Theo tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn, trong thời gian gần đây các quan chức Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã liên tục cảnh báo giới chức Mỹ về một cuộc "đổi ngôi" trong không gian sau khi cả Trung Quốc và Nga đều nỗ lực tiến bước vào vũ trụ...
 |
Mô phỏng một số hoạt động của “Thần Châu 7” trong không gian. Ảnh: china.com |
Theo tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn, trong thời gian gần đây các quan chức Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã liên tục cảnh báo giới chức Mỹ về một cuộc "đổi ngôi" trong không gian sau khi cả Trung Quốc và Nga đều nỗ lực tiến bước vào vũ trụ.
Giám đốc NASA Gríp-phin đã phàn nàn rằng vì muốn tránh khoản chi 100 tỷ USD mà nước Mỹ đã kéo tụt sự phát triển các dự án vũ trụ của nước này. Ông Gríp-phin cho biết, vào năm 2010 khi các phi thuyền của Mỹ “nghỉ hưu”, nước Mỹ sẽ không thể đưa các nhà du hành vào khoảng không để thám hiểm và nghiên cứu, làm cho nhiều công trình nghiên cứu không gian, dự án Mặt Trăng và Sao Hỏa sẽ phải dừng lại. Như vậy nước Mỹ sẽ “trả lại" khoảng không vũ trụ cho Nga và Trung Quốc. Trong phiên điều trần trước quốc hội mới đây, ông Gríp-phin cảnh báo nếu Mỹ "giậm chân tại chỗ" trong vòng 5 đến 10 năm nữa, Trung Quốc sẽ vượt lên trên cả Mỹ, vị trí bá chủ không gian của nước Mỹ sẽ bị "tiếm ngôi".
Có thể thấy rõ, bản đồ không gian đã hình thành thế chân vạc giữa Nga-Mỹ-Trung Quốc. Trong bao năm qua Nga và Mỹ đã thống trị không gian với nhiều thành tựu, tuy nhiên Trung Quốc cũng tỏ ra không kém cạnh. Với tham vọng nghiên cứu Mặt Trăng, Trung Quốc cũng đã có những bước tiến bộ khiến cả thế giới phải kinh ngạc. Từ tháng 9 năm ngoái, khi Trung Quốc phóng vệ tinh Hằng Nga-1 mở màn cho khát vọng chinh phục Mặt Trăng, cả Nga và Mỹ đều biết rằng bản đồ không gian sẽ có thêm một vị trí mới. Các nhà khoa học Mỹ cảnh báo nước Mỹ sẽ chỉ không lạc hậu với Nga mà nước Mỹ sẽ lạc hậu với cả Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục đầu tư như hiện nay thì rất có thể kế hoạch nghiên cứu Mặt Trăng của Trung Quốc còn hoàn thành sớm hơn cả Nga và Mỹ.
Tuy luôn phải dè chừng sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi mối quan hệ Nga-Mỹ ngày càng căng thẳng, đặc biệt sau khi Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga A-na-tô-ni Pơ-mi-nốp tuyên bố về khả năng xây dựng một trung tâm vũ trụ ở Cu-ba, Mỹ đang tính tới khả năng không hợp tác nghiên cứu vũ trụ với Nga nữa. Quan điểm muốn hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ với Trung Quốc được thể hiện rõ hơn trong chuyến công tác bí mật tới Bắc Kinh của phó giám đốc NASA. Mỹ hy vọng có thể liên kết với Trung Quốc trong việc đưa các nhà du hành lên không gian khi Mỹ tạm dừng chương trình tàu vũ trụ. Còn với Trung Quốc, đây là cơ hội quý để nước này tranh thủ tận dụng và học hỏi kỹ thuật hiện đại của Mỹ. Hiện cả Mỹ và Trung Quốc đều có tham vọng xây dựng được căn cứ trên Mặt Trăng để có thể nghiên cứu khoa học, khai thác các nguyên liệu quý và làm bàn đạp cho các chuyến đi tới Sao Hỏa.
Nguyễn Hoà