QĐND - Câu chuyện tôi kể sau đây dẫu đã xảy ra từ gần hai năm trước, nhưng bây giờ mỗi khi có dịp trở lại Sư đoàn 315 công tác, nó vẫn như vừa diễn ra. Câu chuyện vừa là một chiến tích, vừa là bài học kinh nghiệm và cũng trở thành những điều răn dạy được đội ngũ thầy thuốc công tác tại đơn vị truyền lại cho nhau.
Chuyện là, một chiều hè năm 2009, vào khoảng 17 giờ, khi kíp trực ở Bệnh xá Sư đoàn 315 chuẩn bị ra vườn tăng gia thì bỗng có chiếc xe máy phóng như bay, phanh kít trước sân. Mọi người bật dậy lao ra, một thanh niên bế trên tay cháu nhỏ chừng 17, 18 tháng tuổi mềm oặt như tàu lá, kêu to:
- Các anh ơi cứu cháu bị ngạt nước!
Thiếu uý QNCN điều dưỡng viên Bùi Hoàng Phương đỡ bệnh nhân lên giường, móc đờm dãi, ấn tim, làm hô hấp nhân tạo. Cháu bé toàn thân tím tái, ngừng thở, tim ngừng đập, đồng tử giãn to. Dưới sự chỉ huy của kíp trưởng, Trung uý, bác sĩ Trần Đình Bang, các thầy thuốc khẩn trương mỗi người một việc: Đặt dây truyền dịch, bật máy hút đờm, gắn máy điện tim. Không khí trong buồng cấp cứu căng thẳng tột độ. Phải đặt nội khí quản ngay! Rất may bệnh xá có sẵn một ống vừa với trẻ nhỏ song phải đặt đến 2 lần mới xong. Các thầy thuốc bóp bóng, ấn tim. Thời gian nặng nề trôi qua, tim vẫn ngừng đập. Còn nước còn tát, bác sĩ Bang tiêm Adrenalin trực tiếp vào buồng tim, quyết giành giật sự sống với tử thần. Ở bên ngoài cha mẹ cháu bé khóc ngất. Bà con khu vực xung quanh nghe tin kéo đến mỗi lúc một đông, nét mặt ai nấy như bị kéo căng ra. Gần 10 phút trôi qua, vẫn chưa có dấu hiệu tim đập trở lại. Tiếp tục tiêm Adrenalin và hô hấp nhân tạo, người cháu bé ấm hơn, đồng tử co bớt lại. Tiếng ấn tim và bóp bóng vẫn đều đều. Và điều kỳ diệu đã đến: Tim cháu bé bắt đầu đập những nhịp yếu ớt. Nhìn những đường chỉ chạy ngoằn ngoèo hiện trên bảng điện tim, anh em kíp trực mừng đến trào nước mắt. Gương mặt ai nấy đẫm mồ hôi song nếp nhăn dần giãn ra. Đã có tia hy vọng! Vẫn phải hỗ trợ ấn tim, bóp bóng, tiêm thuốc. Cháu bé đã tự thở được. Vậy là sống rồi! - ai đó khẽ reo lên. Hai mươi phút sau, những nhịp tim yếu ớt cứ mỗi lúc một đều hơn. Không cần ấn tim nữa, chỉ cần bóp bóng hỗ trợ theo nhịp thở. Các thầy thuốc lau mồ hôi, thở phào, tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến bệnh tình. Vừa lúc chiếc xe cấp cứu 115 đến nơi chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị. Bà con có mặt chứng kiến hôm ấy vỗ tay không ngớt: “Thầy thuốc bộ đội giỏi quá!”.
Sau này, mọi người kể lại, cháu bé đó chẳng may bị ngã vào thùng nước rửa tại một công trường khai thác đá.
Bây giờ, bác sĩ Trần Đình Bang đã mang quân hàm thượng uý và anh cũng được cấp trên điều về công tác tại Khoa Mắt, Bệnh viện Quân y 17. Song với anh, đó là một kỷ niệm không thể nào quên, luôn nhắc anh và đồng nghiệp không ngừng trau dồi y đức, y thuật để xứng danh những chiến sĩ áo trắng hết lòng vì sức khoẻ bộ đội và nhân dân.
Đỗ Thị Ngọc Diệp