QĐND - Viện Thiết kế (Bộ Quốc phòng) là đơn vị đầu ngành toàn quân trong lĩnh vực khảo sát, tư vấn, thiết kế; với chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác tư vấn quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và hệ thống doanh trại; thiết kế, ban hành, quản lý và ứng dụng thiết kế mẫu trong xây dựng doanh trại quân đội, công trình quốc phòng (CTQP); nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong xây dựng, quản lý, sử dụng các CTQP; kiểm định đánh giá tác động môi trường đối với CTQP… Tính chất nhiệm vụ đòi hỏi hàm lượng khoa học cao trong từng sản phẩm, vì vậy những năm qua, cùng với việc quan tâm đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đầu tư trang thiết bị, đổi mới phương thức quản lý, đơn vị luôn quan tâm triển khai tổ chức thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) và phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT).
 |
Lãnh đạo, chỉ huy Viện Thiết kế (Bộ Quốc phòng) thăm, tặng quà người có công ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, TP Hà Nội.
|
Đảng ủy, chỉ huy viện luôn nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác TĐKT và phong trào TĐQT, nên thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới việc tổ chức thực hiện. Theo đó, trong triển khai thực hiện phong trào TĐQT, viện thường xuyên đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành, hướng đột phá vào giải quyết hiệu quả khâu yếu, việc khó, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để phát huy thế mạnh của từng tổ chức, cá nhân, nhất là phát huy vai trò xung kích của tổ chức đoàn, đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư trẻ trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Các cơ quan, đơn vị đã cụ thể hóa thành nội dung, chương trình hành động cụ thể với nhiều cách làm sáng tạo, tạo sự lan tỏa trong thi đua. Trọng tâm là triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm tư vấn, thiết kế, xây dựng cơ quan vững mạnh nhằm tiếp nối xứng đáng truyền thống vẻ vang của ngành tư vấn, thiết kế quân đội. Để phong trào thi đua không hình thức, đơn vị đã phát huy hiệu quả vai trò của Hội đồng TĐKT, cơ quan chính trị trong xây dựng kế hoạch, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến, đơn vị xác định hướng vào các tập thể, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, những dự án trọng điểm; kịp thời phát hiện những nhân tố mới, cách làm sáng tạo để xây dựng tập thể, cá nhân điển hình toàn diện, từng mặt.
Với quan điểm đánh giá đúng những hạn chế, khuyết điểm trong tiến hành công tác TĐKT và phong trào TĐQT của đơn vị, Đảng ủy, chỉ huy Viện luôn yêu cầu cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải có nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác TĐKT và phong trào TĐQT, xây dựng động cơ thi đua đúng đắn; đề cao trách nhiệm, gương mẫu trong tổ chức, thực hiện phong trào thi đua. Đặc biệt, việc đổi mới nội dung, hình thức tổ chức theo hướng chủ đề thi đua ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu; chỉ tiêu thi đua cụ thể, có tính khả thi; mục tiêu thi đua phải toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, đột phá giải quyết khâu yếu, việc khó để tạo ra sản phẩm tư vấn, thiết kế bảo đảm bền, chắc, đẹp, tiết kiệm, công năng sử dụng cao, phù hợp với điều kiện sinh hoạt, huấn luyện, SSCĐ của bộ đội. Quá trình tổ chức thi đua luôn lồng ghép với các cuộc vận động, phong trào thi đua của các ngành, kết hợp giữa thi đua thường xuyên với các đợt thi đua cao điểm, đột kích để tạo ra điểm nhấn; tinh thần đua, đuổi, vượt. Đồng thời, đấu tranh phê phán những biểu hiện ganh đua, thổi phồng thành tích, hoặc nặng về biện pháp hành chính. Làm tốt công tác sơ kết, tổng kết; kết hợp chặt chẽ giữa thi đua và khen thưởng; TĐKT với công tác chính sách, công tác cán bộ. Khắc phục tình trạng “phát nhưng không động”, hoặc “khen nhưng không thưởng”. Việc khen thưởng cần quan tâm những đối tượng lao động, công tác trực tiếp ở cơ sở; thường xuyên củng cố, kiện toàn, duy trì hiệu quả hoạt động của Hội đồng TĐKT, phát huy vai trò tư vấn của cơ quan chính trị; chăm lo bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác TĐKT.
Từ cách làm như vậy, nên phong trào TĐQT đã thật sự “thấm” vào từng con người, tổ chức và “chuyển hóa” vào từng sản phẩm của đơn vị. Viện đã tham gia tư vấn, thiết kế nhiều loại công trình quan trọng trong và ngoài quân đội có quy mô lớn, độ phức tạp cao. Hoàn thành xuất sắc công tác nghiên cứu mẫu doanh trại tiểu đoàn bộ binh đủ quân, đồn biên phòng; thiết kế điển hình 6 loại trường bắn hiện đại trong toàn quân; triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học về nhà lắp ghép dã ngoại, ứng dụng xi măng lưới thép công nghệ 3D, vật liệu xốp nhẹ cho nhà cơ động; đầu tư phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng và kiểm định chất lượng công trình trị giá hơn 10 tỷ đồng; lập quy hoạch hệ thống doanh trại toàn quân và các căn cứ quân sự; tham gia khảo sát, thiết kế nhiều dự án trọng điểm về an ninh, quốc phòng, kinh tế trong cả nước; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ toàn quân về nghiệp vụ xây dựng cơ bản… Năm 2014, giá trị sản xuất của viện đạt hơn 200 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt hơn 9 triệu đồng/người/tháng; 5 năm liền đảng bộ đạt TSVM. Ngày 18-8-2014, viện được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì. Đây là phần thưởng cao quý, ghi nhận đóng góp của viện trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ ở Viện Thiết kế (Bộ Quốc phòng) cho thấy vai trò quan trọng của công tác TĐKT và phong trào TĐQT. Thi đua tạo ra động lực tinh thần, khích lệ mọi người vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống vẻ vang 60 năm xây dựng và trưởng thành của đơn vị.
Trung tá, Ths NGUYỄN TRƯỜNG SƠN, Bí thư Đảng ủy, Phó viện trưởng Viện Thiết kế (Bộ Quốc phòng)