QĐND Online - “Thanh dã” (vườn không, nhà trống) là kế sách của các dân tộc nhỏ phải chống lại đạo quân xâm lược của những nước có nền kinh tế, lực lượng quân sự, trình độ tác chiến, trang bị kỹ thuật lớn hơn gấp nhiều lần. Do điểm yếu chí tử của đạo quân xâm lược là chiến đấu xa nước, nếu chiến tranh kéo dài thì công tác đảm bảo hậu cần khó khăn nên chúng thường sử dụng chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”, “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, “biến nước bị chiếm bị xâm lược đóng thành nơi cung cấp hậu cần tại chỗ cho đội quân chiếm đóng”… Phá vỡ chiến lược chiến tranh nêu trên của địch bằng kế sách “thanh dã” cùng cách đánh giặc của cuộc chiến tranh toàn dân (phục kích, tập kích, quấy rối, đánh phá cơ sở hậu cần, kỹ thuật của địch…), các nước nhỏ bị xâm lược sẽ biến thời gian thành lực lượng, đẩy địch vào thế cùng quẫn, tạo lập thời cơ tiến lên tổng phản công quân địch, giải phóng đất nước. Thăng Long-Hà Nội là nơi đã từng sử dụng kế sách “thanh dã” chống lại các cuộc tiến công xâm lược quy mô lớn của cả phong kiến phương bắc lẫn thực dân, đế quốc phương tây một cách mẫu mực trong lịch sử hàng nghìn năm chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.

Thăng Long với kế sách “thanh dã” trong ba cuộc chiến tranh chống Mông-Nguyên (thế kỷ 13). Trong ba cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt (1258, 1285 và 1288), quân Mông-Nguyên xâm lược đều coi Thăng Long là mục tiêu chủ yếu. Nhưng chiếm được Thăng Long, quân thù vẫn không thể thực hiện được chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng, không diệt được đại quân ta, không bắt được triều đình nhà Trần, không đạt được mục đích chiến tranh xâm lược. Chúng hy vọng, bằng chiến tranh chính quy, trong đó kỵ binh thiện chiến có sức đột kích nhanh và mạnh của quân Mông Cổ có thể đánh tan được đại quân nhà Trần như đã từng làm tại những quốc gia bị chúng xâm lược trước đó ở châu Âu, Bắc Á và gần nhất là nhà Tống, Trung Quốc. Nhưng chúng đã bị hẫng khi thấy Thăng Long chỉ là một tòa thành trống rỗng, không thấy bóng một người dân, họa chăng chỉ còn lại mấy tên sứ giả của Nguyên triều bị trói gô vứt nơi cửa khuyết. Kế sách “thanh dã” mà triều Trần tiến hành trong ba lần khác nhau đều phát huy tác dụng.

Hà Nội với kế sách “thanh dã”, tiêu thổ kháng chiến trong 60 ngày đêm khói lửa, mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954). Bảy thế kỷ sau, vào những năm giữa của thế kỷ 20, lịch sử chống giặc ngoại xâm bằng kế sách “thanh dã”, “tiêu thổ kháng chiến” lại được quân và dân Thăng Long-Hà Nội phát huy lên một tầm cao mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối thủ lần này của quân và dân Thăng Long là quân đội viễn chinh của nước Pháp thực dân. So sánh lực lượng giữa ta và địch tuy xấp xỉ, nhưng chúng có ưu thế tuyệt đối về trang bị kỹ thuật và kỹ thuật chiến đấu. Mặt khác, khi nổ ra kháng chiến ở thủ đô, quân Pháp đã trong thế xen kẽ với ta ở từng tòa nhà, khu phố, từng khu vực mục tiêu. Để làm thất bại âm mưu của địch, ta chủ động tiến công trước, rồi liên tục chiến đấu tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận  lực lượng của chúng, giam chân địch trong thành phố càng lâu càng tốt, nhằm giúp cho cả nước chuyển sang thời chiến. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, lực lượng vũ trang sẽ chủ động rút ra ngoài thành phố nhằm bảo tồn, phát triển lực lượng kháng chiến lâu dài. Thực hiện kế sách “thanh dã”, “tiêu thổ kháng chiến”, ngay từ những ngày đầu chiến sự nổ ra, các gia đình trong mỗi phố đã đưa bàn ghế, sập gụ, hòm xiểng, cánh cửa… ra đường phố, hình thành các ụ chướng ngại để cản địch. Trong khi đó, công nhân hỏa xa, công nhân xe điện đẩy các toa tàu ra giữa đường phố; tự vệ hạ cây, ngả cột đèn chắn các ngã tư, ngã năm. Nhân dân nội thành tản cư ra các cửa ô đã sốt sắng cùng nhân dân ngoại thành đào hàng chục ki-lô-mét đường hào giao thông, hàng trăm hố chiến đấu và phòng tránh; tham gia phá hoại đường sá, cầu cống, nhà cửa… Trong cuộc chiến đấu không cân sức này, nhân dân Hà Nội đã cùng nhân dân cả nước thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, bỏ lại những thành phố, thị xã, làng mạc trống không, với khẩu hiệu “tản cư cũng là cứu nước.

Kế sách “thanh dã” chỉ phát huy hiệu quả khi cuộc chiến tranh chống ngoại xâm được toàn thể nhân dân đồng tình hưởng ứng. Khi ấy, nhân dân là người tiến hành chiến tranh tại chỗ, sẵn sàng hy sinh nhà cửa, tài sản, tính mệnh của mình để thực hiện đường lối chiến tranh toàn dân của Bộ chỉ huy tối cao. Thănh Long - Hà Nội góp phần chiến thắng giặc ngoại xâm bằng kế sách “thanh dã” cũng nằm trong quy luật chung, bất biến ấy.

Hà Thành