Sẽ là thiếu sót nếu nói tới sự phát triển, trưởng thành của Bộ đội Công binh mà không đề cập đến ngành Công binh Công trình. Ra đời cách đây nửa thế kỷ, ngành Công trình đã có những đóng góp đáng kể vào truyền thống "Mở đường thắng lợi" của Bộ đội Công binh. Đồng bào cả nước sẽ còn ghi nhớ mãi hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ ngành công trình trong những năm tháng chiến tranh bám đơn vị, bám chiến trường xây dựng những công trình phòng thủ, chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam.
Đã là bộ đội thì làm nhiệm vụ nào và ở đâu, thời kỳ nào cũng vất vả, gian lao. Nhưng đối với những cán bộ, chiến sĩ Công binh Công trình thì tính chất khó khăn, gian khổ phần nào nặng nề, nguy hiểm hơn. Công trình ra đời, nhưng sự vất vả, nhọc nhằn của những con người đằng sau đó thì ít người biết tới. Vì thế mà người ta gọi sự hy sinh của những người lính Công binh Công trình là sự hy sinh thầm lặng. Nơi mà những người lính công trình đặt chân tới không phải những phố phường sầm uất mà hầu hết là biên giới, hải đảo với rừng núi cheo leo, vực sâu thăm thẳm.
Lính công trình là những người "lĩnh" đủ từ không khí lạnh nơi đầu nguồn biên giới, đến cái khô rát của gió Lào hòa trộn vào cái nắng miền Trung và cả sự mặn mòi của những vùng biển, đảo. Nhưng so với thế hệ cha anh đi trước thì chừng ấy chẳng thấm vào đâu. Bài học xây dựng công trình chiến đấu qua các cuộc chiến tranh đã giúp cho ngành Công binh Công trình hôm nay tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh về mặt lý luận và thực tiễn để hoàn thành tốt hơn chức năng, nhiệm vụ. Kịp thời - chất lượng - an toàn - tiết kiệm là bốn yếu tố luôn được ngành công binh công trình đặt lên hàng đầu trong thiết kế, thi công các công trình chiến đấu. Bộ Tổng tham mưu và Binh chủng Công binh đánh giá cao khả năng tham mưu và hiệu quả xây dựng các công trình của ngành Công binh Công trình.
Trong điều kiện các đơn vị thiếu hụt về lực lượng, hầu hết khối lượng thiết kế công trình quốc phòng hằng năm đều tập trung về Bộ tư lệnh Binh chủng, nhưng Phòng Công trình Quốc phòng vẫn chủ động khắc phục để trực tiếp khảo sát, thiết kế các công trình chiến đấu trong toàn quân. Để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng và bảo đảm an toàn, ngành Công trình Binh chủng Công binh luôn quan tâm đúng mức đến hoạt động nghiên cứu, phát huy sáng kiến cải tiến khoa học công nghệ. Hiệu quả của hoạt động này đã góp phần giải quyết thành công giải pháp kỹ thuật giảm âm, thoát khói và cơ động của một số vũ khí, trang bị. Giải pháp đào bạt nhỏ, chui sớm đã góp phần đáng kể bảo đảm bí mật các công trình, tiết kiệm khối lượng đào bạt, tăng khả năng an toàn khi thi công. Khả năng chống thấm, chất lượng, thẩm mỹ của các công trình do ngành đảm nhiệm ngày càng tăng nhờ áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật ván khuôn và áp dụng phụ gia cho bê tông.
Chúng tôi đã đi thăm nhiều công trình quốc phòng do Binh chủng Công binh xây dựng nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là những công trình xây dựng trong môi trường cát. Mặc dù khó khăn gấp bội phần, nhưng bằng những đề tài nghiên cứu thiết kế và biện pháp thi công phù hợp, các công trình vẫn đảm bảo tốt cả về tiến độ, chất lượng và thẩm mỹ. Tôi nhớ có lần Thiếu tướng Hoàng Kiền, Tư lệnh Binh chủng đã khẳng định: "Bộ đội Công binh Công trình có đủ khả năng thiết kế và thi công các công trình ở môi trường địa chất phức tạp, đa dạng". Và điều đó ngày càng được minh chứng thuyết phục.
Thời gian gần đây, mặc dù phải thiết kế, thi công nhiều công trình lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi khẩn trương nhưng ngành Công binh Công trình nói chung và Phòng Công trình Quốc phòng (Binh chủng Công binh) nói riêng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2006, phòng Công trình Quốc phòng (Binh chủng Công binh) đã khảo sát thực địa, xử lý số liệu, lập hồ sơ khảo sát xong 60 dự án xây dựng công trình, lập hoàn chỉnh hồ sơ cho 55 công trình, thiết kế xong 34 công trình sở chỉ huy các cấp và 30 dự án công trình cho các đồn biên phòng; thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán cho 54 công trình và 30 dựa án...
Đại tá, Tiến sĩ Lê Đình Tân, Trưởng phòng Công trình Quốc phòng của Binh chủng Công binh hiểu tường tận rằng: Để có những thành quả ấy, lính Công trình đã phải đổ bao mồ hôi, công sức và cả xương máu. Công việc vất vả đã đành, nhưng "thiệt thòi" nhất của những người lính công trình là không thường xuyên được giao lưu, tiếp xúc với bên ngoài, ít được hưởng thụ văn hóa tinh thần... Hầu hết các công trình đều ở xa trung tâm, đối với những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong ngành Công binh Công trình đã lập gia đình thì thời gian về thăm nhà mỗi năm là rất ít. Đấy là chưa nói đến công việc hằng ngày, để xây dựng công trình tuyệt đối an toàn, cán bộ, nhân viên của ngành phải tìm kiếm, thu gom, dò gỡ, tiêu hủy các loại mìn, đầu nổ - những thứ "giết người giấu mặt" trong lòng đất... Nhưng tất cả những thử thách khắc nghiệt ấy không khuất phục được những người lính thợ mang phù hiệu kết hợp giữ cái cuốc chim, cái xẻng và nửa vành bánh răng.
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy trong thời bình, truyền thống "Mở đường thắng lợi" vẫn được cán bộ, chiến sĩ ngành Công trình trân trọng và phát huy. Mỗi lần nhắc tới và nghĩ về Bộ đội Công binh Công trình nói riêng, hẳn ai cũng cảm phục tinh thần quả cảm, đức hy sinh không ngại gian khó của họ.
NGỌC TRAI - NGUYÊN THẮNG