Hướng dẫn chăm sóc người bệnh ở khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện 103.

Vừa là cơ sở điều trị có nhiều chuyên khoa tuyến cuối, vừa là trung tâm thực hành của Học viện Quân y, Bệnh viện 103 là địa chỉ tin cậy trong huấn luyện, nghiên cứu và điều trị. Bệnh viện có đội ngũ cán bộ, chuyên viên đầu ngành mà nhiều đơn vị ngành y luôn “ao ước”. Là những người thầy, nên kiến thức, kinh nghiệm của các thầy thuốc áo trắng nơi này rất đáng quý. Từ năm 2003, thực hiện chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Bệnh viện 103 được giao nhiệm vụ giúp đỡ về chuyên môn kỹ thuật cho một số bệnh viện tuyến trước. Bây giờ, không chỉ riêng Bệnh viện Quân y 6 (Quân khu 2), Bệnh viện Quân y 43 (Binh đoàn Hương Giang) mà Bệnh viện Quân y 5 (Quân khu 3), Bệnh viện Quân y 211 (Binh đoàn Tây Nguyên)… đã trở thành những địa chỉ tin cậy của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong vùng nhờ sự hỗ trợ tích cực về kinh nghiệm chuyên môn của các bệnh viện đàn anh…

Đại tá, TS Hoàng Mạnh An, giám đốc Bệnh viện 103 cho biết: Nâng cao chất lượng công tác điều trị, đặc biệt là về ngoại khoa, gây mê và hồi sức cấp cứu; tổ chức huấn luyện tại chức, tăng cường năng lực chuyên môn, khả năng nghiên cứu khoa học… là những nội dung chủ yếu của chương trình hỗ trợ tuyến. Đồng thời, khi tổ chức chuyển giao kỹ thuật, thực hiện tốt chương trình kết hợp quân-dân y giữa bệnh viện tuyến và bệnh viện địa phương cũng là mục tiêu quan trọng. Có rất nhiều nội dung để tuyến trên giúp đỡ tuyến dưới, nhưng chủ trương của bệnh viện là “đưa những điều tuyến dưới cần” và bằng cách hướng dẫn tận tình, cụ thể, nên chỉ trong thời gian ngắn, hiệu quả đạt được khá tốt. Chẳng hạn, đối với Bệnh viện 43, Bệnh viện 103 đã tập trung giúp 6 chuyên ngành (chấn thương, lồng ngực, bụng, xét nghiệm, giải phẫu bệnh lý và các kỹ thuật chẩn đoán chức năng), mục tiêu là trong năm 2007, Bệnh viện 43 có chỗ đứng vững chắc trên địa bàn. Thực tế, tháng 12-2007, khi đánh giá tình hình công tác tuyến tại Bệnh viện 43, các nhà chuyên môn cả quân y, dân y đã ghi nhận bước “đột phá” trong khám, điều trị cho người bệnh tại cơ sở y tế này. Trung tá, bác sĩ chuyên khoa 2, giám đốc Bệnh viện 43 Nguyễn Hữu Thọ phấn khởi khẳng định những kỹ thuật mới mà bệnh viện đã làm được, bởi theo anh “có trình độ chuyên môn tốt mới khám, chữa bệnh tốt”. Các kỹ thuật kết xương bằng nẹp vít, đóng đinh nội tủy, khung cố định ngoài; phẫu thuật cắt đoạn dạ dày, đường mật, cắt túi mật, đóng hậu môn nhân tạo; kỹ thuật đặt Cathette dưới đoàn; quy trình làm huyết đồ, kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ… đã và đang phục vụ hiệu quả người bệnh. Thay vì phải chuyển tuyến sau, người bệnh được điều trị tại chỗ với sự đảm bảo về chuyên môn, giảm chi phí cả tiền của và thời gian.

Với Bệnh viện 6 (Quân khu 2) “án ngữ”, cấp cứu, điều trị cho khu vực miền tây của Tây Bắc rộng lớn đã được đầu tư cơ sở vật chất khá tốt thì huấn luyện để nâng cao trình độ toàn diện của anh em là cái đích đặt ra. Từ chủ chương trên, hằng năm các đội công tác của Bệnh viện 103 đã “ba lô lên đường”, sát cánh bên đồng đội chia sẻ kinh nghiệm. Kinh nghiệm từ các bậc đàn anh ở một viện-trường đào tạo hàng đầu nhanh chóng được truyền lại cho tuyến dưới. Cùng các thầy, các anh khám bệnh, cùng được trao đổi thông tin, cùng điều trị người bệnh nên việc học hỏi vừa nhiều, vừa nhanh. Tiến sĩ Hoàng Mạnh An cho biết: Hiện tại, các bệnh viện được giúp đỡ đã có thể khai thác tốt trang thiết bị hiện có và làm thành thạo kỹ thuật chuyên môn phân cấp, triển khai ứng dụng nhiều kỹ thuật thuộc về tuyến trên. Trong những lần đến với các bệnh viện tuyến dưới, với lợi thế sẵn có từ quá trình đào tạo của Học viện Quân y, các bác sĩ Bệnh viện 103 còn là cầu nối gắn kết hoạt động giữa bệnh viện quân đội với các bệnh viện dân y trên địa bàn. Nhờ đó, sự đoàn kết, gắn bó được tăng cường; cùng hỗ trợ nhau trong xử trí, cấp cứu, điều trị người bệnh; tính mạng, sức khỏe của bộ đội, nhân dân được chăm lo tốt hơn. Bác sĩ Bùi Ngọc Đĩnh, Phó giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang đánh giá cao sự hợp tác, giúp đỡ giữa ba bệnh viện (103, 43, Bắc Giang) bởi theo anh, chính các bác sĩ, phẫu thuật viên là những người được “hưởng” thành quả của khoa học. Nhiều kinh nghiệm quý, kiến thức mới về chuyên môn được trao đổi, đồng nghĩa với tình cảm gắn bó, đoàn kết lực lượng quân-dân y, đoàn kết quân-dân ngày càng thắm thiết hơn. Người bệnh, nhất là người bệnh nghèo đỡ khó khăn hơn vì không phải “ra Hà Nội” nữa.

Năm 2008, Bệnh viện 103 xác định ngoài chương trình tiếp tục chuyển giao, hướng dẫn những kỹ thuật chuyên sâu sẽ thúc đẩy mạnh hơn hướng dẫn về nghiên cứu khoa học cho đội ngũ thầy thuốc tuyến trước. Việc này sẽ giúp các bác sĩ bệnh viện tuyến trước chủ động phát triển chuyên môn tay nghề, đáp ứng tốt hơn chất lượng khám bệnh, chẩn đoán và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh.

Bài, ảnh: NGÔ ANH THU