 |
Đồng chí Huỳnh Thị Hoài Thu.
|
QĐND - Năm 2012, tôi được tham dự lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (QP-AN) dành cho cán bộ đối tượng 2 tại Trường Quân sự Quân khu 9. Qua thời gian học tập, tôi nhận thấy nội dung, chương trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN phù hợp với thực tiễn, giúp cho mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý của địa phương, đơn vị hiểu sâu hơn về nhiệm vụ QP-AN, từ đó có kiến thức cơ bản để vận dụng hiệu quả vào nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương mình. Tôi rất ấn tượng với các giảng viên là sĩ quan Quân đội vì cách trao đổi, thuyết trình các nội dung không khô cứng, mà rất linh hoạt, nhất là phần liên hệ thực tiễn sát với hoàn cảnh cụ thể để học viên hiểu rõ các vấn đề ở từng chuyên đề. Nhiều giảng viên đã kết hợp sử dụng giáo án điện tử và các trích dẫn bằng phim, ảnh từ các sự kiện thực tế, bảo đảm tính trực quan, sinh động, tạo cho người học cảm giác thoải mái và dễ tiếp thu. Đặc biệt, trong các buổi thảo luận, giảng viên đã khéo léo gợi mở những vấn đề để phát huy tư duy sáng tạo của người học. Cũng chính từ những buổi thảo luận ở tổ, ở lớp, giúp cho các học viên có dịp chia sẻ, tham khảo những mô hình hoạt động hiệu quả về lĩnh vực quốc phòng, quân sự địa phương, về giáo dục QP-AN. Và đây cũng là dịp để Hội đồng Giáo dục QP-AN tỉnh tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của các học viên về công tác QP-AN, từ đó có các giải pháp nâng cao chất lượng nội dung bồi dưỡng kiến thức QP-AN của địa phương.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, thời gian phần thực hành sử dụng vũ khí còn ít, dẫn đến khi kiểm tra, một số học viên còn lúng túng trong thao tác.
Để nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng, tôi cho rằng, Hội đồng Giáo dục QP-AN các cấp phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy, trong đó chú trọng phương pháp trực quan và đầu tư nhiều hơn nữa thời gian thực hành. Đối với đội ngũ giảng viên, bên cạnh việc tích cực học tập, nghiên cứu tài liệu, cập nhật thông tin, còn phải thường xuyên đổi mới, rèn luyện kỹ năng sư phạm và phải tăng cường đi thực tế ở các đơn vị quân đội, địa phương để khảo sát nắm tình hình, trên cơ sở đó cung cấp kiến thức thực tiễn sinh động cho các học viên. Quá trình giảng dạy, thuyết trình cần kết hợp vận dụng có hiệu quả công nghệ thông tin. Chương trình lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN nên tăng thời gian các buổi thảo luận ở tổ, ngoại khóa, đi tham quan thực tế tại các đơn vị quân đội, địa phương. Quan trọng hơn cả là mỗi học viên phải nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN, để từ đó phát huy trách nhiệm, chấp hành nghiêm thời gian học tập theo quy định, nắm vững kiến thức đã học tập, nghiên cứu để trên mỗi cương vị công tác vận dụng sáng tạo vào nhiệm vụ thực tế tại cơ quan, địa phương, bảo đảm sát thực, hiệu quả hơn.
HỒNG KHÁNH CHI (ghi)