Đoàn xe tăng H15- Binh chủng Tăng thiết giáp vừa bước vào mùa luyện quân năm 2008. Đây cũng là dịp để cán bộ chiến sĩ trong đoàn thực hiện phong trào thi đua lập thành tích cao kỷ niệm lần thứ 35 ngày thành lập (10/4/1973- 10/4/2008).
Chúng tôi đến Đoàn H15 khi những cơn mưa rào đầu mùa đã đổ xuống thao trường. Đoàn trưởng, đại tá Tạ Quang Thục vui vẻ nói: Lính tăng thì mưa cũng như nắng vẫn phải làm bằng ấy công việc. Bọn tôi vừa đào xong một cái ao lớn, mong có mưa xuống để trữ nước.
 |
Luyện tập khoa mục “tiến công theo phân đội”
|
Đóng quân trên một vùng đất mà dân địa phương gọi là “đồng cạn”, gạt lớp đất trên mặt vài phân là gặp ngay đất đá ong, mấy chục năm nay, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ đoàn H15 đã bỏ không biết bao công sức để xây dựng doanh trại “xanh-sạch-đẹp”. Không có đất để trồng cây, phải đi mấy chục km mang đất về. Không khai thác được nước ngầm thì đào ao, kè đá làm hồ giữ nước ăn và nước sinh hoạt. Mồ hôi đổ xuống không uổng. Doanh trại của đoàn H15 với vườn cây, ao nước, sân vận động, phòng Hồ Chí Minh... khang trang, thực sự là điểm sáng văn hoá ở miền đất trung du Tây Nghệ An.
Nhưng, mồ hôi đổ xuống để xây dựng doanh trại chính quy, hiện đại cũng không nhiều bằng mồ hôi đổ xuống thao trường. Là đơn vị được giao vừa làm nhiệm vụ huấn luyện, vừa sẵn sàng chiến đấu, toàn thể đảng viên, cán bộ chiến sĩ của đoàn thống nhất hành động, nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Từ 1-3, toàn đoàn H15 bước vào mùa luyện quân năm nay, cũng trùng với Tháng thanh niên do Trung ương đoàn phát động. Đoàn đã lồng ghép 2 nội dung thi đua làm một và nêu khẩu hiệu trong tháng luyện quân đầu tiên: “35 ngày đêm lập công chào mừng ngày truyền thống của đơn vị”. Chúng tôi gặp đại uý Nguyễn Duy Thắng, trung uý Nguyễn Văn Tuệ, những người đã có mặt ngoài thao trường từ rất sớm để chuẩn bị kỹ thuật cho xe. Cả hai đều cười rất lành, nói đơn giản: “Đó là nhiệm vụ được giao”. Nhìn những chiếc xe tăng đang đậu san sát bên đường, chỉ sau một tiếng còi ngắn gọn đã nổ máy và chuyển động, tôi hiểu để có được sự nhanh chóng này, đã có biết bao công sức đổ ra. Trả lời câu hỏi của tôi: Nếu có lệnh chiến đấu, bao giờ toàn đơn vị lên đường? Đại tá Đoàn trưởng Tạ Quang Thục khẳng định chắc nịch: Cấp đại đội thì thời gian chưa nấu xong một nồi cơm.
Đại tá Đoàn trưởng Tạ Quang Thục, đại tá Chính uỷ Lê Sỹ Biên, Thượng tá tham mưu trưởng Nguyễn Địch Sơn và nhiều cán bộ của đoàn xe tăng H15 chúng tôi gặp, ai cũng có nước da nâu đen, người gọn, chắc... Dù đã là cán bộ lãnh đạo, nhưng vào cuộc hành quân dã ngoại, từ đoàn trưởng đến các sĩ quan đều có những chiếc xe tăng của mình, có những kíp đồng đội của mình. Bởi thế, từ chỉ huy đến chiến sĩ rất hiểu nhau. Tôi hỏi trung sĩ Phan Thế Huy, pháo thủ thuộc đại đội 10, tiểu đoàn tăng 3: “Đoàn có khẩu hiệu: “thực hiện chính quy trong huấn luyện, đồng chí hiểu hai chữ “chính quy” thế nào?”. Phan Thế Huy trả lời ngay: “Chính quy trước hết trong nội bộ một kíp xe, trong đó phải lo cho kính ngắm, sắp xếp gọn gàng, đúng quy định các loại trang thiết bị, kể cả ba lô quần áo”. Đại uý Nguyễn Văn Chín, đại đội trưởng đại đội tăng 10 tiếp lời: “Chính quy tại thao trường phải thực hiện theo 4 tiêu chí: một là đúng kế hoạch, hai là đúng thời gian, ba là đúng khoa mục, bốn là đúng thao trường”. Anh còn nói thêm: Người chỉ huy phải xây dựng được kế hoạch, thống nhất nội dung trước khi đưa bộ đội ra bãi tập.
Trao đổi với chúng tôi, Tham mưu trưởng Nguyễn Địch Sơn nêu rõ: Năm nào đoàn cũng dành tới 10 tháng để luyện quân. Làm sao mỗi năm một đổi mới, một cải tiến, đó là điều chúng tôi đang cố gắng thực hiện. Trong năm nay, hướng đợt thi đua quyết thắng vào cuộc vận động lớn kỷ niệm lần thứ 60 ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, tổ chức thi đua giữa các đơn vị, thi giảng dạy hay, vận dụng giỏi vào thực tế huấn luyện. Đó là một cách “làm theo lời Bác”.
 |
Cán bộ, chiến sĩ đoàn H15 quây quần bên mẹ LS Nguyễn Thị Đèo
|
Thượng tá Nguyễn Địch Sơn cho biết: Trong tháng 3 - tháng thanh niên - bên cạnh các nội dung huấn luyện, chúng tôi nêu thêm chỉ tiêu “hoàn thành tủ sách thanh niên với “100 bộ sách hay, 1.000 đầu sách quý”, toàn đoàn sẽ xây dựng hoàn chỉnh 5 tủ sách.
Buổi tối ở doanh trại, tôi tha thẩn mãi trong mảnh sân nhỏ. Khu vực đoàn ở bị cắt điện luân phiên, cũng nhờ vậy mà thêm quý ánh trăng lúc tỏ lúc mờ trên cao kia. Lại nhớ đến bao đêm “đầu súng trăng treo” của người lính. Nhớ đến phút xúc động lúc ban ngày khi cùng cán bộ đoàn tới thăm mẹ của hai liệt sĩ Hồ Bá Vị và Hồ Bá Tuấn, cụ bà Nguyễn Thị Đèo ở xóm 6 xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu. Năm nay, mẹ đã 89 tuổi. Đoàn đã xây tặng mẹ một ngôi nhà 1 tầng khang trang và hằng tháng đều cử cán bộ, chiến sĩ ra chăm nom, phụng dưỡng. Chủ nhiệm chính trị đoàn, thượng tá Nguyễn Trọng Thanh còn khoe: Đến nay, gần 90 cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã lấy vợ là người địa phương. Đoàn còn có cả một làng quân nhân gần nơi đóng quân, với gần một trăm hộ gia đình. Anh thấy có vui không?
Vui quá đi chứ. Trong đêm khuya, tôi bấm máy điện thoại kể chuyện này cho Nguyễn Thế Tường, bạn đồng môn khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội năm xưa. Tường là lính xe tăng lữ đoàn 202, bị thương trong trận chiến đấu bảo vệ cảng Cửa Việt rạng sáng ngày 28-1-1973. Từ đó đến nay, chàng lính xe tăng này vẫn đau đáu khôn nguôi nhớ về những đồng đội của mình.“Hồi ức của một binh nhì”- truyện ngắn của Tường viết về mối tình trong trẻo, đẹp đẽ của một chàng lính xe tăng đóng quân ở xóm Bông (Tam Đảo) với một “nàng cơ yếu” đã được những người lính xe tăng coi là “chuyện của mình”.
Sau cuộc trò chuyện, tôi thiếp đi rất nhanh. Trong giấc ngủ vẫn thoảng thấy hơi thở nồng nàn của một đêm xuân với hương vị mặn mòi của làn gió và chút hương thơm quanh quất của những bụi hoa trong doanh trại. Và chỉ tỉnh giấc khi tiếng kèn báo thức lanh lảnh nổi lên: 5 giờ 30 phút sáng. Rồi sau đó là tiếng hô “một- hai- ba- bốn...” từ gần đến xa, từ xa đến gần. Kế đó, tiếng chân chạy rầm rập, vòng quanh doanh trại... và rồi ở phía xa, văng vẳng truyền đến tiếng động cơ xe tăng khởi động.
Một ngày mới lại bắt đầu ở đoàn xe tăng H15.
Theo Trương Cộng Hoà-VOVnews