Đường sông đường bộ cho chiến dịch
Ngày 15 tháng 6, toàn bộ lực lượng chuẩn bị tham gia đánh Thượng Đức đã đến vị trí tập kết. Sư đoàn 304 và các lực lượng tăng cường triển khai ngay nhiệm vụ làm đường cơ động. Hầu như cả sư đoàn đã đổ ra mặt đường, công binh làm ngầm, bộ binh rải ra làm đường. Trời nắng như đổ lửa, gió khô khốc. Để đảm bảo bí mật, bộ đội lặng lẽ mở đường, hạn chế bụi, hạn chế tiếng động lớn, nhưng vẫn phải bảo đảm làm nhanh. Sở chỉ huy trung đoàn 66 do trung đoàn phó Nguyễn Sơn Văn chỉ huy và trung đoàn 3 Sư đoàn 324 do trung đoàn phó Nguyễn Văn Rinh chỉ huy đặt ngay sát mặt đường vừa mở. Ngoài làm con đường mới từ Trao vào bến Hiên, các con đường từ Thành Mỹ đi cầu Hội Khánh, từ bến Hiên đi An Điềm, Trúc Hà cũng được sửa lại.
Tối đến, bên bờ sông Bung, pháo binh và công binh phối hợp luyện tập. Những chiếc thuyền được làm gấp bằng tôn và thép được công binh đưa xuống sông ghép hai ba thuyền lại tạo thành một chiếc phà nhỏ để vận chuyển pháo. Các chiến sĩ công binh cho pháo đi một đoạn sông rồi lại kéo pháo lên, khi gặp những đoạn có ghềnh đá. Cứ thế công binh và pháo binh hiệp đồng liên tục vận chuyển pháo lên và xuống an toàn.
Đường từ Trao đến bến Hiên làm xong thì pháo và thuyền cũng có mặt ở bờ sông Côn chờ lệnh cho pháo xuống thuyền xuôi về Thượng Đức. Ngoài việc ghép thuyền chở pháo, bộ đội còn đóng nhiều bè cây chuối, bè nửa để vận chuyển đạn, gạo vào chiến dịch. Cán bộ chỉ huy tỉnh đội Quảng Đà đã đưa hai máy kéo ĐT54 của Nông trường Quyết Thắng vào bến Hiên để sẵn sàng kéo pháo cao xạ 57 mm vào trận địa khi ta nổ súng đánh Thượng Đức.
Sau một thời gian lao động khẩn trương, từ trục đường chính, ta có 100 kilômét đường mới, toả ra xung quanh đưa lực lượng vào bao vây Thượng Đức.Những ngày chuẩn bị này, cán bộ, chiến sĩ công binh Sư đoàn 304 đã thức thâu đêm trinh sát đường sông, đường bộ, ghép phà, ghép bè hàng thả trôi sông, khắc phục hàng trăm ngầm cho xe chạy ra phía trước. Một bộ phận công binh của trung đoàn 3 Sư đoàn 324 còn tổ chức trận địa đóng cọc chăng dây, bẫy mìn trên sông Vu Gia để chặn đường rút về Đà Nẵng bằng đường sông của địch.
Để đảm bảo đúng thời gian chuẩn bị chiến dịch, Quân đoàn 2 sử dụng tiểu đoàn 1 Lữ đoàn 219 công binh, tăng cường cho Sư đoàn 304. Ngày 8 tháng 6 năm 1974, tiểu đoàn 1 lên đường. Suốt một tuần hành quân liên tục cả ngày đêm trên đoạn đường 200 kilômét.
 |
Ảnh tư liệu Phía Mỹ |
Ngày 17 tháng 7, con đường đã cơ bản hoàn thành. Tính ra để làm con đường này, bộ đội ta phải bỏ ra hàng trăm nghìn ngày công, 25 tấn thuốc nổ, đào đắp 250.000 mét khối đất, đá, xây dựng hơn 300 cầu và ngầm.
Sau hơn một tháng vật lộn vô cùng gian khổ với con đường, đêm 17 tháng 6, các xe, pháo của ta đã bí mật kéo vào tập trung ở bến Hiên. Một số khẩu pháo nặng được các chiến sĩ ưu tiên đưa xuống thuyền, bè và mảng xuôi về Thượng Đức.
Kéo pháo lên núi đã khó, đưa pháo xuống thuyền và từ thuyền lên bờ còn gay go hơn, nhất là khi phải giữ bí mật,không được phát ra tiếng động, không được có ánh lửa. Nhưng bộ đội ta cùng với một đại đội nữ du kích và hàng trăm dân công của huyện đã khắc phục mọi khó khăn trở ngại, trong hai đêm đã kéo được hai khẩu pháo 85, một khẩu cối 160 vào chiếm lĩnh trận địa (cách địch không đầy hai kilômét).
Đêm 28 tháng 7 năm 1974, toàn bộ đội hình các đơn vị thamchiến đã vào chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công. Bộ Tư lệnh Sư đoàn 304 quyết định sử dụng lựclượng như sau:
- Trung đoàn 66 bộ binh đảm nhiệm đánh trận then chốt, tiến công tiêu diệt chi khu quân sự và quận lỵ Thượng Đức. Tiểu đoàn 7 đảm nhiệm trên hướng chủ yếu từ hướng Đông đành thẳng vào khu vực tiểu đoàn 79 biệt động. Tiểu đoàn 9 (hướng thứ yếu), hai đại đội từ tây bắc đánh vào khu bảo an và quận lỵ. một đại đội chặn địch ở cầu Hà Tân, không cho địch rút chạy. Tiểu đoàn 8 là lực lượng dự bị.
- Trung đoàn 3 bộ binh (Sư đoàn 324) tiến công tiêu diệt địch ở đồn Ba Khe và bao vây địch ở điểm cao 52 sử dụng đại đội 17 của trung đoàn, tổ chức cắm cọc và gài mìn, làm vật cản trên sông Vu Gia ở đoạn cuối thôn 15, lực lượng còn lại sẵn sàng đánh địch rút chạy về Đà Nẵng và từ Đà Nẵng lên ứng cứu.- Tiểu đoàn 10 bộ đội địa phương đảm nhiệm diệt địch đóng ở các thôn 12, 13, 14, 15 và một số đồn xung quanh Thượng Đức.
Ác liệt từ trận then chốt
Sau khi Sư đoàn 2 tiến công tiêu diệt Nông Sơn- Trung Phước, đúng 5 giờ ngày 29 tháng 7, Bộ Tư lệnh chiến dịch phát lệnh tiến công Thượng Đức. Hai phát pháo hiệu xanh, đỏ vút lên không trung và tín hiệu "Bão táp" được truyền đi các hướng.Pháo binh ta lập tức dồn dập nã đạn vào Thượng Đức. Nga ytừ loạt đạn đầu, tên quận trưởng bị thương nặng. Cả cứ điểm chìm trong khói lửa của hoả lực ta. Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 nổ súng chậm hơn 15 phút so với toàn mặt trận vì sương mù không rõ mục tiêu. Hoả lực trung đoàn dội xuống Ba Khe, HàSống. Đúng 6 giờ, đại đội trưởng đại đội 6 Nguyễn Phúc dẫn đại đội đánh thẳng vào Ba Khe, sau 30 phút, làm chủ được căn cứ, diệt hàng trăm tên, bắt 8 tên. Tiền đồn phía đông Thượng Đức đã bị ta chiếm. Tiểu đoàn 8 trung đoàn 3 do tiểu đoàn trưởng Phạm Huy Chưởng chỉ huy nhanh chóng bao vây Hà Sống, chốt đường bộ và đường sông, ngăn chặn bọn địch từ Thượng Đức về và từ Hà Sống lên chi viện. Các đơn vị khác cũng làm chủ nhiều thôn xóm. Tiểu đoàn 10 bộ đội địa phương làm chủ các mục tiêu được phân công, tạo thành thế trận bao vây chia cắt địch ngay từ đầu. Cờ Giải phóng tung bay trên các thôn xóm quanh Thượng Đức.
Cuộc chiến đấu lúc đầu tưởng như rất thuận lợi, nhưng tại khu vực mục tiêu chính khi pháo ta chuyển làn, trung đoàn 66 vẫn không tổ chức xung phong được, vì cả hai hướng đều chưa tạo được cửa mở vào cứ điểm. Bộ phá rào ở hướng tiểu đoàn 7 chỉ mở được hai phần ba hàng rào, một bộ khác ở hướng thứ hai bị hỏng máy điểm hoả không sử dụng được. Các đồng chí Nguyễn Quý và Trần Kiên Quyết, cán bộ chỉ huy trung đoàn 66 quyết tâm chuyển sang đánh bộc phá liên tục để mở cửa, nhưng do không chuẩn bị trước, nên chưa thể tiến hành mở cửa tiếp. Mặt khác, do chủ quan, coi thường địch, đơn vị đã không tổ chức đào công sự ở khu vực cửa mở, nên thương vong nhiều. Về phía địch, do vị trí quan trọng của Thượng Đức nên chúng cố sức "tử thủ”.
Ngay từ khi nhận được tin ta có thể đánh Thượng Đức, tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân khu I của địch đã gọi Nguyễn Quốc Hùng - quận trưởng Thượng Đức về Đà Nẵng bàn việc phòng thủ. Trưởng ra lệnh điều pháo từ Đà Nẵng lên và cấm trại một thiết đoàn xe tăng cùng hai tiểu đoàn bộ binh để sẵn sàng tiếp viện ứng cứu Thượng Đức khi bị ta tiến công. Trong các ngày 29 và 30 tháng 7, bọn chỉ huy Quân khu 1 địch cho máy bay ở Đà Nẵng liên tục xuất kích chi viện cho quân đồn trú của chúng ở Thượng Đức. Bọn địch trong căn cứ dựa vào hầm ngầm, công sự và hệ thống hoả lực dày đặc vừa ngoan cố đánh cản các đợt xung phong của bộ binh ta, vừa ráo riết tổ chức lực lượng phản kích chiếm lại các vị trí đã mất. Cuộc chiến đấu trở nên gay go, quyết liệt.
Ngày 31 tháng 7, ngày thứ 3, tiểu đoàn 8 nhận nhiệm vụ thay tiểu đoàn 7 tiếp tục tiến công. Nhưng do chỉ huy thiếu tỉ mỉ, cụ thể, tổ chức hiệp đồng chủng chặt, tiểu đoàn 8 tổ chức xung phong ba lần vẫn không thành công. Bộ đội bị thương vong; phải đưa về phía sau.
17 giờ ngày 31, trước sự phức tạp của trận đánh then chốt, chỉ huy Sư đoàn 304 lệnh cho trung đoàn 66 tạm ngừng tiến công, chuyển sang giữ vững địa bàn đã chiếm được, sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Sư đoàn 304 quyết định chủ trương tiếp tục sử dụng trung đoàn 66 đánh địch trên hướng chủ yếu, tổ chức rút kinh nghiệm, củng cố về tư tưởng, tổ chức và cách đánh tiến công tiêu diệt chi khu quận lỵ Thượng Đức. Hội nghị đã kiểm điểm nghiêm khắc trách nhiệm lãnh đạo và chỉ huy của bí thư đảng ủy sư đoàn, chính ủy và sư đoàn trưởng trong lãnh đạo, tổ chức chỉ huy bộ đội, chưa triệt để, giải quyết tư tưởng chủ quan khinh địch, nên đánh trận đầu không thành.
|
Sau hội nghị, đồng chỉ Nguyễn Chánh - Phó tư lệnh Quân khu 5, đồng chí Hoàng Đan - Phó tư lệnh Quân đoàn và đồng chí Trần Bình - Chính ủy Sư đoàn 304, xuống trực tiếp nắm tình hình trung đoàn 66. Tuy đánh chưa thắng địch và thương vong nhiều, nhưng cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 66 vẫn giữ vững quyết tâm chiến đấu và mong sớm được giao nhiệm vụ đánh tiếp. Cuộc gặp gỡ, động viên của cấp trên đã củng cố thêm quyết tâm cho toàn đơn vị, nên gần một tuần, bộ đội ta vẫn bám trụ trận địa, củng cố công sự tạo thế xen kẽ, vây ép địch.
Từ ngày 31 tháng 7 đến ngày 7 tháng 8, trung đoàn 3 Sư đoàn 324 tiếp tục làm nhiệm vụ tiến công tiêu diệt địch ở Hà Sống, Hà Tân, tạo thành thế bao vây Thượng Đức. Cho nên mặc dù trung đoàn 66 không đánh dứt điểm được Thượng Đức, ta vẫn có điều kiện chốt giữ, đánh địch cứu viện, tạo điều kiện cho trung đoàn 66 tổ chức lại lực lượng, rút kinh nghiệm và thực hành tiến công dứt điểm Thượng Đức trong giai đoạn sau.
Còn nữa
TRẦN DANH (lược thuật)