LTS: Vừa qua phóng viên báo Quân đội nhân dân đã về Đoàn Sao Vàng (Quân khu 1) khảo sát việc thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với chế độ chính ủy, chính trị viên. Từ số báo hôm nay chúng tôi xin giới thiệu tới bạn đọc những kinh nghiệm bước đầu, sau hơn 5 tháng thực hiện Nghị quyết.


Bài 1: Cơ chế đúng

Bắt đầu là cuộc trao đổi rất cởi mở giữa đồng chí Thiếu tướng Vi Văn Mạn, ủy viên Trung ương Đảng, Chính ủy Quân khu cùng với lãnh đạo, chỉ huy đoàn Sao Vàng và đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Quang Thống, Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân. Đồng chí Chính ủy nói:

- Sau hơn 20 năm không thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên, nay chúng ta khôi phục lại đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, chiến sĩ. Đội ngũ cán bộ chính trị thì rõ rồi, nhưng người chỉ huy, cán bộ quân sự, hậu cần, kỹ thuật cũng đều rất thống nhất, tổ chức thực hiện ngay. Không chỉ ở đoàn Sao Vàng mà toàn quân khu, cho đến nay đều có chung nhận thức, như Nghị quyết 513 của Đảng ủy Quân sự Trung ương đã chỉ ra: “Thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm tăng cường sức mạnh lãnh đạo của tổ chức Đảng, hiệu lực công tác Đảng, công tác chính trị và hiệu lực của chế độ một người chỉ huy, đảm bảo cho quân đội luôn là lực lượng chính trị - lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ Tổ quốc và nhân dân…”.

Chúng tôi gợi hỏi:

- Kết quả đó là do làm tốt bước tuyên truyền giáo dục?

Đồng chí Chính ủy Quân khu giải thích:

- Đương nhiên cũng do tuyên truyền giáo dục, nhưng chính là ở chỗ Nghị quyết đúng, nên được cuộc sống chấp nhận.

Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn trưởng đoàn Sao Vàng bổ sung thêm:

- Thực hiện Nghị quyết 51, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy càng phối hợp với nhau tốt hơn, đoàn kết chặt chẽ hơn, tuyệt nhiên không có gì “vướng” trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ đơn vị. Nhất là tính chủ động sáng tạo và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ nói chung, chính ủy, chính trị viên nói riêng thì cao hơn hẳn so với trước đây.

Ý kiến của đồng chí Đoàn trưởng cũng thống nhất với kết quả mà chúng tôi khảo sát ở đơn vị An Lão và đơn vị Tây Sơn thuộc đoàn Sao Vàng. Tại tiểu đoàn 2, đơn vị An Lão, nghe chúng tôi trao đổi nội dung cần tìm hiểu ở đơn vị, chính trị viên tiểu đoàn triệu tập ngay bốn chính trị viên của các đại đội đến cùng trao đổi.

Câu hỏi chúng tôi đặt ra: “Tại sao trách nhiệm của chính ủy, chính trị viên lại cao hơn từ khi thực hiện Nghị quyết 51?” - đồng chí chính trị viên giải thích rất có lý, có tình:

- Ngay từ đại hội VIII của Đảng đến nay, trong quy định đều xác định phó chỉ huy trưởng về chính trị là người chủ trì về công tác Đảng, công tác chính trị và hầu hết được tổ chức Đảng các cấp tín nhiệm bầu làm bí thư, nhưng vì là cấp phó nên vẫn có biểu hiện ỷ lại cho cấp trưởng, nhiều việc chờ cấp trưởng chỉ thị mới tổ chức thực hiện. Còn nay là người chủ trì về chính trị, quan hệ với người chỉ huy là phối hợp công tác nên phải chủ động mang hết trách nhiệm ra phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, chứ không thể dựa dẫm được.

 

Thượng úy Triệu Minh Hiếu, chính trị viên đại đội 6 dẫn chứng về đợt đơn vị đi diễn tập nâng cao vừa qua. Cùng với đại đội trưởng đi nhận nhiệm vụ, Hiếu đã nghĩ những vấn đề trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, rồi bàn bạc ngay trên đường về với đại đội trưởng và thống nhất hai vấn đề cần tập trung lãnh đạo, là bảo đảm tuyệt đối an toàn và làm tốt công tác dân vận. Vì khác với các đợt diễn tập trước, lần này các bài bắn nâng cao theo tiêu chuẩn mới và ở nhà dân dài ngày hơn. Hiếu nói:

 

- Trước đây, thì còn phải đợi đại đội trưởng quán triệt, giao nhiệm vụ, sau đó các cấp phó, kể cả phó về chính trị mới cùng bàn kế hoạch thực hiện… Như thế, triển khai về công tác Đảng, công tác chính trị sẽ không được kịp thời bằng nhận trực tiếp ở cấp trên.

Khác với tiểu đoàn 2, ở tiểu đoàn 3, trung tá Nguyễn Quốc Bài, chính trị viên tiểu đoàn lại dẫn chúng tôi đi gặp hầu hết các đại đội trưởng. Tìm hiểu chúng tôi thấy thực hiện cơ chế mới, đồng thời với nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ còn phát huy được sự bàn bạc dân chủ, thống nhất rất cao giữa người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên, điều mà trước đây chưa phải ở đơn vị nào cũng thường xuyên làm được. Mùa huấn luyện năm nay ở tiểu đoàn 3 kết quả đồng đều hơn hẳn năm ngoái, là do đồng chí tiểu đoàn trưởng và chính trị viên đã bàn bạc với nhau rất kỹ, nắm chắc đối tượng, phân tích chất lượng “đầu vào” của chiến sĩ mới để xây dựng chương trình huấn luyện, nhất là huấn luyện ngoài giờ, huấn luyện “vét” cho phù hợp với từng đối tượng chiến sĩ.

Còn ở đơn vị Tây Sơn, hôm chúng tôi đến là thứ sáu, theo kế hoạch tối các trung đội bình tuần. Tôi ngủ lại, hơn 20 giờ đến tiểu đoàn 4, “bí mật” dự buổi họp đột xuất của đại đội 42 do thiếu úy Dương Tuấn Anh, chính trị viên đại đội chủ trì. Anh mới ra trường, còn rất trẻ cả tuổi quân và tuổi đời mà điều hành buổi sinh hoạt đâu ra đấy, giao nhiệm vụ cho các trung đội thực hiện nhiệm vụ trực SSCĐ phục vụ Hội nghị Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC lần thứ 14 họp tại Hà Nội. Đại đội trưởng của đại đội 42 là thượng úy Trương Anh Tiến, hơn Dương Tuấn Anh đến 6 tuổi. Ngày mai Tiến đi công tác, mọi việc sẽ bàn giao lại cho Anh chủ trì.

Tôi trao đổi về năng lực của Dương Tuấn Anh với thượng tá Nguyễn Đình Triển, Phó chính ủy đơn vị Tây Sơn. Với giọng điềm tĩnh anh Triển nói:

- Từ khi thực hiện Nghị quyết 51, đội ngũ cán bộ, nhất là chính ủy, chính trị viên trưởng thành nhanh và chủ động hơn. Nếu như trước đây thì cấp quân hàm thấp như Dương Tuấn Anh là phó đại đội trưởng về chính trị, thì chắc là chưa mạnh dạn và tự tin được như thế. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cán bộ còn phải cố gắng rất nhiều, nhất là mối đoàn kết hiệp đồng giữa người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên. Nếu tất cả vì nhiệm vụ chung thì mọi khó khăn đều có thể gỡ được. Đúng như cách nói hình ảnh của đồng chí chính ủy Quân khu với đội ngũ cán bộ của đoàn Sao Vàng: Một thì gánh, hai thì khênh, nhưng nếu là ba thì có khi lại bỏ…

Bài và ảnh: HUY THIÊM, HỒNG HẢI