Can trường đánh địch phản kích
Cuộc chiến đấu ở Thượng Đức đã kéo dài hai tháng, quân số của đơn vị giảm sút vì thương vong và đau ốm, bệnh tật. Sinh hoạt vật chất của bộ đội khó khăn, nhất là hoạt động trong mùa mưa. Bộ đội phải sinh hoạt, ngủ, nghỉ dưới hầm hào, ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ. Tuy gặp khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị vẫn nêu cao quyết tâm chiến đấu, việc chuẩn bị đánh quân địch phản kích diễn ra sôi động trên khắp các trận địa, cả tuyến trước và tuyến sau.
Cán bộ và chiến sĩ Sư đoàn 304 và Sư đoàn 324 không lạ gì sư đoàn dù của quân đội Sài Gòn. Mùa xuân năm 1968, chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971 và trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, sư đoàn này bị các chiến sĩ ta đánh cho thua đậm phải chạy về hậu cứ củng cố. Lần này trước trách nhiệm bảo vệ Thượng Đức, cán bộ và chiến sĩ hai sư đoàn quyết giáng cho sư đoàn dù những đòn trừng trị thích đáng hơn nữa.
Vừa đặt chân đến Đà Nẵng, chỉ huy sư đoàn dù đã huênh hoang sẽ lấy lại Thượng Đức trong thời gian ngắn. Nhưng thực ra chúng không thể làm được điều đó. Chưa kể đến sự trưởng thành của các lực lượng vũ trang nhân dân ta, chỉ xét riêng về khả năng tác chiến của bản thân quân đội Sài Gòn giờ đây cũng đã có nhiều điểm khác trước, sư đoàn dù tổ chức thành các “đại đội đa năng” thay vì các tiểu đoàn. Trong một báo cáo gửi lên cấp trên, Phạm Kiều Loan - phó chủ nhiệm trung tâm hậu cần trung ương quân đội Việt Nam cộng hoà than vãn về tình hình dự trữ vật chất của quân đội Sài Gòn lúc bấy giờ như sau: "... thiếu đạn dược, phụ tùng máy bay và xăng dầu. Giờ hoạt động của máy bay chỉ còn 50 phần trăm; súng M16 trước kia mỗi cơ số là 500 viên đạn, nay phải rút xuống còn một nửa; thiếu pháo sáng, đạn vạch đường. Loại xe tăng M48 thì quá tinh vi, nên không có người sửa chữa, phải đưa về Mỹ, súng M16 cần ba loại dầu nhờn khác nhau, loại pháo 175 mm tầm bắn xa nhưng phải bắn mò. Tên lửa TOW 3.000 đô la một quả quá đắt...". Vì thế lính dù phải chuyển sang đánh theo lối "con nhà nghèo". Trên một mặt trận dài hàng chục cây số, mỗi ngày chúng chỉ còn được sử dụng khoảng 30 đến 50 lần chiếc máy bay và khoảng một nghìn viên đạn pháo để chi viện cho quân dù mở cuộc hành quân "tái chiếm Thượng Đức". |
Về phía ta, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 304 (thiếu) và các đơn vị được tăng cường tổ chức phòng ngự phải giữ vững khu vực Thượng đức đánh bại cuộc hành quân "tái chiếm Thượng Đức" của sư đoàn dù. Tuyệt đối không được để thành tiền lệ quân dù đi đến đâu là giải toả được đến đó; phải tăng cường sự lãnh đạo tư tưởng, giải quyết cách đánh cho tốt, phát huy cách đánh chốt có công sự, bẻ gãy thủ đoạn đánh dũi của đối phương; đồng thời nắm chắc lực lượng cơ động, nhằm vào sở chỉ huy lữ đoàn, trận địa pháo của đối phương mà diệt; phát huy cách đánh của phân đội nhỏ, tinh nhuệ đánh vào sau đội hình tiến công của địch.
Để quán triệt hơn nữa ý định của Bộ, đồng thời để tuyệt đối giữ bí mật một ý đồ chiến lược lớn đang chớm hình thành, Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng đã triệu tập Thiếu tướng Hoàng Văn Thái và Thiếu tướng Lê Linh (Tư lệnh và Chính ủy Quân đoàn 2) về Hà Nội, giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy mặt trận Thượng Đức cho Quân đoàn. Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng chỉ thị: "Việc giữ Thượng Đức và đánh bại quân dù đi giải toả có một ý nghĩa chính trị, quân sự lớn, đối với địch cũng như đối với ta. Phải đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ địch, đồng thời xây dựng truyền thống tốt cho ta. Vì vậy, vấn đề nóng hổi nhất của Quân đoàn hiện nay là Thượng Đức Phải tìm mọi cách làm suy yếu, giam chân quân dù trên chiến trường này càng lâu càng tốt, suốt cả mùa xuân năm 1975 để tạo điều kiện cho các nơi khác hoạt động. Tân binh, vật chất đạn dược sẽ được bổ sung đầy đủ”. |
Ngày 16 tháng 8 năm 1974, trung đoàn 2 sư đoàn 3 và lữ đoàn 1 quân dù bắt đầu tiến vào vùng giải phóng Thượng Đức. Chúng tổ chức phản kích trên hai hướng: hướng thứ nhất, theo trục đường số 4 đánh vào trận địa trung đoàn 3 Sư đoàn 324 ở khu vực các điểm cao 52, 126, 109, Hà Nha, Bàn Tân 2. Hướng thứ hai, đánh vào trận địa tiểu đoàn 7 trung đoàn 66 trên các điểm cao phía tây Thượng Đức. Cậy có quân đông hoả lực mạnh, trong những ngày đầu địch tổ chức tiến công ào ạt, hòng nhanh chóng chiếm khu vực trận địa của trung đoàn 3, tạo bàn đạp đánh vào Thượng Đức.
Ngày 20 tháng 8, quân dù cho một tiểu đoàn đánh vào điểm cao 109, nhưng đã bị đại đội 11 của trung đoàn 3 Sư đoàn 324 đánh bại. Chúng lùi lại gọi pháo binh đánh vào điểm cao 109 suốt một giờ, sau đó cho một đại đội lên đánh tiếp. Đại đội 11 thương vong 32 chiến sĩ, đến 13 giờ phải rút khỏi điểm cao 109.
Ngày 22 tháng 8, hai đại đội địch được pháo và máy bay chi viện đánh vào bình độ 700, đại đội 2 (trung đoàn 3) chiến đấu giữ vững suốt 6 giờ, sau đó phải rút lui.
Sáng 23 tháng 8, đại đội 1 trung đoàn 3 tập kích chiếm lại bình độ 700, diệt 24 tên. Đến chiều địch chiếm lại. Sau khi chiếm điểm cao 109 và bình độ 700, địch tiếp tục dùng phi pháo đánh vào các chốt của ta.Ngày 3 tháng 9, chúng cho 2 trung đội đánh xuống điểm cao 126. Liên tục mấy ngày liền bộ đội ta kiên cường phòng ngự, giữ vững điểm cao 126.
Từ ồ ạt sang "lấn dũi”
Không chiếm được điểm cao 126, địch bắt đầu đánh sang điểm cao 1062 bằng ba mũi, mỗi mũi ba đại dội. Bị thiệt hại nặng, chúng phải lùi về bình độ 700 và chuyển sang tiến công các chốt, nhằm tạo thế cô lập điểm cao 1062.
Theo yêu cầu nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Công Trang được cử vào Thượng Đức trực tiếp chỉ đạo các đơn vị chiến đấu giữ vững Thượng Đức, cùng đi có đồng chí Trần Quang Tiên - Phó chính ủy Cục Hậu cần và một số cán bộ cơ quan quân đoàn kiểm tra tuyến hậu cần đảm bảo cho chiến dịch.
Sau nhiều ngày tổ chức phản kích ào ạt vào khu vực 52-Bàn Tân 2 không thành công, bọn chỉ huy sư đoàn dù quyết định bỏ hướng đường số 4, tập trung lực lượng đánh vào các trận địa của ta trên hướng tây Thượng Đức. Về cách đánh, chúng bỏ chiến thuật phản kích ào ạt, chuyển sang áp dụng chiến thuật "lấn dũi". Chúng dùng lực lượng nhỏ (đại đội đa năng) đánh vào trận địa ta. Bị đánh trả, chúng lùi lại dùng hoả lực phi pháo đánh phá rồi cho các mũi bộ binh tiếp tục dũi lên. Với cách đánh "lấn dũi” sư đoàn dù hy vọng bộ đội ta sẽ bị tiêu hao, không đủ sức giữ vững trận địa, chúng sẽ "gặm" dần vào trong vùng giải phóng Thượng Đức.
Ngày 26 tháng 9, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 304 quyết định đưa tiểu đoàn 7 trung đoàn 24 vào chốt giữ điểm cao 1062, thay cho tiểu đoàn 7 trung đoàn 3 lui về phía sau củng cố. Trong các tháng cuối năm 1974, cuộc chiến đấu trở nên vô cùng ác liệt và gian khổ. Mưa lớn kéo dài, các trận địa chốt như ngâm trong nước. Hầm hào sụt lở. Việc vận chuyển, tiếp tế của Quân đoàn từ phía sau lên gặp nhiều khó khăn. Vượt lên mọi gian nan, thử thách, các chiến sĩ tiếp tục đánh thắng địch nhiều trận oanh liệt, giữ vững vùng giải phóng Thượng Đức.
Tuy nhiên do chiến đấu trong điều kiện cực kỳ gian khổ, sức khoẻ giảm sút, quân số thiếu hụt, nên ở một số nơi, có đơn vị không đủ sức giữ vững trận địa. Địch chiếm được một số điểm cao (109, 700, 383...) trong hệ thống phòng ngự phía trước.
TRẦN DANH (lược thuật)
Còn nữa