QĐND - Thông tin liên lạc (TTLL) là một trong những chuyên ngành kỹ thuật được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định xây dựng, tiến thẳng lên hiện đại. Theo chủ trương này, những năm qua, Lữ đoàn Thông tin 603 (Quân khu 3) đã được trang bị nhiều phương tiện, khí tài TTLL mới, hiện đại. Để đáp ứng yêu cầu, cán bộ, nhân viên kỹ thuật của đơn vị đã nỗ lực nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, tích hợp công nghệ, bảo đảm đồng bộ, kết hợp khai thác, sử dụng khí tài mới và cũ có trong biên chế.
Tại đợt tập huấn công tác kỹ thuật năm 2014, Thượng tá Phạm Thanh Hải, Lữ đoàn trưởng cho biết: Lữ đoàn tập trung giới thiệu tổng quan về mạng truyền dẫn và mạng truyền số liệu quân sự; nghiên cứu tính năng kỹ thuật, chiến thuật, khai thác các loại máy vô tuyến điện sóng ngắn thế hệ mới như máy phát sóng ngắn VRS-641, VRS-642, máy thu phát sóng ngắn VRU-611 và VRP-612; hướng dẫn bảo đảm kỹ thuật xe thông tin tìm kiếm cứu nạn cấp 2, xe VCĐ-2... Những năm qua, lữ đoàn đã tiếp nhận và đưa xe thông tin tìm kiếm cứu nạn vào thực hiện nhiệm vụ SSCĐ theo các nhiệm vụ; tiếp nhận và triển khai phương tiện, khí tài TTLL FT-70GH, ICOM 700PRO, thiết bị XDM-100 và máy CODAN vào khai thác, sử dụng. Lữ đoàn còn triển khai Trạm T2B, củng cố hệ thống cáp treo nội, ngoại bộ của Sở chỉ huy Quân khu 3, bảo đảm chất lượng.
 |
Cán bộ Lữ đoàn Thông tin 603 kiểm tra kỹ thuật hệ thống TTLL của Tổng trạm thông tin Tiểu đoàn 16.
|
Máy phát vô tuyến điện sóng ngắn VRS-641 sử dụng trong các trạm thu phát sóng, có khả năng liên lạc được ở cự ly 2000km. Máy được tích hợp thêm các tính năng tiên tiến như: Khả năng nhớ tần số công tác, hiển thị và quét kênh nhớ; giao tiếp với máy tính (PC) để tự động nhận lệnh truyền thông tin đã biên dịch từ chữ cái dưới dạng moóc-xơ và phát tín hiệu khi được kích hoạt. Máy phát vô tuyến điện sóng ngắn VRS-642 có khả năng phát liên tục 24 giờ với hai chế độ công suất cao (150W) và công suất thấp (50W). Khi làm việc ở công suất cao, máy có thể liên lạc được ở cự ly 2000km. Máy được sử dụng kèm với bộ điều hướng ăng-ten ATU giúp phối hợp trở kháng tốt, thời gian điều hướng ngắn và độ chính xác cao. Máy thu phát vô tuyến điện sóng ngắn đơn biên VRU-611 dùng để liên lạc và vi chỉnh trong dải tần số từ 30MHz đến 16MHz. Máy dùng bộ dao động thạch anh bù nhiệt độ làm nguồn tần số chuẩn, bộ tổ hợp tần số sử dụng mạch DDS, nên thiết bị có tính ổn định tần số cao và thời gian thiết lập rất ngắn. Máy có khả năng nhớ tần số công tác, chế độ công tác, hiển thị và quét kênh nhớ, tự động kiểm tra trạng thái thông mạch, tự động điều hướng ăng-ten với thời gian điều hướng ngắn, độ chính xác cao. Máy thu phát vô tuyến điện sóng ngắn VRP-612 hoạt động trong dải tần số từ 2MHz đến 12MHz. Đây là khí tài TTLL tiên tiến, có kết cấu chắc chắn, tính cơ động cao, chịu được va đập. Các khí tài TTLL mới, hiện đại trên, lữ đoàn đã đưa vào biên chế, làm chủ khai thác bảo đảm TTLL phục vụ các nhiệm vụ.
Lữ đoàn còn quản lý, vận hành khai thác số lượng lớn phương tiện, khí tài TTLL đã đưa vào trang bị lâu năm, tuổi thọ cao để bảo đảm TTLL. Một số loại khí tài, phương tiện kỹ thuật cũ được đơn vị cải tiến, đưa vào ứng dụng bảo đảm TTLL như việc cải tiến mạch cấp nguồn cho máy thu 139, đã khắc phục nhược điểm của mạch ổn áp 1,4V trong bộ nguồn N139 cấp điện cho máy thu 139. Nhờ đó, máy thu 139 hoạt động có độ ổn định cao, tuổi thọ của máy tăng lên gấp 3 lần.
Khai thác, làm chủ kỹ thuật đối với các khí tài, trang bị TTLL hiện đại như hệ thống xe thông tin cơ động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn cấp 2, hệ thống thông tin Trunking, VSAT… đòi hỏi cán bộ, nhân viên kỹ thuật có trình độ cao, nắm vững tính năng kỹ thuật, chiến thuật, nguyên lý hoạt động. Cán bộ, nhân viên kỹ thuật đã nghiên cứu đề xuất và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm tích hợp công nghệ, bảo đảm đồng bộ hóa, phát huy những ưu điểm của từng loại phương tiện, khí tài trong các hệ thống nhằm bảo đảm TTLL chính xác, vững chắc, hiệu quả.
Thượng tá Lê Hồng Việt, Chính ủy lữ đoàn nêu kinh nghiệm: Hằng năm, lữ đoàn sử dụng từ 25% đến 30% khí tài, phương tiện kỹ thuật bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện. Để cán bộ, chiến sĩ, nhân viên kỹ thuật thuần thục trong khai thác, làm chủ phương tiện, khí tài TTLL mới, hiện đại, lữ đoàn đẩy mạnh nghiên cứu sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm các mô hình phục vụ huấn luyện. Các mô hình kết nối trên xe VCĐ-2 với các thiết bị thông tin cố định, mô hình kết nối trên xe thông tin cơ động tìm kiếm cứu nạn, tổng đài Toca T64S, tổng đài T48M1... đưa vào ứng dụng, đã nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng làm chủ phương tiện, khí tài TTLL tiên tiến của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ.
Bài và ảnh: NGUYỄN XUÂN GIANG