QĐND - Họ tự nhận là “tân binh”, dẫu đã là sĩ quan, là tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân. Đó là 100 lưu học sinh được Quân đội chọn cử đi đào tạo ở nước ngoài về nước năm 2014, nay đang luyện rèn, bồi dưỡng kiến thức chính trị-quân sự tại Đại đội 27, Tiểu đoàn 9, Trường Đại học Trần Quốc Tuấn.
Theo những tiến sĩ, kỹ sư, nhận là “tân binh” cho vui, cho trẻ và hơn thế là tự xác định trách nhiệm trong luyện rèn. Đại tá Ngô Thanh Doanh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, bày tỏ: "Trong luyện rèn, học tập và chấp hành các chế độ, quy định, anh em có tinh thần tự giác cao, tự thấy đó là nhu cầu, đòi hỏi với một quân nhân. Chúng tôi rất tin tưởng vào họ”.
 |
Các tiến sĩ-học viên thuộc Trung đội 15, Đại đội 27, Tiểu đoàn 9 ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập, nghiên cứu.
|
Xuống các trung đội, chúng tôi thấy lời khen của tiểu đoàn trưởng thật đúng. Mặc dù ngày chủ nhật, nhưng anh em sắp đặt nội vụ, vệ sinh rất gọn gàng, sạch sẽ, chẳng khác nào đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới. Trung úy Phạm Huy Đông, tốt nghiệp Đại học Quốc gia Lào, chuyên ngành ngôn ngữ-văn hóa Lào, có suy nghĩ rất gắn với chuyên ngành học: “6 năm học tập ở Lào, lại là trường dân sự, nên nếp sống quân ngũ của em có phần mai một. Với lớp huấn luyện này, em được “đào tạo lại”, rất thiết thực. Em luôn nghĩ, sắp đặt nội vụ, sắp đặt thời gian, công việc khoa học, không chỉ là yêu cầu của xây dựng chính quy, mà cao hơn là nét đẹp văn hóa quân nhân”.
- Trong sắp đặt nội vụ, anh em thấy việc gì khó nhất?
- Gấp chăn màn ạ!
Khi chúng tôi hỏi, anh em đồng thanh như thế.
- Vậy ai khéo tay, thường gấp chăn màn đẹp nhất? Có ai gấp xấu phải gấp đi, gấp lại?
- Gấp đẹp nhất là tiến sĩ Kiên, còn xấu thì cả đại đội em không có khái niệm này, chỉ chưa được vuông chằn chặn thôi ạ!
Ai đó nhanh nhảu trả lời chúng tôi như thế, khiến đại đội lại vang tiếng cười.
Người được tôn sùng có “đôi tay vàng” gấp chăn là Đại úy, tiến sĩ Lê Trung Kiên, trở về từ Liên bang Nga sau 9 năm học tập, nghiên cứu sinh về thủy lực và vỏ tàu (ngành đóng tàu).
Thật thú vị, tiến sĩ trẻ vừa bén tuổi 31 này đã “nhập môn” vỏ tàu vào gấp chăn! “Một con tàu đẹp là ở dáng, ở vỏ; gấp chăn, màn cũng cần hai yếu tố cơ bản đó, em “vận dụng” và đã thành công, bây giờ tay không còn cứng nữa…”- Tiến sĩ Lê Trung Kiên nói với chúng tôi thật vui như thế.
Thời gian học tập, luyện rèn của 100 tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân dưới “mái nhà Lục quân” (Trường Đại học Trần Quốc Tuấn trước đây là Trường Sĩ quan Lục quân 1 - PV) chỉ có 4 tháng 7 ngày. Thời gian ít, họ tự bù bằng tinh thần nỗ lực, tự giác. Thật đáng quý, ngoài nội dung học, rèn theo chương trình, nhiều anh em còn từ tình cảm, kiến thức của mình mà nghiên cứu những mô hình phục vụ sinh hoạt, công việc của đơn vị và bộ đội.
Thượng úy, thạc sĩ Phùng Kim Phương, từ kiến thức máy tính-điều khiển tự động được trang bị ở Liên bang Nga đã ứng dụng thiết kế phần mềm dùng quản lý quân số, vũ khí, trang bị. Vì công việc này mà có ngày nghỉ Phương không về nhà, dẫu chỉ huy đơn vị cho về theo quy định, dẫu nhà Phương cũng không xa.
Đại úy, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thấu cũng có hơn 10 năm học tập và nghiên cứu sinh ở Liên bang Nga. Từ kiến thức được trang bị ở Đại học Vật lý kỹ thuật và Đại học Hàng không Mát-xcơ-va, tiến sĩ Thấu đã nghiên cứu ứng dụng máy chiếu phục vụ giáo dục truyền thống và sinh hoạt văn hóa-văn nghệ của bộ đội.
Tôi rất đồng cảm với đánh giá và niềm tin của các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy dành cho các tiến sĩ, kỹ sư. Với họ, gấp chăn màn, tăng gia sản xuất, thực hiện đề tài mi-ni… không là chuyện nhỏ!
Bài và ảnh: THÀNH HẢI PHƯƠNG