Vừa qua, Đảng ủy Quân sự Trung ương đã ra Quyết định số 14-QĐ/ĐU ban hành Quy chế công tác cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là văn bản quan trọng của Đảng ủy Quân sự Trung ương về công tác cán bộ, cần được quán triệt và tổ chức triển khai thống nhất trong toàn quân. Để bạn đọc hiểu thêm về Quy chế này, phóng viên báo Quân đội nhân dân đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Thiếu tướng Vũ Văn Luận, Cục trưởng Cục Cán bộ về một số vấn đề cơ bản của Quy chế.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Cục trưởng, Đảng ủy Quân sự Trung ương đã ra Quyết định số 14-QĐ/ĐU ban hành kèm theo Quy chế công tác cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, trước hết, đề nghị đồng chí cho biết sự cần thiết và những căn cứ để ban hành Quy chế mới?
Thiếu tướng Vũ Văn Luận: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X xác định phải “Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, bảo đảm thật sự dân chủ, khoa học, công minh”, “Cụ thể hóa và thể chế hóa nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của tổ chức và người đứng đầu…”. Thực hiện chủ trương trên, ngày 4 tháng 7 năm 2007, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định 67/QĐ-TƯ về phân cấp quản lý cán bộ và Quyết định 68/QĐ-TƯ về quy chế bổ nhiệm cán bộ. Các quy định và hướng dẫn của Trung ương yêu cầu các cấp ủy Đảng phải thể chế hóa và tổ chức thực hiện.
Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng hiện nay có bước phát triển mới, đòi hỏi công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ đặt ra những yêu cầu mới. Mặt khác, Việt Nam gia nhập WTO, xu thế hội nhập tăng, thị trường lao động trong nước trong những năm tới sẽ có biến đổi lớn, sôi động hơn, tác động trực tiếp vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội; vấn đề thu hút nhân tài, chống chảy máu chất xám đang là thách thức đối với công tác cán bộ trong Quân đội.
Quyết định 64 của Đảng ủy Quân sự Trung ương sau hơn 10 năm thực hiện đã góp phần xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, tạo sự thống nhất trong việc phân công, phân cấp quản lý cán bộ đối với cấp ủy các cấp trong toàn quân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải sửa đổi bổ sung cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội trong thời kỳ mới.
Từ yêu cầu trên, Đảng ủy Quân sự Trung ương quyết định ban hành Quy chế mới về công tác cán bộ nhằm cụ thể hóa các quan điểm, nguyên tắc, chủ trương của Đảng về xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ VIII và các quy chế, quy định mới của Bộ Chính trị về công tác quản lý cán bộ.
PV: Đề nghị đồng chí cho biết đôi nét về quá trình xây dựng Quy chế?
Thiếu tướng Vũ Văn Luận: Sau khi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 được ban hành, từ năm 2000, Tổng cục Chính trị đã có chủ trương xây dựng Quy chế mới về công tác cán bộ, nhưng trực tiếp nhất là ngày 6-3-2006, Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương có Chỉ thị số 60/CT-ĐUQSTW về việc xây dựng chương trình công tác toàn khóa và quy chế, quy định của Đảng ủy Quân sự Trung ương nhiệm kỳ 2006-2010. Tổng cục Chính trị đã giao cho Cục Cán bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức biên soạn Quy chế công tác cán bộ. Sau khi xây dựng xong dự thảo, Tổng cục Chính trị đã xin ý kiến tham gia của Hội nghị tổng kết công tác cán bộ toàn quân, cấp ủy các Đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Quân sự Trung ương.
Có thể nói quá trình xây dựng Quy chế rất công phu, với nhiều đối tượng tham gia, đã xin ý kiến đầy đủ các cấp ủy Đảng trong toàn quân, hai lần xin ý kiến các đồng chí Ủy viên Đảng ủy Quân sự Trung ương và ba lần thông qua Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương. Tại Hội nghị Đảng ủy Quân sự Trung ương phiên cuối cùng thảo luận để ban hành Quy chế, những nội dung trọng tâm, những vấn đề mang tính nhạy cảm, đều được thảo luận kỹ từng nội dung và biểu quyết bằng phiếu kín.
PV: So với Quyết định 64 trước đây thì Quy chế cán bộ theo Quyết định 14 có những điểm gì mới, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Vũ Văn Luận: Quy chế cán bộ theo quyết định 14 được xây dựng trên cơ sở kế thừa Quyết định số 64 của Đảng ủy Quân sự Trung ương và cụ thể hóa các Nghị quyết, Quyết định, Quy định, Quy chế của Bộ Chính trị về công tác cán bộ trong thời kỳ mới, do vậy, có nhiều điểm khác so với Quyết định 64, cụ thể là:
- Phạm vi điều chỉnh của Quy chế rộng hơn so với Quyết định 64. Trong Quyết định 64 chỉ quy định về phân cấp quản lý cán bộ, còn các nội dung cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu, các chế độ quy định về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ chưa được đề cập tới.
- Mở rộng quyền hạn quyết định nhân sự cho cấp ủy cấp dưới. Trong Đảng bộ Quân đội hình thành ba cấp quyết định nhân sự theo nguyên tắc cấp trên quyết định nhân sự dưới một cấp (theo Quyết định 64 chỉ có 2 cấp quyết định nhân sự), cụ thể:
+ Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương quyết định một số khâu đối với nhân sự cấp trưởng sư đoàn, tỉnh, cục trở lên và giao cho Tổng cục Chính trị quyền quyết định cấp phó của các chức vụ trên.
+ Giao cho cấp ủy cấp quân khu, quân chủng, quân đoàn quyền quyết định bổ nhiệm chức vụ lữ đoàn trưởng, trung đoàn trưởng và tương đương.
+ Giao cho cấp ủy cấp sư đoàn, bộ chỉ huy quân sự tỉnh quyền quyết định bổ nhiệm chức vụ tiểu đoàn trưởng và tương đương trở xuống.
- Theo Quyết định 64, việc thăng quân hàm thiếu tá, trung tá do Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương và Tổng cục Chính trị quyết định. Theo Quy chế mới, Đảng ủy Quân sự Trung ương giao cho cấp quân khu, quân chủng, quân đoàn và tương đương quyết định.
- Quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong quản lý, sử dụng đối với cán bộ trong đơn vị, phân rõ trách nhiệm của Đảng ủy và thường vụ. Nâng cao trách nhiệm và quyền hạn cho Thường vụ Đảng ủy các cấp cho phù hợp với thực tiễn và đặc điểm của công tác cán bộ.
- Đồng thời với việc tăng quyền hạn cho các cấp ủy cấp dưới, Quy chế mới quy định cấp ủy, cơ quan chính trị cấp trên phải tăng cường kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác cán bộ của cấp ủy cấp dưới. Nếu bổ nhiệm chức vụ tăng cường so với biên chế, thăng quân hàm sĩ quan, nâng lương cán bộ trước thời hạn, phải báo cáo cấp trên trực tiếp xét duyệt trước khi quyết định, nhằm khắc phục những biểu hiện lệch lạc, hoặc gây xáo trộn về tổ chức.
- Quy định rõ vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong đề xuất và tổ chức thực hiện các quyết định của tập thể về cán bộ và công tác cán bộ trong lĩnh vực được phân công phụ trách.
- Về bổ nhiệm có thời hạn, bổ nhiệm lại: Đây là vấn đề mới đối với Đảng bộ Quân đội. Quy chế quy định bổ nhiệm giữ các chức vụ chỉ huy, quản lý trong quân đội thời hạn có hiệu lực tối đa 5 năm; khi hết thời hạn phải xem xét bổ nhiệm lại, hoặc không bổ nhiệm lại, nhưng thời hạn giữ một chức không quá 10 năm.
- Để tiến hành công tác nhân sự cán bộ được khách quan, chặt chẽ, tập trung trí tuệ tập thể, Quy chế mới quy định rõ, họp cấp ủy bàn về nhân sự phải có đủ các cấp ủy viên tham gia (trừ trường hợp đặc biệt).
PV: Để thực hiện tốt Quy chế công tác cán bộ, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp và đội ngũ cán bộ quân đội đặt ra những yêu cầu gì?
Thiếu tướng Vũ Văn Luận: Để triển khai thực hiện tốt Quy chế công tác cán bộ, nội dung quan trọng hàng đầu là phải làm tốt việc tổ chức quán triệt cho các cấp ủy Đảng và tất cả cán bộ, đảng viên trong toàn quân nắm chắc các nội dung của Quy chế để tổ chức thực hiện.
Các Đảng ủy trực thuộc Đảng ủy Quân sự Trung ương cần cụ thể hóa các chức danh còn lại thuộc thẩm quyền quyết định của cấp mình vào quy chế lãnh đạo công tác cán bộ để thực hiện thống nhất trong toàn đảng bộ. Quy định cho các cấp ủy cấp dưới trực tiếp về thẩm quyền quyết định nhân sự. Đồng thời, xây dựng hướng dẫn, quy định, quy trình xét duyệt nhân sự cán bộ; chế độ báo cáo, kiểm tra và thủ tục hành chính công tác cán bộ ở cấp mình.
Là năm đầu thực hiện Quy chế mới, có thể có một số vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cần phải nghiên cứu giải quyết, cấp ủy các cấp khi tiến hành công tác cán bộ cần nắm chắc nguyên tắc, tuân thủ đúng các bước theo quy trình. Tăng cường kiểm tra, giám sát cấp dưới, kịp thời phát hiện những khó khăn vướng mắc để tìm biện pháp khắc phục, nhằm nâng cao hiệu quả công tác cán bộ ở từng đơn vị.
Đối với cơ quan chính trị, cơ quan cán bộ phải làm tham mưu đắc lực cho cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn của Tổng cục Chính trị. Đồng thời, tổ chức thực hiện các quy trình theo dự thảo và tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn.
Qua đây, tôi đề nghị hệ thống báo chí quân đội nói chung, báo Quân đội nhân dân nói riêng, tuyên truyền đầy đủ, thường xuyên để Quy chế công tác cán bộ được thực hiện tốt trong toàn quân.
PV: Xin chân thành cảm ơn đồng chí Cục trưởng.
Hoàng Hải Chuyền (thực hiện)