QĐND - Thông thường, để sửa chữa, bảo dưỡng tàu, nhất là sửa chữa bộ phận nằm dưới đáy tàu như chân vịt... thì phải đưa tàu vào đốc, nhưng trong điều kiện hoạt động bí mật trên biển, cơ sở vật chất bảo đảm rất khó khăn, thêm nữa yêu cầu phải sửa chữa nhanh để tránh địch phát hiện... nên thủy thủ không thể đưa tàu vào đốc mà phải linh hoạt, sáng tạo để xử lý tình huống kịp thời.

Trong một chuyến hành trình của tàu không số, khi tàu vào vàm Cái Bầu để trả hàng thì chân vịt bị hỏng, không thể tiếp tục quay ra Bắc. Cơ quan kỹ thuật của Đoàn 962 có sáng kiến làm “đốc nổi” từ những cây đước. Đốc gồm một số “trụ đỡ” được làm bằng cách ghép những cây đước với nhau. Lợi dụng lúc thủy triều lên, tàu cơ động vào vị trí “đốc”. Khi nước rút, tàu được nằm yên vị trên “đốc nổi”. Có “đốc”, máy trưởng Nguyễn Văn Bé và hai thợ máy Lê Xuân Khảm, Nguyễn Minh Châu cùng lực lượng kỹ thuật của Đoàn 962 nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ sửa chân vịt... Một số ít tàu bị hỏng chân vịt, nhưng không thể làm đốc từ cây đước, anh em thủy thủ lợi dụng địa hình, bí mật cơ động đưa tàu lên những triền cát, khi nước rút, tàu như được nằm trên “đốc nổi” bằng... cát. Thợ máy nhanh chóng khoét cát, làm hở chân vịt để khắc phục sự cố, sớm đưa tàu hoạt động trở lại.

Nguyễn Trung