Trao đổi với chúng tôi về ý tưởng ra đời sáng kiến này, anh Hải cho biết: “Mỗi lần ra thao trường tham quan đơn vị huấn luyện, tôi thấy việc bố trí âm ly, loa đài phục vụ rất khó khăn, bất cập do phải sử dụng một lượng dây dẫn lớn, mất nhiều thời gian. Trong khi đó, địa hình rừng núi phức tạp dẫn đến khả năng cơ động hạn chế. Để cán bộ, chiến sĩ nghe được âm thanh của tiếng bom rơi, đạn nổ, cảm nhận được sự ác liệt của chiến tranh mà không cần phải chuẩn bị hệ thống thiết bị lỉnh kỉnh như trước, tôi đã nghiên cứu thiết bị tạo giả âm thanh điều khiển từ xa, đáp ứng được những yêu cầu trong huấn luyện bảo đảm sát thực tế chiến đấu”.
Được biết, sáng kiến này có cấu tạo khá đơn giản, gồm 3 loại modul linh kiện điện tử: Bộ thu, phát RE; bộ giao tiếp thẻ nhớ, giải mã âm thanh và bộ xử lý trung tâm. Cùng với đó là thiết bị điều khiển từ xa có thể thu nhận tín hiệu từ khoảng cách hàng trăm mét tùy thuộc vào bộ thu, phát. Thiết bị sử dụng nguồn điện bằng pin khô có thể sạc được nhiều lần với điện áp 5V; điện tiêu thụ 4,5mA đến 30mA, có thể sử dụng trong 12 giờ liên tục, rất tiện lợi trong huấn luyện dã ngoại.
 |
Trung tá QNCN Trương Phúc Hải giới thiệu thiết bị tạo giả âm thanh điều khiển từ xa. |
Thiết bị này hoạt động theo nguyên lý: Bộ phát tín hiệu RE sẽ đưa ra tín hiệu điều khiển theo các số 1, 2, 3… Bộ thu sẽ giải mã và nhận tín hiệu đến, sau đó ra tín hiệu đến bộ xử lý trung tâm. Khi nhận được lệnh từ bộ thu, bộ xử lý trung tâm sẽ cho phép phát âm thanh. Các nhóm âm thanh như tiếng súng, tiếng máy bay, tiếng bom, các bài tuyên tuyền đặc biệt, các tình huống trong các bài huấn luyện… được ghi vào thẻ nhớ. Quá trình thực hiện, người dùng cần phát âm thanh nào chỉ việc ấn nút theo số thứ tự của tên bài có trong thẻ nhớ và có thể chọn bất kỳ bài nào trong đó.
Đánh giá về hiệu quả của sáng kiến này, Đại tá Nguyễn Như Chiêm, Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 301 khẳng định: “Thiết bị tạo giả âm thanh điều khiển từ xa được đưa vào sử dụng trong huấn luyện mang lại nhiều tiện ích, hiệu quả rất cao. Đặc biệt, thiết bị này còn tạo ra âm thanh ba chiều rất sinh động, gây cảm giác sát thực tế chiến đấu, có thể sử dụng ở mọi địa hình mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan”. Được biết, thiết bị này sau khi hoàn thành có chi phí chỉ 800.000 đồng. Năm 2017, tại Hội thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật do Bộ Quốc phòng tổ chức, sáng kiến đoạt giải nhất.
Bài và ảnh: TRẦN QUANG ĐÔNG