 |
Huấn luyện chuyên ngành vượt sông ở Trường SQCB.
|
Vào dịp cuối tháng 5-2008, đến Trường sĩ quan Công binh (SQCB) công tác, tôi hỏi Đại tá Lê Phan, Chính ủy nhà trường: “Nếu chọn một vấn đề tâm đắc nhất để nói về nhà trường trong giai đoạn hiện nay, anh sẽ nói điều gì?”.
- Cùng với nhiệm vụ trọng tâm là giáo dục-đào tạo, Trường SQCB còn thực hiện nhiệm vụ như một đơn vị cơ động chủ lực của Binh chủng Công binh. Biến khó khăn thành động lực thi đua, sáng tạo, là bài học để nhà trường hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong nhiều năm qua - Anh Phan khẳng định.
Việc gắn nhà trường với chiến trường trong giai đoạn chiến tranh, nhà trường với đơn vị trong giai đoạn mới là phương châm đào tạo của các nhà trường quân đội hiện nay. Tuy nhiên, đối với Trường SQCB, sự gắn kết ấy mang tính đặc thù rất rõ nét. Tôi còn nhớ, Thiếu tướng Dương Đức Hòa, Tư lệnh Binh chủng Công binh cho rằng: “Đối với bộ đội công binh, tính đặc thù của nhiệm vụ trong thời chiến và thời bình chẳng khác nhau là mấy. Khó khăn, gian khổ, hiểm nguy... là những yếu tố có thể xảy đến bất cứ lúc nào đối với bộ đội công binh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trong điều kiện thiên tai, bão lụt càng ngày càng diễn biến phức tạp và nguy hiểm, bộ đội công binh luôn ở tư thế sẵn sàng. Với chúng tôi, không có khái niệm “thời bình”. Mỗi lần tham gia phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn hay thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn... xây dựng công trình quân sự là một “cuộc chiến” đối với bộ đội công binh. Để các đơn vị đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ thì cái nôi đào tạo cán bộ kỹ thuật công binh phải thực sự là “lò luyện” về bản lĩnh chính trị và năng lực chuyên môn. Nhà trường đồng thời là một đơn vị thường trực SSCĐ và ứng phó với thiên tai...”.
Từ chỗ rèn luyện bản lĩnh, ý chí khắc phục khó khăn cho người học, Trường SQCB tập trung xây dựng khả năng tự chủ, tự giác, lấy khó khăn, gian khổ làm cơ hội phấn đấu, nơi thể hiện trình độ và năng lực thực sự của cả thầy và trò. Phong trào thi đua quyết thắng là môi trường tạo nên động lực ấy.
Một trong những nhiệm vụ mang tính đặc thù mà Trường SQCB thực hiện như một đơn vị cơ động chủ lực, là quá trình rà phá bom mìn phục vụ qui hoạch, phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn nhiều địa phương những năm gần đây. Hàng tấn vật liệu nổ nguy hiểm trong lòng đất đã được tìm thấy và vô hiệu hóa bởi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, cách xử lý an toàn, chính xác tuyệt đối của các cán bộ, giảng viên, học viên, chiến sĩ Trường SQCB. Rồi cách đây vài năm, khi cầu Bến Lức (Long An) bị sập, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn Công binh H5 (Quân khu 7) sử dụng phương tiện chuyên dụng làm cầu thay thế, bảo đảm giao thông thông suốt trên tuyến đường huyết mạch nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và các ngành chức năng biểu dương, khen ngợi...
Đại tá Thái Hồng Lĩnh, Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng thi đua Trường SQCB cho biết: “Những thành tích mà nhà trường đạt được là kết quả phong trào thi đua Quyết thắng. Trước lúc ra quân thực hiện các nhiệm vụ, nhà trường đều phát động thi đua đột kích, xác định rõ phương châm hành động, chỉ tiêu phấn đấu của từng cá nhân, cơ quan, đơn vị. Phong trào thi đua Quyết thắng ở nhà trường được tổ chức kết hợp giữa thi đua thường xuyên và thi đua đột kích. Chủ đề các đợt thi đua được gắn chặt với những cuộc vận động mang ý nghĩa chính trị sâu rộng. Ví dụ, đối với nhiệm vụ rà phá bom mìn, khắc phục sự cố đổ sập công trình, nhà trường lấy chủ đề “Mở đường thắng lợi”, đưa tinh thần, khí thế, nhiệt huyết của truyền thống bộ đội Công binh làm phương châm hành động. Đó cũng chính là bài học thực tế đầy bổ ích đối với học viên; là cơ hội để cán bộ, giáo viên trau dồi kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, phục vụ mục tiêu, yêu cầu đào tạo.
Mới đây, Binh chủng Công binh tổng kết thực hiện Cuộc vận động 50, nhà trường được chọn làm đơn vị đăng cai. Khu trưng bày các sản phẩm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của Trường SQCB đã được các đơn vị đánh giá rất cao. Nhiều sản phẩm sáng kiến đã trở thành mô hình được các đơn vị khác học tập, áp dụng, góp phần tiết kiệm hàng nghìn lít nhiên liệu trong mỗi mùa huấn luyện. Điều đáng nói, những thành quả sáng tạo ấy đều được tận dụng từ các nguồn phế liệu. Đặc biệt, dưới sự chủ trì của cơ quan kỹ thuật, hàng trăm ý tưởng sáng tạo của cán bộ, giáo viên, học viên đã được tập hợp, sáng chế thành những sản phẩm kỹ thuật mới phục vụ nhiệm vụ giáo dục-đào tạo. Việc biến những khó khăn, gian khổ thành động lực sáng tạo không chỉ có mồ hôi, trí tuệ, mà nhiều nội dung, nhiệm vụ còn nguy hiểm đến tính mạng.
Hiện nay, bên cạnh nhiệm vụ đào tạo sĩ quan chỉ huy các chuyên ngành kỹ thuật công binh, Trường SQCB được bổ sung nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đẳng, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước với các chuyên ngành xây dựng cầu đường, xe máy... Với sự đa dạng của đối tượng và chuyên ngành đào tạo, việc tổ chức phong trào thi đua ở nhà trường không mang tính chung chung, hình thức, mà đi vào những nội dung cụ thể theo yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn. Nhà trường coi đây là môi trường để từng cá nhân, cơ quan, đơn vị phát huy cao nhất khả năng, năng lực và tinh thần nhiệt huyết. Nhà trường không áp đặt các chỉ tiêu, nội dung mà để các cơ quan, đơn vị tự xác định trên cơ sở chỉ tiêu chung.
Giai đoạn này Trường SQCB đang sôi nổi thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Sau hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tổ chức sôi nổi, rộng khắp trong toàn trường, từng cá nhân và cơ quan, đơn vị xây dựng quyết tâm thư, chương trình hành động, trước hết, tập trung làm chuyển biến những mặt yếu, khâu yếu, tạo động lực mới đẩy mạnh sáng kiến, cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo và sẵn sàng các phương án cơ động xử lý tình huống trong mùa mưa lũ...
Bài và ảnh: PHAN TÙNG SƠN