Không khí đón Tết Bính Dần - 1975 ở Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) thật vui vẻ, náo nức và bừng bừng khí thế chuẩn bị chiến đấu như hồi Tết Mậu Thân - 1968. Không quân nhân dân, gồm không quân tiêm kích và không quân vận tải chuẩn bị đầy đủ lực lượng, trang bị vũ khí, máy bay để hiệp đồng chiến đấu và chi viện chiến trường miền Nam.

Ngay từ trước Tết, Lữ đoàn không quân vận tải 919 đã tổ chức bố trí xong sân bay đầu cầu Đồng Hới (Quảng Bình) và tập trung điều động lực lượng, trang thiết bị để thiết lập cầu hàng không Gia Lâm-Đồng Hới, chuyển quân, vũ khí, đạn dược, thuốc men vào tập kết ở sân bay đầu cầu, rồi từ đó, dùng ô tô vượt sông Bến Hải chuyển tiếp vào Đông Hà, Đường 9, chuyển đi các chiến trường miền Nam.

Mở đầu đợt vận chuyển nước rút đầu tiên, chỉ trong một đêm, Lữ đoàn 919 bí mật và an toàn đưa đoàn A-75 (mật danh của Bộ Tổng chỉ huy tiền phương) vào Đồng Hới, rồi từ đây đoàn theo đường dây 559 bí mật xuyên rừng vào sở chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên. Đoàn do Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng chỉ huy.

Lực lượng của Quân đoàn 1 hành quân bằng đường không vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975 không chờ đến năm 1976 được Bộ Chính trị phê duyệt tạo sức mạnh to lớn làm bật dậy những khả năng tiềm tàng trong vận chuyển đường không.

Khi Quân đoàn 2 vào đánh chiếm và giải phóng Trị-Thiên-Huế thì từ sân bay đầu cầu, một biên đội Mi-8 do Phi đội trưởng Trần Quang Bích dẫn đầu đã vượt sông Bến Hải sang Đông Hà, theo sau là biên đội Mi-6 “cần cẩu bay”. Bụi bốc lên mù mịt theo cơn lốc của các cánh quay trực thăng ở sân bay đầu cầu. Nhiều khẩu đội trọng pháo 130mm dự bị cùng cơ số đạn lần lượt được không vận đến bãi tập trung bí mật ở ven đường số 9, sẵn sàng tăng cường cho hướng tiến công chủ yếu dọc quốc lộ 1. Những cánh bay không quân vận tải luôn theo sát cuộc hành quân thần tốc của Quân đoàn 2.

Sân bay Gia Lâm trở thành một nhà ga lớn, hàng quân dụng ùn ùn chuyển về chất từng đống lớn cao ngất. Và hàng nghìn cán bộ quân, dân, chính, Đảng; nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ tấp nập về đây như trẩy hội chờ đến lượt bay vào phía Nam để bổ sung cho đội ngũ tiếp quản các tỉnh, thành phố vừa giải phóng và sắp giải phóng.

Các tổ bay tự nguyện tăng chuyến, không ngại vất vả, nhọc nhằn. Bay ngày chưa đủ, bay bù ban đêm, ngày nghỉ cũng như ngày thường, liên tục cất cánh. Có hàng, có người lên đủ là cất cánh. Nhiều khi lỡ bữa, hạ xuống Đồng Hới, dưới cánh bay, anh em chia nhau một phong lương khô, một ngụm nước trong bi đông lấy sức rồi lại lên máy bay “mã hồi” sân bay căn cứ để kịp bay chuyến tiếp. Các bộ phận phục vụ dưới đất cũng thi đua tăng ca, tăng kíp, làm thêm giờ bảo đảm phục vụ kịp thời các chuyến bay. Đường băng luôn tốt. Các hỏng hóc của máy bay được loại trừ nhanh chóng, bảo đảm máy bay luôn sẵn sàng cất cánh. Xăng dầu luôn tra nạp nhanh, đủ, chất lượng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật; bốc dỡ hàng nhanh chóng, xếp gọn gàng, khoa học đủ thể tích trọng lượng chuyên chở. Cơ quan điều phối tham mưu lên kế hoạch bay chặt chẽ, sít sao, điều độ không lưu an toàn tuyệt đối, hiệp đồng chặt chẽ với hệ thống phòng không quốc gia.

Một vấn đề lớn đặt ra với Quân chủng PK-KQ: Tổ chức điều động thêm lực lượng cán bộ, chiến sĩ bổ sung tăng cường cho Lữ đoàn 919 để thu hồi và tiếp quản các sân bay ở miền Nam khi được giải phóng, trong đó, có 9 sân bay lớn cấp 1 với đường băng bê tông dài hơn 3.000 mét, 6 sân bay cực đại có hai đường băng dùng cho cả dân dụng và quân sự. Quân chủng xin Bộ Tổng tham mưu được vận chuyển lực lượng này bằng cả đường không, đường bộ và đường biển. Mệnh lệnh được Bộ tư lệnh đưa ra trước khi các đoàn xuất phát là: Chậm nhất 24 giờ sau khi tiếp quản sân bay phải bảo đảm cho máy bay ta đáp cánh và cất cánh an toàn, thu hồi quản lý chặt chẽ tất cả các tài sản, trang thiết bị, máy bay… do địch bỏ lại ở các sân bay. Nếu cần thiết, có thể tuyển lựa, sử dụng thêm cả công chức, nhân viên đã làm việc cho chế độ cũ.

Quân đoàn 2 và các lực lượng vũ trang vừa đánh chiếm giải phóng Huế xong thì biên đội trực thăng Mi-8, tiếp sau là biên đội trực thăng Mi-6 đã táo bạo luồn lách ra biển để tránh hỏa lực phòng không mặt đất, tiến vào hạ cánh xuống sân bay Phú Bài. Không có ra-đi-ô chỉ huy đối không dưới sân bay, tầm nhìn rất xấu do mây mù và mưa rả rích, nhưng các tổ bay vẫn an toàn lách qua cột ăng ten cao hơn 150 mét ở sân bay Phú Bài.

Bốn ngày sau khi ta giải phóng Huế, ngày 19-3 quân ta tiến vào giải phóng thành phố Đà Nẵng. Ngay sau đó tổ bay IL-14 của Vũ Quý Đĩnh đã hạ cánh xuống sân bay Chu Lai; tiếp theo là tổ bay AN-24 của Lê Văn Nha hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng giữa khung cảnh ngổn ngang đồ quân dụng, va-li, hòm xiểng của quân ngụy vứt bỏ lại trên khắp đường lăn và hai đầu đường băng. Hai tổ bay đã kịp thời đưa hai đoàn tiếp quản của ta vào hai sân bay lớn nhất miền Trung.

Nhờ sự tiếp quản kịp thời đó, bộ đội ta đã phát hiện tại hai sân bay trên có một số máy bay A37 và UH-1 còn nguyên vẹn, có khả năng sử dụng được, liền điện về báo cáo Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ.

Một phương án táo bạo được vạch ra: Lấy máy bay địch diệt địch góp phần trực tiếp vào cuộc Tổng tiến công.

Phó tổng tham mưu trưởng Phùng Thế Tài, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Lê Văn Tri, Phó tư lệnh không quân Trần Mạnh cùng đoàn chuyên gia kỹ thuật, trong đó có Phó tiến sĩ Hồ Thanh Minh tham gia vào giám định, kiểm tra tại chỗ những chiếc A37 và UH-1 có thể sử dụng được. Trên cơ sở kết quả giám định và kiểm tra kỹ thuật tại chỗ, Bộ Tổng tham mưu đã phê chuẩn phương án táo bạo trên của Quân chủng PK-KQ.

Vào thời điểm ấy, Bộ Chính trị đã quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Lập tức, tổ bay IL-18 đưa 4 phi công tiêm kích của Trung đoàn Không quân 923 vào sân bay Đà Nẵng để tham gia bay huấn luyện cấp tốc chuyển loại máy bay A37. Được sự đồng ý của Bộ chỉ huy tiền phương, tổ bay Lê Đình Ký đã bay vào Tây Nguyên đón Nguyễn Thành Trung, phi công tình báo của ta vừa dùng F5-A ném bom Dinh Độc Lập của Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu. Một biên đội gồm 5 chiếc A37 đã được biên chế tổ chức xong, biên đội trưởng được chỉ định là Nguyễn Thành Trung. Tư lệnh PK-KQ Lê Văn Tri báo cáo lên Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh phương án dùng biên đội A37 lấy tên mật là “Quyết thắng” ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Vốn là phi công A37, nên Nguyễn Thành Trung đã kèm bay chuyển loại xong cho 4 phi công tiêm kích ta trong thời gian rất ngắn.

Phan Rang vừa giải phóng, tổ bay AN-24 của Nguyễn Doạt đã vào hạ cánh xuống sân bay Phan Rang, dẫn giải kịp thời Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy và Chuẩn tướng Sang, Tư lệnh Sư đoàn không quân ngụy số 3 ra Hà Nội để Bộ Tổng tham mưu khai thác tình hình bố phòng của địch, chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn-Gia Định.

Qua khai thác tài liệu của hai viên tướng ngụy, ta đã sơ bộ nắm được kế hoạch bố phòng của địch và biết được ý đồ địch lấy Xuân Lộc làm điểm chốt chặn quân ta tiến vào Sài Gòn. Địch đã tung vào đó khá nhiều xe tăng.

Lập tức, Quân đoàn 4 do tướng Trần Văn Trà chỉ huy được điều động tiến công nhổ “ba-ri-e” Xuân Lộc. Lữ đoàn xe tăng được giao nhiệm vụ tiên phong. Các phân đội pháo chống tăng được tăng cường hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh, chuẩn bị cho trận đấu xe tăng ác liệt. Bộ chỉ huy chiến dịch yêu cầu chuyển gấp đạn pháo cho xe tăng và đạn pháo chống tăng bổ sung cho các đơn vị. Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện trực tiếp điện thoại yêu cầu không quân vận tải tổ chức trực thăng không vận số đạn pháo trên đến gần sát hỏa tuyến. Các địa điểm chỉ định chuyển đạn pháo đến là những khoảng trống trong rừng, không có tên trên bản đồ, chỉ được xác định bằng tọa độ, có pháo hiệu và mảnh vải chữ T đánh dấu, chỉ điểm bổ trợ cho máy bay hạ cánh. Thời gian này trời rất mù và mưa, tầm nhìn chỉ mấy trăm mét. Các tổ bay động viên nhau khắc phục mọi khó khăn, đưa đạn pháo tới đích là góp phần trực tiếp nổ súng tiêu diệt địch. Phân đội Mi-6, “cần cẩu bay” được giao trọng trách vận chuyển đạn pháo, do tổ bay Xuân Trường dẫn đầu đã khắc phục trời mù và mưa to, bay thấp gần sát ngọn cây, căng mắt quan sát bốn phía tìm bằng được điểm chỉ định hạ cánh. Và, phân đội đã hoàn thành nhiệm vụ chuyên chở hơn 100 tấn đạn pháo cùng khối lượng lớn bản đồ Sài Gòn-Gia Định kịp thời cung cấp cho các hướng tiến công vào Sài Gòn-Gia Định.

Ngày 27-4-1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng trực tiếp lệnh cho Tư lệnh PK-KQ đang ở sân bay Phan Rang:

- Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định sử dụng không quân ném bom sân bay Tân Sơn Nhất trong ngày 28-4-1975. Cho phép không quân chọn giờ G để tạo thế tiến công bất ngờ nhất.

Đại tướng nhấn mạnh: “Trận ném bom Tân Sơn Nhất của không quân ta là trận mở màn cho cuộc Tổng tiến công của 5 cánh quân vào Sài Gòn-Gia Định. Chúc Không quân hoàn thành nhiệm vụ”.

17 giờ 15 phút ngày 28-4-1975, từ sân bay Phan Rang mới giải phóng và tiếp quản, biên đội 5 chiếc máy bay A37 do Nguyễn Thành Trung dẫn đầu đã bay vòng ra biển, tránh sự phát hiện của địch và tránh hỏa lực phòng không của cả hai phía ta và địch, bất ngờ xộc thẳng vào không phận Tân Sơn Nhất, oanh tạc khu vực sân đỗ của các máy bay vận tải địch. Biên đội lần lượt bổ nhào xuống ném hết cơ số bom mang theo, phá hủy nhiều chiếc máy bay địch, tạo nên một cột khói đen lớn che kín vùng trời sân bay Tân Sơn Nhất, khiến quân địch hoảng loạn, không kịp đối phó, ngụy quân, ngụy quyền hoang mang cực độ.

Sáng 30-4-1975, năm cánh quân lớn của quân ta đồng loạt tiến vào Sài Gòn cùng với quần chúng nổi dậy, giải phóng hoàn toàn Sài Gòn-Gia Định. Cán bộ, chiến sĩ không quân nhân dân Việt Nam lòng tràn đầy tự hào, vì đã góp phần tích cực vào Đại thắng mùa Xuân 1975.

VŨ THÀNH