QĐND Online - Bên hành lang Quốc hội ngày 12-11, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về một số vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

PV: Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và các ý kiến của thành viên Ủy ban Quốc phòng An ninh đều thống nhất cho rằng, nên thay đổi thời hạn nghĩa vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời bình từ 18 tháng lên 24 tháng. Quan điểm của Thiếu tướng về vấn đề này như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ:  Đối với luật cũ thời hạn thì hạ sĩ quan, binh sĩ của bộ binh là 18 tháng, còn hạ sĩ quan chỉ huy, chuyên môn kỹ thuật, hải quân… là 24 tháng. Hiện nay, dự thảo luật nâng lên 24 tháng là hợp lý. Vì vừa qua, quân đội ta được trang bị binh khí kỹ thuật ngày càng hiện đại, đáp ứng cho các chương trình huấn luyện thời gian quy định cứng như cũ thì được nhưng nếu cần thời gian hợp luyện để phục vụ cho diễn tập cấp trung đoàn trở lên thì không đảm bảo. Nên cần thời gian huấn luyện thêm.

Ngoài ra, đối với vấn đề 18 tháng với bộ binh, khi động viên anh em đi học cán bộ hạ sĩ quan, binh sĩ chuyên môn nghiệp vụ, các trường quân đội đào tạo rất khó khăn. Vì có trường hợp quân khu mở lớp chiêu sinh, động viên anh em rồi, nhưng phía gia đình lại phản đối và cho rằng nếu học hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật thêm 6 tháng nữa thì chậm trễ và ảnh hưởng tới kế hoạch riêng. Trong khi chúng ta cũng chưa có chính sách gì ưu đãi cho số anh em học thêm, nên không khuyến khích được. Các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo số lượng cán bộ, hạ sĩ quan chỉ huy và hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật phục vụ trong thời bình.

Do đó, việc tăng thời hạn này lên 24 tháng vừa bảo đảm công bằng chung với mặt bằng xã hội, vừa tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị về mặt quân số cán bộ, hạ sĩ quan phục vụ trong thời bình.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Xuân Tỷ phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN.

PV: Thế còn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyền kéo dài thêm thời hạn tại ngũ của hạ sĩ quan – binh sĩ không quá 6 tháng nữa. Có ý kiến nên bỏ quy định này để tránh nảy sinh những vấn đề khác. Thiếu tướng thấy sao về vấn đề này?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ: Việc trao quyền này là rất cần thiết vì đơn vị quân đội ở nhiều cấp, nhiều góc độ và nhiều đơn vị nhiệm vụ khác nhau, cả bộ binh, binh chủng và quân chủng khác nhau. Nhất là trong trường hợp đồng chí nào đang làm nhiệm vụ đặc biệt hoặc vững chuyên môn nhiệm vụ mà chưa có người thay thế kịp thì việc kéo dài thời hạn phục vụ thêm 6 tháng là cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đảm bảo quốc phòng - an ninh hiện nay.

PV: Trong dự thảo Luật quy định về độ tuổi nhập ngũ đối với công dân học Đại học được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì đến hết 27 tuổi. Việc kéo dài thời gian gọi nhập ngũ với đối tượng trên có hợp lý không, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ:  Anh em cơ bản học Đại học từ 18 đến 23 tuổi, còn 2-3 năm nữa mới tới 25 tuổi thì sẽ thừa. Nhưng khi soạn thảo cân nhắc tới 27 tuổi mới tuyển số này để đảm bảo số lượng và chất lượng cho quân đội xây dựng chính quy hiện nay theo tôi là hơi dài. Theo tôi, chỉ nên tuyển công dân tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng ở độ tuổi từ 23 đến 25 tuổi trở lại vì họ vừa trẻ, khỏe, đủ điều kiện để tham gia.

PV: Có quan điểm cho rằng cần giảm đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền nghĩa vụ quân sự cũng như đảm bảo công bằng xã hội. Thiếu tướng có đồng tình với quan điểm trên?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ:  Đúng. Tạm hoãn, tạm miễn vừa rồi quá rộng, cần thu hẹp lại để đảm bảo công bằng xã hội. Đã là nghĩa vụ quân sự là thiêng liêng, bảo vệ Tổ quốc. Chứ nếu để đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ rộng quá sẽ dẫn tới hiện tượng “né”, trốn đi nghĩa vụ quân sự, không công bằng đối với nhiều đối tượng khác.

PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

PHÚC THẮNG (ghi)