hình ảnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, thêm tỏa sáng phẩm chất người lính thợ Nhà máy Z176.
Bài và ảnh: NGUYÊN PHÚ