QĐND - Nghệ thuật tổ chức xây dựng thế trận và lực lượng tại chỗ trong phản công là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của chiến dịch. Đây là những nội dung cơ bản, gắn bó chặt chẽ với nhau, là cơ sở phát triển của nghệ thuật tạo thế, chọn hướng, mục tiêu và điều khiển diễn biến của chiến dịch. Đặc điểm của phản công là lấy tiến công giáng trả tiến công trong khi địch đang tiến công vào trận địa, hậu phương của ta. Chính vì vậy, tổ chức tốt lực lượng và thế trận tại chỗ, hậu phương vững mạnh tạo ra thế và lực, từng bước chuyển hóa thế trận và cục diện chiến trường.
Đảng ta xác định lực lượng tại chỗ là bộ phận quan trọng của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, bởi nó là lực lượng lớn có khả năng kìm giữ chân địch tại địa bàn chiến dịch tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực đánh tiêu hao, tiêu diệt. Vì thế, được chú trọng chấn chỉnh về tổ chức biên chế, bổ sung vũ khí trang bị; đồng thời khẩn trương xây dựng, huấn luyện, bước đầu nắm vững những vấn đề cơ bản về tác chiến phản công.
Trong chiến tranh hiện đại, tiến công sâu vào tung thâm đối phương bằng bộ binh hoặc bộ binh cơ giới là thủ đoạn tác chiến chủ yếu kế tiếp đòn đánh phủ đầu bằng vũ khí công nghệ cao, hủy diệt và làm tê liệt các vị trí then chốt, kết hợp với bạo loạn vũ trang lật đổ trong nội địa. Chính vì vậy, tổ chức xây dựng thế trận và lực lượng tại chỗ cần dựa trên nền tảng của thế trận phòng thủ địa phương, nắm chắc và vận dụng thành thạo nghệ thuật xây dựng, tổ chức thế trận, lực lượng ngay trong thời bình, sẵn sàng điều hành chuyển hóa, vận hành thành thạo khi có tình huống xảy ra là yêu cầu rất quan trọng.
 |
Quân giải phóng miền Nam tiến công quân địch trong cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ti. Ảnh tư liệu. |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nghệ thuật tổ chức xây dựng thế trận và lực lượng tại chỗ, căn cứ hậu phương vững chắc được Đảng, quân đội ta vận dụng sáng tạo và phát triển ở trình độ cao. Trước hết là, nghệ thuật chuẩn bị thế trận tại chỗ sẵn sàng đón đánh địch, bảo vệ địa bàn, căng kéo, kìm giữ, tạo thế đánh thuận lợi cho bộ đội chủ lực. Tuy vậy, lực lượng tại chỗ cũng có những nhược điểm nhất định của nó. Do vậy, lực lượng tại chỗ chỉ phát huy tác dụng khi được tổ chức phối hợp chặt chẽ với lực lượng cơ động và đặt dưới sự điều hành chỉ huy thống nhất của Bộ tư lệnh chiến dịch.
Trong Chiến dịch phản công Gian-xơn Xi-ti (từ 22-2-1967 đến 15-4-1967), ta tổ chức thành công lực lượng chiến dịch, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn hầu như không có dân. Hình thức tổ chức độc đáo này được vận dụng trên cơ sở tổ chức lại hệ thống cơ quan Miền theo phương thức tổ chức đơn vị chiến đấu từ thấp lên cao. Ấp chiến đấu, xã đội, huyện đội liên kết chi viện chặt chẽ với nhau, tổ chức đánh địch, bám giữ tại chỗ rất hiệu quả. Điều đó đã biểu hiện sinh động của chiến tranh toàn dân ở cơ sở. Kế thừa và phát triển sáng tạo kinh nghiệm đó, trong Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào (từ 30-1-1971 đến 23-3-1971), Chiến dịch phản công ở Đông Bắc Cam-pu-chia (từ 4-2 đến 31-5-1971), ta tổ chức lực lượng tại chỗ của Đoàn 559 và các đơn vị C20, C40 thành lực lượng chiến đấu tại chỗ làm nhiệm vụ chốt giữ, bám trụ tại chỗ và lực lượng phòng không tầm thấp dày đặc phục kích đón lõng tại những điểm dự kiến sẵn sàng bắn hạ máy bay lên thẳng, đánh bại chiến thuật đổ bộ đường không của địch vu hồi, nhảy cóc sâu vào hậu phương chiến dịch ta. Thế trận hậu phương đó tạo điều kiện to lớn cho bộ đội chủ lực cơ động triển khai đánh địch nhanh chóng.
Thực tế chiến đấu cho thấy, trong Chiến dịch phản công Gian-xơn Xi-ti, Mỹ và quân đội Sài Gòn huy động lực lượng khổng lồ tiến công chiến khu Dương Minh Châu và căn cứ Miền. Ta đã chuẩn bị tốt thế trận tại chỗ, nên đã kịp thời giáng trả địch rộng khắp, ngăn chặn, kìm giữ hiệu quả, đồng thời tiến công địch khi chúng co cụm. Khi địch thay đổi thủ đoạn, hướng tiến công, lực lượng tại chỗ tổ chức các đội săn cơ giới, diệt máy bay, đánh chông, mìn, cạm bẫy, bẫy đá... tiêu hao, tiêu diệt nhỏ quân địch, gây cho chúng những tổn thất và khó khăn cả về quân số, trang bị vũ khí.
Tổ chức và sử dụng lực lượng chiến đấu tại chỗ trong chiến dịch phản công có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là cơ sở tạo tiền đề để Đảng và quân đội ta tiếp tục xây dựng, phát triển cách tổ chức thế trận chiến tranh nhân dân trong những trận đánh lớn có ý nghĩa chiến dịch, chiến lược, tác chiến ba thứ quân, hiệp đồng quân binh chủng, tiến tới đánh những trận quyết chiến có ý nghĩa quyết định, kết thúc chiến tranh. Ngày nay, quân và dân ta tiến hành xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có những đặc điểm, nội dung và nghệ thuật quân sự mới. Do vậy, những kinh nghiệm về phát huy vai trò tổ chức và sử dụng lực lượng chiến đấu tại chỗ trong chiến dịch phản công trong kháng chiến chống Mỹ cần được tiếp tục nghiên cứu, phát triển sáng tạo, góp phần đánh bại mọi kẻ thù xâm lược trong bất cứ tình huống nào, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
TRẦN VĂN TOẢN